Khám phá

Đại hiến chế Magna Carta – ngọn cờ của kẻ bị khinh miệt

Bất cứ ai đã từng đọc Ivanhoe - danh tác của văn hào Anh Walter Scott, hoặc đọc bất cứ câu chuyện truyền kỳ nào về người anh hùng lục lâm huyền thoại "lấy của nhà giàu chia cho người nghèo" Robinhood, hẳn không ít thì nhiều, cũng đều chia sẻ một nỗi căm ghét hoặc khinh miệt dành cho nhân vật Hoàng tử John.

Kinh ngạc vũ khí hủy diệt khủng khiếp của chiến binh Aztec / Khám phá bí ẩn nhà khoa học “điên”

Tuy nhiên, có một điều mà tất cả những câu chuyện đó đều không đề cập tới: Hoàng tử John trong lịch sử - sau này lên ngôi và trở thành Vua John - là người đặt nền móng đầu tiên cho một nền quân chủ lập hiến sơ khai của Anh quốc, với những thỏa hiệp và đồng thuận mang tính cốt lõi mà ông đạt được cùng giới quý tộc, thông qua bản Đại hiến chế (Magna Carta).

Phía sau hào quang của Trái tim Sư tử

Richard I, hay thường được biết đến với biệt danh Richard Sư tử tâm (Richard The Lionheart), anh trai ruột của John, không nghi ngờ gì nữa, là một vị vua dũng mãnh, một biểu tượng đích thực của tinh thần thượng võ Anh quốc - Normandie.

Song, nếu như chói sáng trong vai trò của một hiệp sĩ trên chiến trường, thì nhà vua với trái tim sư tử ấy lại thực sự là một đấng quân vương không hoàn thành trách nhiệm với ngai vàng, vương quốc và nhân dân của mình - nhận xét mà chính Walter Scott cũng đã không thể không nhắc đến trong Ivanhoe.

Cả cuộc đời làm vua 10 năm (1189 - 1199), theo mọi nguồn tài liệu xác nhận, ông chỉ ở nước Anh không đầy 10 tháng. Ông hầu như chỉ sử dụng tiếng Pháp. Ông sống chủ yếu ở lâu đài tại Aquitaine. Ông dấn thân vào những cuộc chinh phạt trên đất Pháp. Ông tấn công cả những lãnh địa của cha mình - Vua Henry II nước Anh.

Ông tham gia cuộc Thập tự chinh thứ ba (1190 - 1192), và trở thành địch thủ xứng tầm với người anh hùng Hồi giáo huyền thoại Saladin. Ông để bị cầm tù bởi vua Pháp Philippe Auguste. Ông trở về Anh, và rồi lại ra đi, sau khi đã yên tâm rằng nước Anh vẫn còn là nguồn tài chính bảo đảm cho các kế hoạch chinh chiến của mình…

Và bởi vậy, cho đến khi ông gục ngã như một người lính tầm thường trong một cuộc công thành tầm thường bởi một mũi tên, cho dù "bộ máy hành chính hoàng gia Anh vẫn hoạt động hữu hiệu", thì Richard Sư tử tâm cũng đã "phung phí hết mọi lợi tức hoàng gia, khiến các lãnh chúa bất bình" (Văn minh phương Tây - Crane Brinton, John B.Christopher và Robert Lee Wolff).

Tranh cổ: Vua John ký Magna Carta.

Tranh cổ: Vua John ký Magna Carta.

Nỗi bất bình đó, sự chia rẽ đó, tình cảnh khánh kiệt đó, nhà vua kế vị của Anh quốc, em trai Richard - John - là người phải đối mặt. Chưa kể, hai địch thủ vô cùng đáng sợ bên kia eo biển Manche: Vua Pháp Philippe Auguste và Giáo hoàng Innocent III.

