Chuyện nữ nhân “nạ dòng” vẫn đắc sủng, được phong Thái hậu khi Hoàng đế vẫn còn sống, đưa con trai nối ngôi bằng mưu kế thâm sâu
Uẩn khúc không thể lý giải của vua Bảo Đại và tình sử cùng Nam Phương Hoàng hậu / Thái giám cuối cùng nhà Thanh kể lại: Hoàng hậu Uyển Dung có một thói quen khi tắm khiến Phổ Nghi ghét cay ghét đắng
Trong quan niệm phong kiến, trinh tiết là chuyện rất đỗi nặng nề và đó là một trong những yếu tố được người phụ nữ đặt lên hàng đầu, cố công gìn giữ. Đó cũng là lý do tại sao trong 3000 giai lệ của hậu cung Trung Hoa cổ đại, chỉ những cô gái còn giữ được cho mình “cái ngàn vàng” mới đủ tiêu chuẩn nhập cung, hầu hạ chủ tử, chờ đợi thời cơ được sủng ái, một bước hóa thành phượng hoàng leo lên cành cao.
Tuy nhiên cũng tồn tại những ngoại lệ, một trong số đó phải kể đến Hiếu Cảnh Vương Hoàng hậu của Hán Cảnh Đế Lưu Khải, sinh mẫu của Hán Vũ Đế Lưu Triệt uy danh lịch sử.
Trong Sử ký lẫn Hán thư, Hoàng hậu sinh năm nào và tên gọi ra sao đều không được truyền lại. Sử ký tác ẩn của Tư Mã Trinh thì ghi lại bà có khuê danh Vương Chí. Sách Hán Vũ cố sự cho biết bà được gọi là Xu Nhi, sách Tính thị thư biện chứng cho biết bà có húy là Chí, biểu tự A Du. Và câu chuyện bắt đầu từ Tạng Nhi, mẹ của Hiếu Cảnh Vương Hoàng hậu.
Tạng Nhi là cháu gái của Yên vương Tạng Đồ, thành thân với một người tên là Vương Trọng và sinh ra 1 trai 2 gái, trong đó có Vương Chí. Sau khi chồng qua đời, Tạng Nhi đã tái giá với một người họ Điền. Sau khi tái hôn, bà có thêm 2 con trai nữa là Điền Phân và Điền Thắng.
Cuộc đời thăng trầm không làm Tạng Nhi gục ngã, ngược lại càng khiến bà luôn giữ chấp niệm về cuộc sống nhung lụa ngày xưa. Bà quyết định gả con gái duy nhất của mình là Vương Chí cho Kim Vương Tôn và sinh một đứa con gái tên là Kim Tục.
Sau đó, Tạng Nhi đi xem bói biết được hậu vận phú quý của con gái, bà đã ép buộc Vương Chí phải ly hôn với Kim Vương Tôn. Kế đó, sau khi nghe tin trưởng Công chúa Lưu Phiếu tuyển chọn mỹ nữ cho Thái tử ngay trong phủ, Tạng Nhi đã dùng tiền mua chuộc tổng quản trong phủ Công chúa, lên kế hoạch để đưa con gái mình là Vương Chí vào cung. Và rồi dường như quẻ bói linh nghiệm, Thái tử Lưu Khải vừa nhìn thấy họ Vương đã thích ngay, đem về cung Thái tử làm phi tần.
Do hậu cung của Thái tử Lưu Khải và sau đó là hậu cung của Hoàng đế đều cách biệt so với bên ngoài cho nên Hán Cảnh Đế cả đời cũng không biết được rằng mình đã lấy một người phụ nữ đã từng có chồng. Ngược lại, Hán Cảnh Đế rất sủng ái họ Vương.
Đắc sủng, sinh được quý tửLưu Khải sủng ái Vương mỹ nhân, bà liên tiếp sinh con nên ân sủng không hề suy giảm. Khi Hán Văn Đế sắp băng, Vương thị đang có thai, thường nằm mơ thấy một vầng thái dương lao vào bụng, bèn tâu việc đó lên Cảnh Đế, Cảnh Đế cho rằng đó là điềm vinh hiển. Năm Hán Văn Đế Hậu Nguyên năm thứ 7 (157 TCN), Hán Văn Đế băng hà.
Năm sau (156 TCN), Lưu Khải kế vị, tức là Hán Cảnh Đế, lập Thái tử phi Bạc thị làm Hoàng hậu. Vương thị sinh 3 Công chúa nên được phong làm Phu nhân. Sau đó, bà hạ sinh ra Hoàng tử thứ 11, chính là Lưu Triệt. Đây là người con út của bà, cũng là con trai duy nhất.
Vương phu nhân và anh trai Vương Tín là nhân tố quan trọng làm dịu cơn tức giận của Cảnh Đế trong vấn đề truyền ngôi cho Lương vương Lưu Vũ, vốn được ủng hộ bởi Đậu Thái hậu. Khi đó, Lương vương cử một người tên Trâu Dương giải quyết việc này. Trâu Dương bèn nhờ cậy anh của Vương phu nhân là Vương Tín, nói rằng:
"Ta lén nghe nói muội muội của ngài ở trong cung được Bệ hạ sủng hạnh, thiên hạ không ai so được về sự sủng ái. Bây giờ triều đình đang tra vụ án Viên Áng bị ám sát, Lương vương sợ bị lấy tội mà chết. Ngài biết đó, nếu Vương chết, Thái hậu sẽ bi phẫn, tức sẽ không yên, tìm cách trút giận và tội lên các đại thần. Ta lo lắng cho sự an nguy của ngài, không thể không có góp vài lời".
