Lịch sử những lần quân Nga tiến công đánh chiếm Berlin
Trận chiến đẫm máu Rzhev tạo đà cho Hồng quân trong trận Stalingrad / Bất ngờ về các phi công “cảm tử” của Đức Quốc xã dùng để đối đầu với Hồng quân
Năm 1760
Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Berlin chứng kiến quân Nga tiến vào thành phố của họ ngày 9/10/1760 trong cuộc chiến 7 năm (1756-1763). Trong cuộc xung đột này, Vương quốc Phổ có kinh đô khi đó là Berlin đương đầu với liên quân Nga-Áo.
Vienna và Saint-Petersburg lúc bấy giờ vô cùng lo ngại với chính sách xâm lược của nhà vua Phổ Friedrich II. Bởi dưới triều đại của ông, nước Phổ sở hữu một trong những đội quân tốt nhất tại châu lục, khi không ngừng mở rộng lãnh thổ, kiên quyết với chủ trương biến công quốc nhỏ bé này thành một quốc gia hùng mạnh. Vì vậy, chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.
Lần đầu tiên đánh chiếm kinh đô nước Phổ diễn ra năm 1759. Ngày 12/8 năm đó, liên quân Nga-Áo đã đánh bại quân đội nhà vua Friedrich trong trận Kunersdorf. Tuy nhiên, thay vì tiến đến Berlin lúc đó đã thất thủ, họ lại rút về một nơi hoàn toàn khác theo hướng Cottbus.
Ảnh: Aleksandr Kotsebu |
Đầu tháng 10/1760, tiến đánh Berlin là quân đoàn gồm 20.000 binh dưới sự chỉ huy của vị tướng Nga Zakhar Chernyshev và quân đoàn 15.000 binh của vị tướng Áo Franz Moritz von Lacy.
Cuộc tấn công ồ ạt đầu tiên của quân Nga đã bị người Đức đánh bật. Tuy nhiên ngay sau đó, ở vùng ngoại ô phía Nam xuất hiện quân đội Áo. Binh lính nước Phổ ngay lập tức buộc phải tháo chạy mà không xảy ra giao tranh. Ngày 9/10, liên quân Nga-Áo tiến vào thành phố Berlin.
Vị tướng người Nga gốc Sachsen (Đức) Gottlieb Heinrich Totleben yêu cầu thành phố khoản tiền bồi thường chiến tranh 1,5 triệu đồng thaler, cũng như tịch thu chiến lợi phẩm là toàn bộ công xưởng và kho vũ khí của Vương quốc Phổ. Tuy nhiên, ông không cho phép nạn cướp bóc xảy ra trong thành phố.
Việc chiếm đóng Berlin của quân đội Nga và Áo chỉ kéo dài trong 3 ngày. Biết được quân đội 7 vạn binh của nhà vua Phổ tiến về Berlin, ngày 12/10/1760 liên quân Nga-Áo nhanh chóng rút quân khỏi thành phố.
Năm 1813
Sau khi đại quân của Napoleon bại trận năm 1812, quân đội Nga đã đưa quân ra ngoài biên giới nhằm giải phóng châu Âu khỏi chính quyền của “kẻ bạo chúa”.
Một trong những quốc gia đầu tiên trên đường hành quân của quân đội Nga là nước Phổ. Do chịu nhiều thất bại nặng nề năm 1806, nên Phổ đã mất gần một nửa lãnh thổ và kể từ đó chịu ảnh hưởng chính sách của nước Pháp. Đặc biệt, tham gia đội quân Napoleon xâm lược Nga còn có vài chục nghìn quân nước Phổ.
Ảnh: Anton Hoffmann. |
Tuy nhiên, khi quân đội Nga xuất hiện ở biên giới Đông Phổ tháng 1/1813, thì vua Friedrich Wilhelm III hiểu rằng, đã đến lúc phải “gió đổi chiều”. Binh sĩ nước Phổ ngay lập tức gia nhập quân đội Nga và bắt đầu có những hành động tích cực đánh đuổi người Pháp ra khỏi lãnh thổ của mình.