John, trong những nỗ lực đầu tiên sau khi lên ngôi nhằm cứu vãn nền tài chính quốc gia, đã cùng lúc kích động cả hai kẻ thù đó. Ông tịch thu tài sản của một số giáo phận, đày một số tu sĩ, và tỏ ý kháng lệnh Giáo hoàng, trong việc chọn lựa Tổng Giám mục Canterbury - Giáo phẩm cao cấp nhất của Tòa thánh La Mã ở nước Anh.

Đáp lại, sau nhiều lần phủ dụ bất thành, Giáo hoàng Innocent III tuyên bố không ban thánh lễ cho cả nước Anh (1208), và loại trừ John khỏi Giáo hội (1209). Cùng lúc, Giáo hoàng dọa sẽ phế truất John, thay thế bằng một nhà vua dòng họ Capet nước Pháp. Philippe Auguste chẳng mong gì hơn thế. Vua Pháp sẵn sàng xâm lăng Anh quốc. Trong khi đó, giới quý tộc nước Anh tỏ thái độ bất hợp tác ra mặt với John.

Không bao giờ bén gót anh mình về lòng dũng cảm cũng như tài năng quân sự, nhưng trên cương vị là một quân chủ, John khéo léo và nhận định tình hình xuất sắc hơn hẳn Richard.

Năm 1213, John thỏa hiệp trước Giáo hoàng, chấp nhận Tổng Giám mục Canterbury mà La Mã lựa chọn. Ông trả lại các tài sản của Nhà Chung đã bị tịch thu, khôi phục địa vị cho các linh mục bị đày đọa trước đó. John còn thừa nhận Anh và Ireland là đất thuộc quyền Giáo hoàng, chịu tiến cống hằng năm cho La Mã.

 

Không còn lý do gì để đòi hỏi nữa, Giáo hoàng Innocent III, từ đó, hoàn toàn đứng về phía John. Philippe Auguste nước Pháp cũng không còn cái cớ mang tính thần quyền nào để xua quân đánh nước Anh (dù vẫn có những hành động quân sự phục vụ các mục tiêu chính trị). John xem như tương đối rảnh tay xử lý các công việc nội trị của mình.

Vấn đề là, dù có muốn, John cũng không thể áp chế các lãnh chúa Anh bằng vũ lực. Sau trận Bouvines thua trước quân Pháp (năm 1214), giới quý tộc Anh ra mặt chống đối John. Họ không sẵn lòng phục vụ nhà vua của mình nữa, cả về tài chính lẫn về sự đóng góp binh sĩ. Và họ, họp lại với nhau, đưa ra một bản danh sách sơ bộ những điều khoản đòi hỏi.

Ngày 15/6/1215, tại Runnymede (một hòn đảo trên sông Thames), Vua John chấp nhận những đòi hỏi ấy. Ông, xác định rõ tình hình rằng mình không còn lựa chọn nào khác, hứa sẽ gửi đến khắp các hạt của Anh quốc một văn bản pháp luật, đóng triện của nhà vua, gồm 63 điều mà ông cam kết với giới quý tộc, trong đó có những cam kết mang tính then chốt: Sửa đổi hệ thống thuế khóa, thống nhất hệ thống đo lường, nới rộng hệ thống bầu cử vào chức danh Giám mục…

Đó chính là Magna Carta - bản Đại Hiến chế lừng danh. Dù có những thời điểm bị diễn giải theo những cách trái ngược nhau tùy theo mưu đồ chính trị của các phe phái trong lịch sử chính trường nước Anh, có hai nguyên tắc căn bản của Magna Carta vẫn luôn được duy trì và thừa nhận rộng rãi: 1 - Vua cũng phải tôn trọng luật pháp; và 2 - Nếu cần, thần dân sẽ có quyền buộc vua phải tôn trọng luật pháp.

Đó chính xác là những gì đã diễn ra khi Olivier Cromwell lãnh đạo các đại biểu Nghị viện Anh bắt sống và hành quyết vua Charles I, hay việc đưa quận công Orange từ Hà Lan về làm vua Anh sau này.

 

Giá trị muôn đời

Theo đánh giá của nhóm các học giả biên soạn cuốn Lịch sử Văn minh phương Tây (The Occidental Civilization), "Chưa từng có một bản hiến chương nào của các vị vua ban hành về các quyền tự do có thể sánh với Magna Carta về độ dài, sự rạch ròi và tầm ảnh hưởng".

Nó quy định rằng "Nhà vua không được quyền quấy nhiễu các bất động sản của vương quốc - sở hữu của Giáo hội, của các lãnh chúa, của mọi thần dân tự do. Magna Carta bảo đảm giới tu sĩ được tự do bầu chọn Giám mục và có quyền kháng cáo lên Tòa thánh La Mã, bảo vệ giới quý tộc chống lại sự áp đặt tùy tiện các khoản thuế, và nhà vua chỉ có thể ban hành các sắc thuế mới với sự đồng thuận của cả vương quốc".

Dĩ nhiên, có nhiều phân tích cho thấy rằng nếu không chết quá sớm (năm 1216), có thể John - khôn khéo, quỷ quyệt và sẵn sàng lật lọng - sẽ làm mọi cách để xé bỏ các cam kết. Dĩ nhiên, Magna Carta chỉ được ra đời để bảo vệ lợi ích cũng như tạo đồng thuận cho giai tầng tinh hoa của Anh quốc, chứ không phải tất cả những ai cần được bảo vệ. Dĩ nhiên, Magna Carta không đề cập đến 80% dân số nước Anh bao gồm nông nô và thường dân bị áp bức.

Song, dù thế nào, Magna Carta cũng vẫn đánh dấu một bước tiến lớn trong lịch sử văn minh nhân loại về chủ nghĩa hợp hiến. Hay nói cách khác, đó là sự trở về với những giá trị nguyên thủy của các nền cộng hòa sơ khai ở Hy Lạp hay La Mã cổ đại, trong đêm trường Trung Cổ.

 

Nó xác lập một sự tin tưởng mang tính căn bản trong lòng nước Anh về mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và các quyền tự do, dù ban đầu, nói một cách chính xác, nó chỉ là "bản hợp đồng phong kiến thành văn, trong đó nhà vua cam kết tôn trọng quyền lợi của chư hầu" (Văn minh phương Tây - Lịch sử và văn hóa của Edward McNall Burns).

Không thể nói rằng, sau này, việc nước Anh từng trở thành đế quốc lớn nhất hoàn cầu, với lãnh thổ mênh mông mà "mặt trời không bao giờ lặn", lại không có phần nguyên nhân quan trọng từ cột mốc ấy, tư tưởng sòng phẳng tạo nền tảng cho đồng thuận ấy, sự xác lập định chế rạch ròi về quyền lợi và quyền hạn ấy, những nét phác thảo của khái niệm Quân chủ lập hiến ấy…

Richard Sư tử tâm, chân dung lưu trữ tại trang The Royal Family

* Vua Anh dòng dõi quận công William - người chinh phục nước Anh, đến thời Richard Sư tử tâm, còn kiêm nhiệm là quận công các xứ Normandy, Aquitaine, Gascony; là bá tước các xứ Anjou, Nantes, Maine; là lãnh chúa vùng Bretagne trên đất Pháp.

 

* Trong thời Trung cổ, những người kế vị Vua John còn công bố Magna Carta thêm khoảng 40 lần nữa, với những sửa đổi nhỏ.

* Khi Richard Sư tử tâm bị bắt, số tiền chuộc mà Hoàng đế của Đế quốc La Mã thần thánh đề nghị là 150.000 mark (ước tính tương đương khoảng 2 tỷ bảng Anh năm 2011). Mọi lãnh địa của ông trên đất Pháp bị đánh thuế tàn khốc: tới 1/4 gia sản của mọi đối tượng. Trong khi đó, John đề nghị trả 8 vạn bảng Anh để Richard bị giam giữ tới tận năm 1194, nhưng bị từ chối


Theo Thiên Thư/An Ninh Thế Giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm