Kỳ thi hai trạng hiếm có ở Việt Nam
Khoa thi Bính Thìn, nhà Trần chọn luôn hai trạng, Trần Quốc Lặc đỗ Kinh Trạng nguyên và Trương Xán đỗ Trại Trạng nguyên, cả hai đều là bậc tài danh.
Thú vị vua Heo và Trạng Lợn trong truyện dân gian Việt Nam / Lai lịch người Việt duy nhất thi đỗ trạng nguyên ở Trung Quốc
Khoa cử nước Nam ta chính thức khởi phát từ thời Lý (1009-1225) để rồi các triều đại về sau nối tiếp phát triển cách thức chọn nhân tài này một cách quy củ và thường xuyên. Để phân ra cao thấp trong các thí sinh đỗ đạt tiến sĩ, thời nhà Trần định danh hiệu Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) và việc đó được duy trì ở các triều đại về sau. Nhưng trong những điển lệ, quy tắc được lấy làm chuẩn mực, cũng có lần, nhà Trần trong một kỳ thi, chọn luôn hai trạng nguyên.
Trạng nguyên phân ra Kinh, Trại
Khi nhà Trần được lập năm Ất Dậu (1225), bảy năm sau, nhằm năm Nhâm Thìn (1232), khoa thi Thái học sinh (tương đương tiến sĩ) được mở, có chia làm ba giáp để phân cao thấp. Việt Nam sử lược cho hay, đến khoa thi năm Đinh Mùi (1247) thời vua Trần Thái Tông, danh hiệu Tam khôi được đặt ra với Trạng nguyên Nguyễn Hiền (dân gian gọi là Trạng non), Bảng nhãn là Lê Văn Hưu (tác giả Đại Việt sử ký), Thám hoa là Đặng Ma La.
Người đỗ đạt được vinh quy bái tổ.
Khoa thi khởi đầu có danh hiệu Tam khôi là thế. Ấy nhưng đến khoa thi sau, nhằm mùa xuân năm Bính Thìn (1256), triều Trần tổ chức thi Thái học sinh, đã có sự khác. Điểm khác ấy ở đâu? Chính là ở ngay danh hiệu Tam khôi. Việt sử cương mục tiết yếu có ghi, lần thi này “Bắt đầu phân chia Kinh, Trại. Từ Thanh Hóa trở vào là Trại, trở ra là Kinh”.
Khi chọn những người đỗ đầu khoa thi năm Bính Thìn, danh hiệu Tam khôi được chọn, và kết quả cụ thể, vẫn sách này ghi: “Cho Trần Quốc Lặc đỗ Kinh Trạng nguyên (Lặc người Uông Hạ, huyện Thanh Lâm, Hồng Châu). Trương Xán đỗ Trại Trạng nguyên (người Hoành Sơn, huyện Bố Chính). Chu Hinh đỗ Bảng nhãn (người Đan Nhiệm, huyện Tế Giang, nay là Văn Giang), Trần Uyên đỗ Thám hoa (người Đường Hào, Hồng Châu). Thái học sinh 43 người xuất thân có thứ bậc khác nhau. Kinh, Trại, hai trạng nguyên bắt đầu có từ đây”. Viết về sự kiện hiếm có ấy, Đại Nam quốc sử diễn ca còn ghi lại ấn tượng là:
Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa,
Kẻ kinh, người Trại cũng là tài danh.
Việc lấy Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên ở khoa thi Bính Thìn, theo Đại Việt lịch triều đăng khoa lục là do lúc ấy chia tứ chánh (tứ trấn) làm Kinh, Thanh Nghệ trở vào làm Trại nên mới có sự phân biệt trong trọn người đỗ đạt như vậy. Ấy nhưng khi tra một số sách địa chí như Dư địa chí (Nguyễn Trãi), Lịch triều hiến chương loại chí phần “Dư địa chí” (Phan Huy Chú) hay Sử học bị khảo (Đặng Xuân Bảng),… không thấy việc chia kinh trại thời Trần. Nhưng Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn lại có ghi, theo đó ngay từ thời Lý năm Canh Tuất (1010), Thanh Hóa, Nghệ An đã được gọi là trại, sau đổi là châu. Đến thời vua Trần Thái Tông nhà Trần, năm Quý Sửu (1253) lại đổi ra trại. Thế nên sau này thi cử mới có việc trên.
Riêng về tên tuổi của hai vị Kinh và Trại Trạng nguyên trong khoa thi trên, các sách khoa bảng cũng như địa phương chí còn ghi lại. Với trường hợp của Kinh Trạng nguyên Trần Quốc Lặc, xem nơi Hải Dương địa dư, ta được biết đôi nét về thân thế sự nghiệp của ông: “người huyện Thanh Lâm, đỗ Trạng nguyên đời Nguyên Phong nhà Trần (1256), làm quan đến chức Nhập nội Hành khiển kiêm Dao lãnh nam thùy quân quốc trọng sự, sau được phong làm Phúc thần, do xã nhà thờ cúng”. Trần Quốc Lặc có tiếng là người ham học, cầm sách đọc từ khi gà gáy sớm đến trưa mà vẫn không rời tay rời mắt.
Hải Dương phong vật chí và Tam khôi bị lục còn cho hay chi tiết khác, ấy là sau khi thi đỗ, ông được lấy công chúa. Tuy nhiên, không rõ danh tính của công chúa nhà Trần là ai. Lại còn ly kỳ hơn, vẫn Hải Dương phong vật chí chép về ông có đôi câu:
Thầy Uông Hạ trạng nguyên lưỡng quốc,
Trời bắc nam vặc vặc đầu thai.
Bởi Trần Quốc Lặc người xã Uông Hạ, tương truyền sau này ông đi sứ Trung Hoa và cũng tham gia ứng thí, đỗ luôn trạng nguyên Bắc triều nên là “lưỡng quốc trạng nguyên”. Lâu nay thời Trần, ta được nghe giai thoại “lưỡng quốc trạng nguyên” liên quan tới Mạc Đĩnh Chi nhiều hơn là Trần Quốc Lặc.
Trong khi ấy, vị Trại Trạng nguyên đỗ đứng ngang hàng với Trần Quốc Lặc là Trương Xán, sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục ghi về ông, vẻn vẹn được vài chữ: “Người huyện Hoành Sơn”. Phải tra nơi Tam khôi bị lục ghi chép về những người đứng trong hàng tam khôi, ta được biết thêm về ông: “Người làng Hoành Phố, huyện Bình Chánh, tỉnh Quảng Bình (xưa huyện Hoành Sơn, thuộc Nghệ An) làm quan đến chức Lang trung”.
Thêm một lần rồi thôi
Khoa thi Bính Thìn (1256) lần đầu tiên lấy hai trạng nguyên đồng khoa là thế, 10 năm sau, tức năm Bính Dần (1266) nhằm đời vua Trần Thánh Tông, triều đình lại mở khoa thi Thái học sinh, và một lần nữa trong danh hiệu Tam khôi, lệ lấy Kinh và Trại Trạng nguyên tiếp tục được triều đình thực hiện. Bằng chứng là Đại Việt sử ký toàn thư có ghi tường tận: “Tháng 3, mở khoa thi học trò, lấy đỗ Kinh Trạng nguyên Trần Cố, đỗ trại trạng nguyên Bạch Liêu”.
Tiến sĩ (Thái học sinh) ra mắt vua.
Thân thế, đường quan trường của vị Kinh Trạng nguyên Trần Cố, được Đại Việt lịch triều đăng khoa lục ghi lại như sau: “Người huyện Thanh Miến, làng Phạm Triều, trú ở huyện Đông Ngạn, làng Phù Chẩn, làm đến chức Thiên chương các Đại học sĩ”. Tam khôi bị lục cũng cung cấp những thông tin tương tự.
Còn về Trại Trạng nguyên Bạch Liệu, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục cho biết ông “Người huyện Đông Thành, làng Nguyễn Xá, trú huyện Thanh Lâm, làng Nghĩa Lư, làm môn khách của Thượng tướng Trần Quang Khải, không hề nhận chức của Triều đình, sau phong làm Phước thần”. Tuy nhiên, Hải Dương địa dư lại ghi khác khi cho rằng ông làm quan đến chức Thượng tướng. Sách Tam khôi bị lục chép về ông, có để lại nhiều lời khen ngợi ông là người thông minh, gia cảnh bần hàn nhưng có chí vươn lên, ngày chăn trâu thuê, đêm đọc sách, lại có tiếng là hiếu đễ.
Ngoài hai khoa thi kể trên, sau đó, từ khoa thi năm Ất Hợi (1275), việc lấy Kinh và Trại Trạng nguyên chấm dứt mãi mãi không bao giờ thực hiện nữa từ thời Trần cho đến các triều đại sau: “Trước đây hai khoa Bình Thìn và Bính Dần chia làm trạng nguyên Kinh và Trại, đến đây hợp làm một”.
Khi nhìn nhận về việc lấy hai trạng nguyên trong một kỳ thi của nhà Trần, sử gia nhà Lê Trung hưng Ngô Thời Sỹ trong Việt sử tiêu án cho rằng việc chia đơn vị hành chính theo kiểu Kinh, Trại của nhà Trần cũng giống như bên Trung Hoa sau này nhà Thanh chia thành người Hán, người Mãn để phân biệt, và lời lẽ của sử gia họ Ngô, có vẻ không đồng tình với việc này.
Việc cùng lúc lấy hai trạng nguyên trong Tam khôi duy chỉ thời Trần qua hai kỳ thi Thái học sinh như trên mới có. Nhưng đời sau, cũng có trường hợp đã trở thành giai thoại được dân gian lưu truyền trường hợp “Trạng Me đè Trạng Ngọt” khoa thi Mậu Thìn (1508) thời vua Lê Uy Mục. Tuy nhiên, thực tế Nguyễn Giản Thanh là Trạng nguyên, còn Hứa Tam Tỉnh là Bảng nhãn, còn danh hiệu “Trạng Me” (Nguyễn Giản Thanh), “Trạng Ngọt” (Hứa Tam Tỉnh) chỉ là dân gian phong tặng mà thôi, cũng như Phùng Khắc Khoan dẫu không thi đỗ trạng nguyên, vẫn được gọi là “Trạng Bùng” vậy.
Theo Trần Đình Ba/Zing
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo