Cá mập "cắt bánh quy", loài cá mập có kích thước chỉ bằng mèo nhà nhưng cắn hỏng cả tàu ngầm hạt nhân
Những sự thật thú vị về loài cá mập / Bí mật về loài sinh vật kỳ dị dù bị cá mập cắn xé cũng không chết
Loài cá mập Cookie-cutter có tên gọi khoa học là Isistius brasiliensis, được các nhà tự nhiên học người Pháp phát hiện vào đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên, phải đến thập niên 70 của thế kỷ 20, chúng mới được các nhà nghiên cứu hải dương học xem là sinh vật nhỏ nhưng hung hãn và rất nguy hiểm. Cho đến thời điểm đó những vết thương sâu hình nón mãi trên người các sinh vật ở biển, từ những con cá nhỏ đến cá heo và thậm chí là cá mập trắng, đều là một bí ẩn. Năm 1971, khi Everet Jones phát hiện ra những mẩu thịt nhỏ hình nón trong dạ dày một con cá mập Cookie-cutter, các nhà hải dương học mới phát hiện ra rằng loài vật bé nhỏ này có thể là nguyên nhân gây ra những vết thương chí mạng cho một số loài sinh vật khổng lồ của biển cả.
Trước khi Everet Jones phát hiện ra manh mối trong dạ dày cá mập Cookie-cutter, người ta tin rằng những vết thương nặng hình nón trên thân một số sinh vật biển là do rận, ký sinh vật, bọ đèn… nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc một sinh vật bí ẩn nào đó gây ra. Mãi cho đến khi bắt tay vào nghiên cứu bộ răng sắc như lưỡi cưa của cá mập Cookie-cutter, người ta mới hiểu được mức độ nguy hiểm mà vết cắn của loài vật này gây ra.
Miệng cá mập có cấu tạo gồm lưỡi di động và đôi môi dày, cho phép chúng bám chắc vào người con mồi bằng cách tạo ra chân không trên bề mặt nhẵn. Sau đó chúng cắm những chiếc răng sắc nhọn vào da thịt con mồi và sử dụng chuyển động xoắn để xúc từng mảng thịt, để lại các vết thương dạng hố sâu đẫm máu. Đây cũng không phải là vết thương nhỏ, vì có những vết thương được ghi nhận rộng khoảng 5 cm và sâu 7 cm.
Cá mập Cookie-cutter sống ở dưới đáy sâu. Ban ngày chúng thường ở độ sâu lên đến 3500m và tiếp cận bề mặt nước vào ban đêm, vì đây là lúc con mồi của chúng đi săn. Cá mập Cookie-cutter thường phát ra ánh sáng nhờ một vòng sẫm màu quanh cổ, tạo cảm giác như một con cá lắc lư dưới nước, dẫn dụ những kẻ săn mồi đến kiếm ăn. Khi con mồi sập bẫy, chúng sẽ lập tức bám lên người con mồi để tấn công.
Dù cơ chế săn mồi của cá mập Cookie-cutter mới là sự suy đoán của các nhà sinh vật biển, nhưng có một điều chắc chắn là vết thương do chúng gây ra không phải trò đùa. Có đến hơn 48 loài cá voi, cá heo, cá voi sát thủ, cá mập, hải cẩu… được tìm thấy có vết thương do cá mập Cookie-cutter gây ra.
Loài cá hung hãn này thậm chí còn được biết đến là có thể tấn công tàu ngầm hạt nhân, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Theo Elasmo Research, vào những năm 1970, những con cá mập có kích cỡ con mèo nhà này đã tấn công vào các bộ phận mềm của tàu ngầm như dây cáp lộ ra ngoài, vòm sonar cao su… Đôi khi, chúng còn gây mù đường khiến các con tàu bị hư hại nặng, cần phải quay về căn cứ để sửa chữa. Cá mập Cookie-cutter chính là một trong số các lý do khiến những mẫu tàu ngầm sau này trang bị thêm lớp phủ bằng sợi thủy tinh trên các bộ phần mềm. Một số trường hợp, vết cắn mà loài cá này gây ra khiến cho thiết bị sonar bị rò rỉ dầu và ngừng hoạt động.
Con người cũng là nạn nhân của cá mập Cookie-cutter, đặc biệt là với những ai đến vùng nước sâu vào ban đêm. Năm 2009, một người đàn ông trong lúc bơi 30 dặm giữa Hawaii và Maui vào ban đêm đã bị cá mập tấn công vào ngực. Năm 2019, hai vận động viên bơi lội tham gia thử thách Oceans Seven gặp nạn với những vết rách lớn ở bụng, chân và vai do cá mập gây ra. Nhiều trường hợp thi thể vớt lên từ dưới nước cũng được ghi nhận có vết cắn của cá mập.
End of content
Không có tin nào tiếp theo