Thấy Vương Tín đang suy tư, Trâu Dương bèn nói: "Việc này, ngài hãy góp lời khuyên bảo Bệ hạ, khiến sự việc tránh liên lụy đến Lương vương, như vậy ngài cùng Thái hậu sẽ kết thâm ân tình, mà nếu thế thì Vương phu nhân địa vị trong cung sẽ vừa có Bệ hạ sủng ái, lại vừa có Thái hậu yêu thích. Thật là trăm điều lợi!". Vương Tín nghe thế, liền làm theo, nhờ vậy mà Lương vương không bị trách tội, hơn nữa mối quan hệ giữa Vương phu nhân và Đậu Thái hậu được củng cố.
Năm Hán Cảnh Đế Tiền nguyên thứ 4 (153 TCN), Hán Cảnh Đế lập Hoàng trưởng tử Lưu Vinh, con trai Lịch Cơ làm Hoàng Thái tử. Cùng năm đó, Lưu Triệt mới 4 tuổi được phong làm Giao Đông vương.
Điều đặc biệt là, theo lệ nhà Hán, mẫu thân của các Chư hầu Vương chỉ được gọi là Vương Thái hậu sau khi Hoàng đế giá băng, nhưng Vương phu nhân ngay lúc Giao Đông vương được lập, đã được ân chuẩn phong làm Giao Đông Vương Thái hậu. Điều này khiến bá quan văn võ triều đình xôn xao nhưng Hán Cảnh Đế vẫn giữ nguyên quyết định của mình. Có thể thấy Vương thị nhận được sự sủng ái cực lớn.
Chọn đúng liên minh, đưa con trai nối ngôiSau đó, chị cùng mẹ của Hán Cảnh Đế, Quán Đào Công chúa Lưu Phiếu, muốn gả con gái là Trần thị cho Thái tử Lưu Vinh, nhưng Lịch Cơ không những không đồng ý, còn từ chối một cách thô bạo. Điều đó khiến cả Công chúa nổi giận, nên Công chúa quay sang nghị hôn với Giao Đông Vương Thái hậu. Trưởng Công chúa Lưu Phiếu và Vương Phu nhân vốn là chỗ quen biết cũ. Bởi lẽ, Vương phu nhân chính là một mỹ nữ được đưa vào cung từ phủ của Lưu Phiếu Công chúa.
Các chính sử chỉ chép rằng, Lưu Phiếu Công chúa vừa đề nghị với Vương Phu nhân gả con gái của mình cho Lưu Triệt, Vương Phu nhân không ngần ngại mà đồng ý ngay. Cũng chính vì thế, trong cuộc đấu tranh giành sự sủng ái trong hậu cung của Hán Cảnh Đế, Lưu Phiếu Công chúa quyết định đứng về phía của Vương Phu nhân.
Theo sách “Hán Vũ cố sự” thì Lưu Triệt khi còn nhỏ, trưởng Công chúa Lưu Phiếu mới bế Lưu Triệt đặt ngồi lên đùi mình hỏi: “Con có muốn có vợ không?”. Lưu Triệt nói: “Có muốn”. Lưu Phiếu chỉ vào hơn một trăm cung nữ ở phía bên tay phải mình, hỏi Lưu Triệt muốn lấy ai làm vợ, Lưu Triệt nhất định không muốn. Cuối cùng, Lưu Phiếu chỉ vào con gái của mình là Trần A Kiều hỏi Lưu Triệt: “A Kiều có được không?” Lưu Triệt lúc này cười nói: “Nếu như có được A Kiều thì con sẽ xây nhà vàng cho nàng ở”.
Quán Đào Công chúa thường khen ngợi Lưu Triệt trước mặt Cảnh Đế, khiến Cảnh Đế càng thêm thương yêu Lưu Triệt. Lịch Cơ được sủng ái, lại có con làm Thái tử nên tỏ ra ngạo mạn. Quán Đào Công chúa nhân cơ hội gièm pha: "Lịch Cơ cùng các quý phu nhân, sủng cơ khác tụ tập. Sau lưng thường sai cung nữ dùng tà thuật nguyền rủa", Cảnh Đế nghe vậy, nhưng niệm tình cảm phu thê nhiều năm với Lịch Cơ nên không để bụng.
Tuy nhiên vào một ngày Cảnh Đế không khỏe, trong lòng không vui, cho gọi Lịch Cơ dò xét, đem những con trai đã phong Vương cậy nhờ Lịch Cơ, nói: "Trẫm sau này trăm tuổi quy thiên, nàng hãy chiếu cố bọn chúng!". Thế nhưng Lịch Cơ không chịu đáp ứng, hơn nữa còn đối đáp lỗ mãng. Cảnh Đế trong lòng thập phần bất mãn, chỉ là không bộc phát.
Năm Hán Cảnh Đế Tiền Nguyên thứ 6 (151 TCN), Giao Đông vương Thái hậu dùng "chiêu" lui trước tiến sau, cùng Quán Đào Công chúa xúi giục các đại thần ủng lập Lịch Cơ làm Hậu. Quan đại thần Đại Hành nghe theo, kiến nghị điều này lên Cảnh Đế. Cảnh Đế đang không vừa lòng Lịch Cơ, cho rằng Đại Hành bị Lịch Cơ xúi giục nên tức giận sai xử tử.
Đồng thời, Cảnh Đế xuống chiếu phế truất Thái tử Lưu Vinh, giáng làm Lâm Giang vương. Lịch Cơ phẫn uất qua đời. Tháng 4, ngày Ất Tỵ, Vương thị được sách lập Kế hậu. Ngày Đinh Tỵ, Lưu Triệt với thân phận đích tử, được Cảnh Đế phong làm Thái tử.
- Video khám phá Nhạn Môn Quan - cửa ải chỉ chim nhạn mới bay qua được. Nguồn: Tiền phong/CCTV.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?