Lưu vực sông Tollense, Đức: Chiến trường lâu đời nhất châu Âu
Giải mã “kho báu” hơn 2.000 năm tuổi ở Hà Nội / CLIP: Giải mã chiến lược thông minh nhất cuộc đời Tào tháo
Chiến trường lâu đời nhất châu Âu
Năm 2008, các nhà khảo cổ phát hiện một chiến trường trong thời đại đồ đồng ở lưu vực sông Tollense, miền Bắc nước Đức. Họ sử dụng máy dò kim loại, dụng cụ đào bới, thậm chí lặn xuống sông Tollense để thu thập các bằng chứng về trận chiến. Sau nhiều nỗ lực, họ tìm thấy nhiều cổ vật bao gồm vũ khí, hài cốt người và ngựa. Đây là những gì còn sót lại của một cuộc chiến tranh bạo lực diễn ra khoảng năm 1.300 trước Công nguyên, và lưu vực sông Tollense được coi là chiến trường lâu đời nhất tại châu Âu. Điều này bác bỏ quan niệm sai lầm trước đây cho rằng, châu Âu trong thời đại đồ đồng là một nơi tương đối yên bình.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Antiquity vào tháng 10/2019, các nhà khảo cổ phát hiện thêm 12.000 mảnh hài cốt của 140 người tại địa điểm xảy ra cuộc chiến. Tất cả đều là nam giới và có dấu hiệu chấn thương do vũ khí. Dường như họ phải hứng chịu những cú đánh trực diện từ đối thủ. Điều đặc biệt là một số người có các vết thương đã lành. Nhiều khả năng họ là chiến binh giàu kinh nghiệm, vẫn sống sót sau những cuộc xung đột trước đó.
Phát hiện này rất quan trọng, cung cấp thêm thông tin về trận chiến đầu tiên được biết đến trong lịch sử châu Âu. Số lượng các chiến binh tham gia và quy mô cuộc chiến là bằng chứng cho thấy xã hội trong thời đại đồ đồng đã bắt đầu quân sự hóa và tiến hành các cuộc chiến tranh.
Nguồn gốc các chiến binh
Kết quả phân tích DNA xương và đồng vị strontium, carbon và nitơ trong răng của các bộ hài cốt cho thấy một số chiến binh không có nguồn gốc ở địa phương. “Điều này chỉ ra rằng trận chiến không chỉ là cuộc xung đột giữa những người dân địa phương sống ở lưu vực sông Tollense mà có thể là một phần của cuộc xung đột đa khu vực với quy mô lớn hơn nhiều”, Thomas Terberger, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Gottech (Đức), cho biết.
Terberger nhận định, trận chiến quy mô lớn tại lưu vực sông Tollense diễn ra ở cả hai bên bờ sông, giữa hai nhóm chiến binh. Một nhóm là người dân địa phương, nhóm còn lại gồm các chiến binh “hỗn tạp” có các liên kết di truyền từ nhiều vùng đất khác nhau.
Trong nghiên cứu mới, Terberger và các cộng sự phát hiện 31 đồ vật bằng đồng trong lớp trầm tích sông Tollense, cách khoảng 300m so với một con đường đất trong thời cổ đại – nơi được biết đến là vị trí bắt đầu trận chiến. Các nhà khoa học gọi những cổ vật này là “Bộ sưu tập Weltzin 28” bao gồm: một cái dùi, một cái đục và dao bằng đồng, ghim, đồ trang trí và nhiều mảnh đồng nhỏ khác. Các đồ vật nằm ở gần nhau nên nhóm nghiên cứu nghĩ rằng chúng từng đựng chung trong một chiếc túi da hoặc hộp dụng cụ cá nhân bằng gỗ đã phân hủy.
Điều thú vị là chiếc dùi có tay cầm làm bằng gỗ bạch dương vẫn ở trong tình trạng được bảo quản khá tốt. Sau khi kiểm tra niên đại tay cầm bằng phép đo phổ khối gia tốc (AMS), Terberger xác định độ tuổi của nó khoảng năm 1.300 – 1.250 trước Công nguyên. Do đó, chiếc dùi có lẽ thuộc về một trong những chiến binh tham gia cuộc chiến đã tử trận.
