Bị Càn Long ép nhảy sông, "Tể tướng Lưu gù" chỉ đáp lại 1 lời đã khiến Hoàng đế bội phục, ung dung vượt qua cửa tử
Vua Càn Long yêu thương ai nhất? / Mối tình bí ẩn của mẫu thân Càn Long - cao thủ chốn hậu cung khiến Ung Chính phá bỏ mọi luật lệ
Trong số những quan viên có tiếng vào thời Càn Long, Lưu Dung là một nhân vật tương đối quen thuộc với hậu thế. Ông cũng chính là nguyên mẫu của nhân vật chính trong bộ phim "Tể tướng Lưu gù" từng nổi tiếng một thời.
Sinh thời, Lưu Dung là một người tài hoa xuất chúng, lại đối nhân xử thế rất mực khôn ngoan, khéo léo.
Thế nhưng có đôi khi, cái tài của ông vẫn gặp phải sự ghen tỵ đến từ chính Hoàng đế. Và cũng bởi vậy nên giữa Càn Long với vị quan này từng xảy ra một màn đối đáp hết sức hài hước như câu chuyện dưới đây.
Kế sách "dằn mặt" Lưu Dung của Càn Long: Bắt đi nhảy sông chỉ vì 1 lý do này
Lưu Dung xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc, ba đời đều làm quan lớn. Cũng bởi sinh trưởng trong một gia tộc như vậy, lại được cha ruột quan tâm dìu dắt, ông đã không phụ sự mong đợi của mọi người khi gặt hái những thành công đầu tiên trên con đường khoa cử.
Năm 32 tuổi, Lưu Dung đỗ Tiến sĩ và trở thành quan viên trong Hàn Lâm viện. Chẳng bao lâu sau, nhờ có tài năng nổi bật, ông được cất nhắc trở thành cố vấn của Càn Long.
Nhờ bác học đa tài, bụng đầy kinh luân, Lưu Dung luôn được Càn Long đế rất mực trọng dụng và tán thưởng. Thế nhưng cũng chính cái tài này đã khiến vị quan này từng bị nhà vua làm khó vì… ghen tỵ.
Tương truyền rằng, Càn Long đế lúc sinh thời rất thích làm thơ. Thậm chí số lượng các tác phẩm do nhà vua sáng tác từng lên tới con số 4 vạn. Cũng bởi vậy mà Càn Long đã trở thành một trong những vị Hoàng đế nổi tiếng là có tài thơ phú.
Có giai thoại truyền lại rằng, vào một ngày nọ, sau khi bãi triều, Càn Long đã cố ý giữ Lưu Dung ở lại để thi tài làm thơ cùng vị quan này.
Khi ấy, nhà vua đã hao tốn không ít tâm tư mới nghĩ ra một bài thơ, mà Lưu Dung chẳng tốn mấy công sức đã nhanh chóng đưa ra một bài thơ đối lại.
Mặc dù vị quan khôn khéo ấy đã có ý nhường, thế nhưng Càn Long sau cùng vẫn là người thua cuộc. Do muốn giữ thể diện, Càn Long đã nghĩ ra một kế để làm khó Lưu Dung.
Bấy giờ, nhà vua nói:
"Lưu ái khanh, khanh hẳn là hiểu rõ quan hệ quân thần, phụ tử. Trẫm có mấy câu thơ còn chưa thông, không biết ái khanh có thể giải thích giúp trẫm hay không?".
Lưu Dung sớm đã biết đây là kế của Hoàng đế, liền cười mà nói rằng:
"Không biết Hoàng thượng hỏi câu nào?".
Càn Long đáp:
"Cha bảo con chết, con không chết. Vua bảo thần chết, thần không chết. Lời này tuy văn nhã, nhưng ý tứ có phần khó hiểu".
Lưu Dung phần nào đã đoán được ý của nhà vua, nhưng vẫn thong thả trả lời:
"Cha bảo con chết, con không chết, đó là bất hiếu. Vua bảo thần chết, thần không chết, đó là bất trung. Ý của hai câu này chính là chỉ sự bất hiếu, bất trung".
Nghe được lời ấy, Càn Long lập tức nói lớn:
"Được! Vậy ngươi cũng là thần tử của trẫm, bây giờ trẫm hạ lệnh cho ngươi lập tức phải chết. Vì ngươi là kẻ bất trung, trẫm hạ lệnh cho ngươi ngay bây giờ lập tức đi nhảy sông".
Lưu Dung từ sớm đã nghĩ ra cách ứng phó, liền trả lời:
"Thần muốn nhảy sông, nhưng là nhảy sông hộ thành (sông đào để bảo vệ thành trì)".
Càn Long không trả lời, chỉ khoát tay tỏ vẻ đồng ý. Ngay sau đó, Lưu Dung đã lập tức rời khỏi cung và đi ngay tới sông hộ thành.
Màn đối đáp khôn ngoan của Lưu Dung và cái kết khiến nhiều người không khỏi tấm tắc
Chứng kiến dáng vẻ ra đi dứt khoát của vị quan họ Lưu, Càn Long đế khi ấy cũng không khỏi giật mình. Ông thậm chí còn hạ lệnh cho thuộc hạ âm thầm đi theo Lưu Dung.
Thế nhưng Lưu Dung khi tới bên bờ sông thì chỉ đi tới đi lui một vòng rồi trở về. Thuộc hạ của nhà vua cũng nhanh chóng quay lại bẩm tấu việc này cho Hoàng đế.
Càn Long lúc ấy tò mò không biết Lưu Dung định làm gì. Không lâu sau, Lưu Dung đã thong dong về triều, cung kính tâu rằng:
"Bẩm Hoàng thượng, thần đã đi ra sông hộ thành, vốn định gieo mình nhảy xuống. Thế nhưng ngay khi ấy, thần lại thấy được Khuất Nguyên hiện lên.
Khuất Nguyên nói với thần rằng: ‘Ta nhảy sông chẳng qua là vì ta gặp phải một người chủ không anh minh. Thế nhưng ngươi đang hầu hạ một vị minh quân, chớ nên làm điều này’.
Vì vậy, Khuất Nguyên đã cho thần quay trở lại, còn nhờ thần gửi lời vấn an Hoàng thượng".
Khuất Nguyên là nhà một nhà thơ yêu nước nổi tiếng vào thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Ông từng làm quan dưới trướng Sở Hoài vương của nước Sở, thế nhưng sau lại bị quân chủ của mình đày ra Giang Nam.
Vì thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, Khuất Nguyên từ đó suốt ngày ca hát như người điên. Sau cùng, ông gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.
Mượn lời Khuất Nguyên làm "chìa khóa" hóa giải kế sách làm khó của nhà vua, Lưu Dung quả thực đã bộc lộ trọn vẹn sự tài hoa và khéo léo của mình.
Nghe xong lời ứng đối ấy, Càn Long Hoàng đế liền cười lớn. Sau đó, nhà vua chẳng những không còn làm khó Lưu Dung mà còn hết lời khen ngợi vị trọng thần tài trí hiếm có này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Là chủ của Thiên Đình, tại sao Ngọc Hoàng lại sợ hãi đến trốn cả vào gầm bàn, phải nhờ cậy Phật Tổ Như Lai khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung?
Phát hiện mới về nguyên nhân tuyệt chủng của loài 'quái vật' biển cổ dài
Ai được xem là ‘nhà thơ của làng cảnh Việt Nam’ ? Có bài thơ người Việt nào cũng thuộc