Hải chiến Midway – thắng bại trong màn trướng
Vén màn bí ẩn ba vũ khí huyền thoại của Nhật Bản / Đại chiến hạm Yamato: Tuyệt vọng và bi hùng
Nếu Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) là trận tập kích lừng danh nhất, mở màn Mặt trận Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, xác lập ưu thế bước đầu cho hải quân Nhật Bản thì Midway chính là cuộc đụng độ lớn nhất trên mặt trận ấy, nơi hải quân Hoa Kỳ chặn đứng đà thắng lợi của địch thủ, chuyển sang nắm thế thượng phong nhờ có điều kiện thuận lợi khuếch trương hết tiềm lực khổng lồ của mình.
Và cũng như bất cứ đại chiến dịch nào khác, chiến thắng không chỉ được tạo nên bằng những nỗ lực chiến đấu trên chiến trường, mà còn được vun đắp từ những chi tiết nhỏ nhất.
"AF" nằm ở đâu?
Chỉ sáu tháng sau trận Trân Châu Cảng, qua nhiều nguồn tình báo, quân đội Mỹ đã nắm được thông tin rằng hải quân Nhật Bản, thừa thắng xông lên, dự định mở một cuộc tấn công chiến lược lớn vào một mục tiêu bí mật. Mục tiêu ấy chỉ được biết đến qua mật danh "AF". Nếu không thể xác định chính xác "AF" là nơi nào trên Thái Bình Dương mênh mông, các kế hoạch ứng phó sẽ ở vào thế vô cùng bị động.
Đô đốc hải quân Mỹ Chester W.Nimitz đã nắm được một lợi thế quan trọng: Các đơn vị tình báo của ông, hợp sức với tình báo Anh, đã giải được một phần bộ mật mã liên lạc gốc của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, mang tên JN-25.
Nhờ đó, khi kết hợp với nhiều dữ kiện khác, đơn vị mật mã mang tên HYPO (được chỉ huy bởi Joseph Rocheford) đã phán đoán khoanh vùng rằng "AF" nhiều khả năng là khu vực Midway. Vấn đề còn lại là phải có phương án xác thực được suy luận này.
Winfred Holmes, một sĩ quan hải quân, đề xuất ý kiến táo bạo. Theo đó, qua kênh thông tin bảo mật nhất có thể (cáp ngầm dưới đáy biển) HYPO đề nghị Bộ chỉ huy quân sự tại căn cứ Midway đánh đi một bức điện được mã hóa đơn giản, theo cách mà chắc chắn hải quân Nhật Bản có thể giải mã, gửi về Bộ tổng chỉ huy ở Trân Châu Cảng. Trong đó, Midway thông báo rằng họ đang cạn kiệt nước uống, bởi nhà máy nước đã bị hỏng.
Gần như ngay sau đó, các nhân viên điện đài HYPO "tóm" được một bức điện của hải quân Nhật Bản được mã hóa bằng JN-25, nói rằng "AF" sẽ phải đối mặt với những vấn đề về nước ngọt, và lực lượng tấn công sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch xử lý khúc mắc này.
Không còn nghi ngờ gì nữa, "AF" chính là Midway. HYPO thậm chí còn có thể dự đoán rằng cuộc tấn công sẽ diễn ra vào ngày 4 hoặc ngày 5/6/1942, với phác thảo lực lượng hải quân Nhật Bản tham gia.
Phía bên kia chiến tuyến, đối thủ của họ không hề nghi ngờ gì rằng mình đã bị cài bẫy. Hải quân Nhật Bản cứ thế tiếp tục điều binh, tập trung lực lượng và vạch ra các phương án tập kích. Thế nhưng, ngay từ lúc này, xem như họ đã ở thế hạ phong.
Tự đưa mình vào bẫy
Trận hải chiến Midway diễn ra trong bối cảnh hải quân Nhật Bản đang chiếm ưu thế khá lớn trên Thái Bình Dương, nhưng vẫn cần thêm một đòn đánh sập ý chí chiến đấu của hải quân Hoa Kỳ, theo tính toán của đô đốc Yamamoto.
Dưới tay ông, hải quân Nhật Bản đã đạt được những mục tiêu ban đầu, đã hoàn toàn làm chủ phần Tây Thái Bình Dương, đã khống chế những tuyến hải trình sinh tử ở phần rìa Đông Á.
Song, ông còn muốn tiến vào giữa Thái Bình Dương, uy hiếp Australia và New Zealand - các phần thuộc địa quan trọng của Anh (nhằm hỗ trợ cho Đức Quốc xã tại châu Âu), đồng thời trực tiếp uy hiếp lãnh thổ Mỹ. Không chỉ vậy, Yamamoto còn muốn hướng sang Ấn Độ Dương, để dễ bề hỗ trợ cho quân Nhật đang hiện diện ở Trung Quốc hay chuẩn bị đánh chiếm Myanmar.
Trong khi đó, cuộc ném bom tập kích trả đũa xuống Tokyo mang tên "Cuộc không kích Doolittle" (ngày 18/4/1942), bằng các máy bay B-25 xuất phát từ tàu sân bay USS Hornet, cho thấy rằng nước Mỹ vẫn còn sở hữu tiềm lực đáng sợ đến như thế nào.
Bởi vậy, ở Midway, Yamamoto muốn thu hút và tiêu diệt tối đa sinh lực của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ. Ông, với một niềm tin khá vô căn cứ, cho rằng tinh thần của binh sĩ cũng như người dân Mỹ đã xuống khá thấp, sau cuộc tập kích Trân Châu Cảng.
Và ông bố trí phân tán lực lượng của mình, gồm các khu trục hạm, tuần dương hạm, hàng không mẫu hạm (được chỉ huy bởi phó đô đốc Nagumo thành một tuyến dài hàng trăm dặm. Ông vừa muốn tránh bị phát hiện bởi các lực lượng thám sát Mỹ, vừa muốn sẵn sàng đón đánh các "cánh viện binh" sẽ đến chi viện cho Midway.
Rất tiếc, những toan tính ấy đã trở thành điểm yếu chí mạng, trước một đối thủ đã nắm được hầu hết những điểm chính trong kế hoạch của hải quân Nhật Bản.
Tương kế tựu kế
Có một kỳ tích đã được thực hiện bên phía Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Hoa Kỳ. Trong vòng 72 giờ, từ tình trạng hư hỏng hoàn toàn sau trận Biển Coral, chiếc Yorktown đã được sửa chữa hoàn chỉnh tại xưởng đóng tàu Puget, thậm chí còn đóng vai trò như một chiếc tàu sân bay "chữa cháy".
Cùng Yorktown, hàng loạt chiến hạm Mỹ khác cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ và tập trung quanh Midway trong một thời gian kỷ lục, đồng thời cũng nằm ngoài mọi dự kiến của hải quân Nhật Bản (theo những phán đoán dựa trên dữ liệu tình báo cũ).
Một phòng tuyến thép đã được dựng lên trước ngưỡng cửa Midway, trong khi các cánh quân hùng mạnh khác vẫn tiếp tục tập trung, sẵn sàng xuyên thủng, xé nát và bẻ gãy đội hình dàn trải của địch thủ.
Hải quân Mỹ đã tỏ ra vượt trội ngay từ trước giờ khai chiến, về khả năng liên kết - tập trung lực lượng. Ngược lại, các hoạt động trinh sát chiến lược của hải quân Nhật Bản được tiến hành khá cẩu thả, khi đến cả dự án sử dụng máy bay trinh sát hiện đại bốn động cơ cho chiến dịch này cũng bị hủy bỏ. Theo một cách nói nào đó, đây là cuộc đọ sức giữa một võ sĩ mắt sáng và một võ sĩ khiếm thị.
Sự trả giá đã đến, ngay từ lúc trận đánh còn chưa chính thức mở màn. Phó đô đốc Nagumo, theo thói quen, giữa một nửa lực lượng (gồm một phi đội máy bay chống ngầm và một phi đội máy bay thả thủy lôi) làm hậu bị. Những máy bay này chỉ được trang bị bom thường, nhằm hướng đến yếu tố tốc độ cũng như số lượng.
Song, 4h30 ngày 4/6, mặc dù phi đội đầu xuất kích thả bom khá thành công vào các căn cứ hải quân Mỹ, ông cũng nhận thấy rằng không quân của hải quân Mỹ đã sẵn sàng, không hề bị động, và đáp trả xứng đáng. 7h40, một lực lượng hải quân lớn của Mỹ xuất hiện từ phía đông, nghĩa là đã đánh bại hải quân Nhật bố phòng ở đó.
Midway được xem là chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ. |
Nagumo không có nhiều thời gian để quyết định, và đã không thể đưa ra được quyết định đúng đắn, bởi những lỗ hổng trong bài binh bố trận. Ông chờ phi đội xuất kích đầu tiên (đã hết nhiên liệu) hạ cánh, rồi lại chờ lực lượng dự bị thay các loại bom thích hợp.
Chừng ấy thời gian là quá đủ để máy bay Mỹ từ các tàu sân bay, kể cả Yorktown, ào ạt xuất kích. Sau loạt oanh tạc lúc 9h40’, hai đơn vị ngư lôi của Nhật Bản bị xóa sổ, còn các lực lượng không quân phòng ngự bị kéo ra khỏi vị trí.
Lợi dụng điều này, các phi đoàn oanh tạc cơ của Mỹ tiếp cận được hạm đội Nhật Bản, liên tiếp cắt bom xuống các boong tàu còn đang chất đầy vũ khí và nhiên liệu. Đồng loạt, ba tàu sân bay Nhật (Kaga, Akagi và Soryu) bị loại khỏi vòng chiến, rồi chìm hẳn. Tàu sân bay Hiryu cũng bị hư hỏng nặng. Chỉ còn hai hàng không mẫu hạm Zuikaku và Shokaku đứng vững, rút lui an toàn và còn có thể gắng gượng tiếp tục chiến đấu.
Song, với chừng ấy tổn thất, kể cả về các thủy thủ đoàn dày dạn kinh nghiệm, hải quân Nhật Bản không còn duy trì được sức tấn công như vũ bão nữa. Hải chiến Midway, như đánh giá của các sử gia đương đại, trở thành điểm ngoặt của Mặt trận Thái Bình Dương, nơi hải quân Nhật Bản bị đánh gãy xương sống.
Tất cả thảm trạng đó, xét cho cùng, đều bắt nguồn từ một trận tuyến không tiếng súng, trên những mẩu tin…
* Hải quân Mỹ cũng có phần may mắn. Thực ra, một bộ mật mã mới thay thế JN-25 đã được hoàn thiện, nhưng việc áp dụng chúng vào thực tiễn bị trì hoãn. Bởi vậy, TYPO có thêm được một khoảng thời gian vô giá (gần 10 ngày) để tiếp tục nắm rõ các thông tin quan trọng về kế hoạch tiến đánh Midway của hải quân Nhật Bản. * Đô đốc Nhật Bản Isokoru Yamamoto, người về sau chết trên chiến trường (ngày 18/4/1943), người chiến thắng ở trận Trân Châu Cảng, cũng đã tiên đoán rằng hải quân Mỹ sẽ đủ năng lực giành lại quyền chủ động sau sáu tháng. Thất bại Midway chứng thực nhận định ấy của ông. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
Dê trên cao nguyên Tây Tạng: Có thể nhảy và chạy trên vách đá dựng đứng, tại sao không bị rơi?
Cứ sau 150 năm, người chết có thể tái sinh? Các nhà khoa học tiết lộ sự thật
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
Một hành tinh rất gần Trái Đất có thể đầy cá đang bơi lội?