Thứ cho phép nhóm nghiên cứu xác định nguồn gốc của một số chiến binh là ba vật hình trụ nhỏ uốn bằng các tấm đồng mỏng. Ở mỗi đầu đều có những chiếc đinh và lỗ nhỏ được đục cẩn thận. Chúng có thể là phụ kiện cho chiếc túi da hoặc hộp đựng đồ cá nhân. Giới khảo cổ từng khai quật các phụ kiện tương tự ở miền Nam nước Đức và khu vực Migennes ở miền Đông nước Pháp, những nơi cách khá xa địa điểm diễn ra trận chiến trong thời đại đồ đồng.
Đây không phải lần đầu tiên các cổ vật không có nguồn gốc địa phương được tìm thấy tại lưu vực sông Tollense. Trước đó, các nhà nghiên cứu phát hiện một số chiếc kẹp và đầu mũi tên trong khu vực có sự tương đồng với các đồ vật khai quật ở Bohemia, vùng đất bao phủ phần lớn diện tích phía Tây của Cộng hòa Séc ngày nay.
Sau khi phân tích kỹ “Bộ sưu tập Weltzin 28”, nhóm nghiên cứu tin rằng một số chiến binh qua đời tại chiến trường Tollense có nguồn gốc từ miền Nam nước Đức hoặc Bohemia. “Bộ sưu tập Weltzin 28 là đồ dùng cá nhân của một chiến binh đến từ phía Nam Trung Âu”, Terberger nhận định. “Xã hội trong thời đại đồ đồng có thể đã tạo ra các liên minh, cuối cùng dẫn đến những cuộc chiến tranh lớn giữa nhiều khu vực khác nhau.”
Anthony Harding – nhà khảo cổ học và chuyên gia về thời đại đồ đồng tại Đại học Exeter (Anh), người không tham gia vào nghiên cứu mới – đặt câu hỏi nghi vấn liệu các cổ vật khai quật trong trầm tích sông Tollense có thuộc về các chiến binh hay không? “Tại sao một chiến binh lại mang theo nhiều dụng cụ và đồ dùng cá nhân bằng kim loại bên mình, và tất cả chúng dường như không thực sự liên quan rõ ràng với một cuộc chiến”, Harding nói.
Oliver Dietrich, nhà khảo cổ tại Viện Khảo cổ học Đức, cho rằng một số chiến binh trong thời đại đồ đồng mang theo những đồ vật kim loại bên mình vì một niềm tin tôn giáo nào đó, hoặc đơn giản chúng chỉ là đồ dùng cá nhân hằng ngày của họ. “Đáng tiếc là các cổ vật bằng đồng không cung cấp nhiều thông tin về chủ sở hữu của chúng”, Dietrich cho biết.
“Trận chiến diễn ra tại lưu vực sông Tollense là minh chứng rõ ràng về mức độ khốc liệt của các cuộc xung đột diễn ra trong thời đại đồ đồng ở châu Âu”, Martin J. Smith, giảng viên về nhân chủng học pháp y tại Đại học Bournemouth (Anh), nhận định.
Trong tương lai, nhiều cuộc khai quật mới ở lưu vực sông Tollense sẽ tiết lộ thêm những thông tin thú vị về chiến trường lâu đời nhất ở châu Âu, góp phần làm thay đổi những quan niệm trước đây của chúng ta về chiến tranh trong thời đại đồ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phát hiện ở Amazon có con rắn lớn nhất thế giới, mọi người phải sửng sốt vì chiều dài và cân nặng vượt xa sức tưởng tượng
Bài toán hóc búa của thầy giáo Việt Nam trong đề thi Olympic: Độ khó khiến nhiều nước muốn loại bỏ
Nhà thơ 'lười' nhất lịch sử: Cả đời chỉ sáng tác một bài hai câu thơ, được truyền muôn đời
Thần đồng toán học Việt Nam trở thành GS Vật Lý nổi tiếng thế giới: Từng được kỳ vọng đạt giải Nobel
'Thần đồng' Việt Nam nhỏ tuổi nhất đạt HCV Olympic Toán: Được Pháp phong hàm Giáo sư hạng đặc biệt
Ai được xem là ‘nhà thơ của làng cảnh Việt Nam’ ? Có bài thơ người Việt nào cũng thuộc