Chỉ trong vòng tháng 2/1813, phần lớn lãnh thổ của Vương quốc Phổ đã được giải phóng, bao gồm nhiều thành phố lớn. Cuộc tiến công vào kinh đô của nước Phổ được tiến hành dưới sự chỉ huy của hai vị tướng Nikolai Repnin-Volkonsky và Aleksandr Chernyshev.
Ngày 4/3/1813, quân đội Nga tiến vào thành phố Berlin và được người dân địa phương đón chào nồng nhiệt. Trong báo cáo của mình, Tướng Pyotr Wittgenstein viết: “Hàng trăm nghìn người reo lên “Aleksandr, vị cứu tinh của chúng ta muốn năm!”. Trên gương mặt ai nấy đều tỏ rõ sự hân hoan, vui mừng…”.
Năm 1945
Ngày 25/4/1945, quân đội Liên Xô khép chặt vòng vây xung quanh Berlin và ngày hôm sau mở đợt tấn công quyết định vào sào huyệt của trùm phát-xít Hitler. Gần 400.000 lính Hồng quân tham gia các trận đánh trên những con phố của thủ đô có khoảng 200.000 lính Đức Quốc xã bảo vệ.
Người Đức làm tất cả để biến Berlin thành pháo đài kiên cố. Mỗi con phố trở thành một tuyến phòng thủ được dựng lên bằng chiến lũy, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng máy. Để bí mật và nhanh chóng điều quân, phía địch sử dụng hệ thống tàu điện ngầm của Berlin. Tại đó binh lính tránh được các cuộc pháo kích và không kích.
Ảnh: Viktor Temin/MAMM/MDF/russiainphoto.ru. |
Binh lính Liên Xô càng tiến gần vào trung tâm thành phố, thì chiến sự càng trở nên ác liệt. Hạ sĩ Pavel Vinnik nhớ lại: “Khi chúng tôi bắt đầu tiến gần khu vực trung tâm, nơi có nhiều tòa nhà lớn thì bắt đầu có vấn đề. Trên ngã tư đường phố có một ngôi nhà, những tầng thấp của ngôi nhà đó biến thành những lỗ châu mai. Quân Đức nổ súng khắp nơi trên phố. Chẳng có chiếc xe tăng nào có thể vào được!”.
Ngày 30/4/1945, bắt đầu nổ ra những trận đánh đẫm máu chiếm tòa nhà Quốc hội Đức. Thiếu tướng Vasily Shatilov viết trong hồi ký của mình: “Các hoạt động trong tòa nhà lớn biến thành những trận giao chiến lẻ tẻ. Các nhóm thường xuyên mất liên lạc, khó xác định phương hướng trên các hành lang và căn phòng mê cung, thì bắt đầu đột nhập lên tầng hai. Đóng vai trò quyết định lúc đó là sáng kiến của các nhóm này và từng người lính”.
Mặc dù ngày 1/5/1945 cờ đỏ chiến thắng đã được cắm trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức, nhưng hai bên vẫn tiếp tục bắn nhau suốt ngày.
Sau khi trùm phát-xít Hitler tự tử, ngày 30/4/1945, Tổng tham mưu trưởng Lục quân Đức, Tướng Hans Krebs đã tìm đến Ban chỉ huy quân sự Liên Xô. Đáp lại đề nghị của ông ta về việc ký kết hiệp định ngừng bắn, phía Liên Xô tuyên bố chỉ chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Sau khi ban lãnh đạo mới của Đức từ chối lời tuyên bố này của Liên Xô, giao tranh với thế lực mới lại bắt đầu.
Tuy nhiên, sự phản kháng của lính bảo vệ thành phố kéo dài không lâu. Ngày 2/5/1945, đội phòng vệ Berlin tuyên bố đầu hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ở Việt Nam có một bộ tộc bí ẩn: Không mặc quần áo, dùng 'phép thuật' để tránh thai
Tiết lộ về phong tục của bộ lạc nguyên thủy ở châu Phi: Phụ nữ không bao giờ mặc áo, cả đời không tắm, đàn ông được lấy nhiều vợ
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tại sao trái đất nặng 60 nghìn tỷ tấn lại có thể lơ lửng trong không gian mà không rơi?
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo