DNVN - Đường Thái Tông - Lý Thế Dân là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa cổ đại. Dưới đây là những điều cần biết về nhân vật kiệt xuất này.
- Video giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Lý Thế Dân. Nguồn: Người nổi tiếng.
Đường Thái Tông (sinh ngày 28/1/598, mất ngày 10/7/649), tên thật Lý Thế Dân. Ông là vị hoàng đế thứ hai của triều đại Nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 626-649 với niên hiệu Trinh Quán.
Năm 617, Lý Thế Dân khuyên cha là Lý Uyên nên khởi binh phản nhà Tuỳ, lại có công đánh dẹp các lộ anh hùng thiên hạ, đem lại cơ nghiệp Nhà Đường nên thường được xem như một Khai quốc Hoàng đế đồng sáng lập Nhà Đường với Đường Cao Tổ.
Lý Thế Dân là một vị hoàng đế tài ba, người đã thiết lập sự cường thịnh của Đại Đường. Việc lên ngôi của ông rất nổi tiếng qua Sự biến Huyền Vũ môn, ông đã giết chết hai người anh em của mình là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát tại Huyền Vũ môn, thành Trường An. Đường Cao Tổ lập Thế Dân làm Hoàng thái tử, hai tháng sau thì nhường ngôi cho con còn mình thì làm Thái thượng hoàng.
Thường được xem như là hoàng đế vĩ đại nhất trong các bậc đại đế của lịch sử Trung Quốc, Nhà Đường dưới thời Thái Tông phát triển về kinh tế và hùng mạnh về quân sự, trở thành đất nước rộng lớn nhất và hùng mạnh nhất trên thế giới thời bấy giờ. Nhà Đường bao quát vùng đất gồm hầu hết lãnh thổ Trung Quốc ngày nay, một phần Việt Nam và một phần lớn Trung Á kéo dài đến phía đông Kazakhstan.
Triều đại của Lý Thế Dân thường gọi là Trinh Quán chi trị, được xem như biểu mẫu để so sánh với tất cả các triều đại sau và các quân chủ đời sau đều bắt buộc phải học tập, cũng như đối với các nước đồng văn Việt Nam, Nhật Bản.
Thành quả mà triều đại của Thái Tông đạt được đã đặt nền móng vững chắc cho triều đại của cháu cố ông sau này là Đường Huyền Tông trở thành thời đại hoàng kim nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, sử gọi là Khai Nguyên thịnh thế. Một thế kỷ sau khi Đường Thái Tông mất, Nhà Đường vẫn được hưởng hòa bình và thịnh vượng.
Phạm Kiều (Theo Wikipedia, Người nổi tiếng)