Lời tiên đoán cuối đời của Chu Du, Tôn Quyền không nghe theo, Đông Ngô suýt hối không kịp
Không phải Chu Du hay Lã Mông đây mới là người cứu mạng Tôn Quyền lúc nguy nan / "Ba tấc lưỡi" của Gia Cát Lượng đã làm khổ Chu Du và Tôn Quyền ra sao?
Chu Du được biết tới là một trong số những tên tuổi nổi danh thời Tam Quốc. Tuy nhiên, có không ít người tiếp cận nhân vật này thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Vì vậy, hiểu biết của họ về Chu Du ít nhiều khác biệt so với nguyên mẫu ngoài đời thực.
Lời tiên đoán của Chu Du về đối thủ đáng lo ngại hơn cả Tào Tháo
Chu Du (175 - 210), tự Công Cẩn, đương thời gọi Chu Lang, là danh tướng và khai quốc công thần của nước Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Khi đánh giá về nhân vật này, có ý kiến cho rằng, Chu Du trong lịch sử có thể được xem là một nhân tài vô cùng xuất chúng.
Tuy nhiên Tam Quốc diễn nghĩa khi miêu tả trận chiến Xích Bích dường như đã đem công lao quy phần nhiều cho Gia Cát Lượng.Trong khi đó, chiến thắng trong trận đại chiến này thực tế không thể không kể đến vai trò chính của công thần Chu Du.
Cũng trong hồi thứ 52 của Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã đề cập tới cuộc đối thoại của Gia Cát Lượng cùng bộ tướng phe Lưu Hiền là Hình Đạo Vinh.
Bấy giờ, Khổng Minh nói:"Tào Tháo mang trăm vạn quân, bị ta dùng một mẹo nhỏ giết cho không còn mảnh giáp rút về, bọn ngươi địch với ta sao nổi? Nay ta đến chiêu an, sao không hàng đi cho mau?".
Hình Đạo Vinh nghe vậy liền cười lớn đáp trả:"Trận đánh ở Xích Bích là mưu của Chu Du, can gì đến ngươi mà ngươi dám đến đây khoác lác?".
Từ đó có thể thấy, không ít người đều nhìn ra công lao to lớn của Chu Du đối với chiến thắng trong trận đại chiến Xích Bích.
Không ít người cho rằng Chu Du mới thực sự là người đóng vai trò chủ đạo trong chiến thắng của trận Xích Bích. (Ảnh minh họa).
Sinh thời, Chu Du được coi là bậc lương trụ của Đông Ngô. Ông từng là bằng hữu tốt của Tôn Sách, sau lại trở thành cánh tay phải đắc lực của Tôn.Khi Tôn Quyền kế vị, Chu Du dường như được xem như một vị thần bảo vệ cơ nghiệp của tập đoàn chính trị này.
Trước khi qua đời, vị công thần ấy từng để lại một di ngôn cho quân chủ. Di ngôn cuối đời của Chu Du vừa nhắc nhở Tôn Quyền về một nhân vật phải diệt trừ để tránh hậu họa, cũng vừa đưa ra lời tiên liệu phần nào về tương lai Đông Ngô.
Về chi tiết này, cuốn "Tam Quốc chí" trong phần "Ngô chí", mục "Lỗ Túc truyện" có đoạn:
Chu Du bệnh khốn, dâng sớ nói: "Ngày nay thiên hạ sắp có việc quân, đấy là điều mà Du ngày đêm lo lắng, mong bậc chí tôn mưu nghĩ trước khi có việc, rồi mới vui vẻ sau.
Nay đã thành kẻ địch với Tào Tháo, mà Lưu Bị gần ở Công An, bờ cõi gần kề, nhưng trăm họ chưa theo, nên chọn tướng giỏi để đánh dẹp hắn đi […]".
Giang Biểu truyện cũng có đoạn nói về bức thư Chu Du gửi cho Tôn Quyền khi đang lâm bệnh nặng. Trong đó có viết:
"Nay Tào Công tại phía bắc, bờ cõi chưa yên. Lưu Bị ở Công An, như có nuôi hổ. Việc trong thiên hạ, chưa biết kết cuộc ra sao […]".
Có giai thoại còn truyền lại rằng, vào năm Kiến An thứ 15, Chu Du đột nhiên lâm bệnh nặng qua đời. Trong phong thư gửi lại cho Tôn Quyền, ông từng nhắc tới Lưu Bị, cũng tiên liệu rằng "Người này chưa diệt, Đông Ngô tất nguy". (Theo QQ News).
Theo nhận định của Chu Du, Lưu Bị mới thực sự là đối thủ mà Đông Ngô nên sớm diệt trừ để tránh hậu họa. (Ảnh minh họa).
Như vậy, Chu Du trước lúc tạ thế đã nhận định về thế cục sau này. Có lý giải cho rằng, đại ý của Chu Du là Ngụy và Thục đều là kẻ địch, chỉ có điều Tào Tháo ở ngoài sáng, Lưu Bị núp trong tối.
Mặc dù Tào Tháo mạnh, nhưng Đông Ngô chưa cần lo lắng quá mức. Bởi ông ta còn phải tự lo liệu cho mình. Ít nhất ở vào thời điểm chưa hoàn toàn ổn định thế lực của bản thân, Tào Tháo cũng sẽ không hạ thủ với Đông Ngô.
Nếu Tào Tháo quả thực hạ thủ với Đông Ngô, Đông Ngô cũng có thể lập tức ứng đối. Bởi vì Tào Tháo ở ngoài sáng.
Tuy nhiên Lưu Bị thì ngược lại. Nhân vật này chẳng khác nào một con hổ đang thu nanh, ẩn núp trong bóng tối, khiến người khác khó lòng phòng bị.
Một khi để Lưu Bị nắm được cơ hội, Đông Ngô sẽ gặp phải tổn thất nghiêm trọng. Cho nên, Chu Du đã đưa ra lời cảnh báo với Tôn Quyền rằng nên sớm diệt trừ Lưu Bị.
Chỉ tiếc rằng, vị quân chủ này đã không nghe theo ý kiến của Chu Du. Cũng chính vì quyết định này mà khi lời tiên đoán của Chu Du ứng nghiệm, cơ nghiệp Đông Ngô suýt chút nữa đã bị diệt vong trong tay đối thủ.
Không nghe lời Chu Du, Tôn Quyền và Đông Ngô hối không kịp
Chỉ khoảng hơn 10 năm sau khi Chu Du qua đời, thế lực của Lưu Bị đã càng lúc càng lớn mạnh. Mâu thuẫn giữa Thục Hán với Đông Ngô về vấn đề Kinh Châu cũng ngày một thêm căng thẳng, gay gắt.
Kết quả là Lã Mông thừa dịp Quan Vũ phát động cuộc chiến Tương Phàn, dẫn quân đánh úp Kinh Châu, giết Quan Vân Trường.
Vì sự việc này, Lưu Bị đã thân chinh dẫn đội quân tinh nhuệ của mình ồ ạt chinh phạt Đông Ngô.
Vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, Lưu Bị liên tiếp thắng thế, nhiều lần khiến Đông Ngô tưởng như đã bị đẩy tới bờ diệt vong.
Nếu lúc bấy giờ, Tào Tháo lại thừa dịp tiến đánh, cơ nghiệp của tập đoàn chính trị này rất có thể sẽ tan tành trong chốc lát.
Chỉ vì không nghe theo lời Chu Du, Tôn Quyền suýt chút nữa đã khiến cơ nghiệp Đông Ngô bị hủy trong tay đối thủ. (Ảnh minh họa).
May mắn rằng Lục Tốn đã dùng hỏa công thiêu cháy trận doanh của Lưu Bị, giành thắng lợi về tay Đông Ngô.
Dù cơ nghiệp của tập đoàn chính trị ấy không bị hủy dưới tay Lưu Bị, tuy nhiên điều này đã chứng minh rằng việc Chu Du nhắc nhở Tôn Quyền sớm diệt trừ nhân vật này là hoàn toàn có cơ sở.
Bởi lẽ, vị công thần của Đông Ngô từ sớm đã nhìn ra năng lực đáng gờm từ một đối thủ như Lưu Bị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo