Khám phá

Ly kỳ thế võ biến ảo giết cọp của võ sư Việt môn phái 'Võ Tòng đả hổ'

Khi những bậc tiên sư của môn phái ra tay, chưa có con hổ dữ nào thoát được 10 thế võ này.

2 môn tuyệt học võ công "mượn lực đối thủ trả lại đối thủ" cực kỳ ảo diệu trong tiểu thuyết Kim Dung / Hai cao thủ Tam Quốc "ẩn tàng" một văn một võ, cả đời không xuất sơn

Tiến sỹ – võ sư Hồ Tường hiện là chưởng môn đời thứ 5 của phái võ lâm Tân Khánh – Bà Trà. Theo ông Tường, “võ đánh cọp” có 10 thế đánh riêng, mỗi thế có thêm 10 biến thế đầy ảo diệu. Khi những bậc tiên sư của môn phái ra tay, chưa có con hổ dữ nào thoát được 10 thế võ này.

Huyền thoại về “Võ Tòng” Tân Khánh

Theo ghi nhận trong quyển “Lịch sử Bình Dương 300”, khoảng giữa thế kỷ 17, lưu dân người Việt từ miền Thuận Quảng vào khai phá vùng đất Đồng Nai – Gia Định. Trên bước đường Nam tiến, họ mang theo những miếng võ cổ truyền để phòng thân. Chính những di dân đầu tiên này lập ra làng Tân Khánh, nay là Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Để thích nghi ở vùng đất mới, một nơi hoang sơ, nhiều thú dữ và cướp bóc, họ phát huy miếng võ cổ truyền nhằm chống lại thiên nhiên hoang dã để sinh tồn. Từ đó hình thành nên môn võ… rừng, với tên gọi võ lâm Tân Khánh.

Võ sinh sinh Tân Khánh - Bà Trà tập luyệnVõ sinh sinh Tân Khánh - Bà Trà tập luyện

Hai thế kỷ sau, Võ Thị Trà (sau người ta gọi là Bà Trà), con của một gia đình thuộc bộ tướng nhà Tây Sơn chính là người đã tăng cường thêm kỹ thuật của võ Tây Sơn Bình Định cho võ lâm Tân Khánh. Kể từ đó, võ lâm Tân Khánh mới có cơ hội thăng hoa, được nhiều người biết đến. Bà Trà được xem là người khai sinh ra phái võ lâm Tân Khánh – Bà Trà.

Tiến sĩ – Võ sư Hồ Tường là chưởng môn đời thứ năm của môn phái này. 20 năm nay, ông Tường dạy võ miễn phí cho học sinh, sinh viên ở Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM. Theo ông Tường, Bà Trà có hai đệ tử xuất sắc là anh em ông Hai Ất (Võ Văn Ất) và Ba Giá (Võ Văn Giá), cả hai có hơn 10 lần đối đầu với cọp dữ. Hai ông sử dụng trường côn, dân Tân Khánh gọi là roi, được làm bằng lõi cây mật cật. Võ nghệ hai ông vang danh khắp vùng. Hiện người dân vẫn lưu truyền huyền thoại “Cọp Bàu Lòng – Võ Tòng Tân Khánh” kể về chiến tích đả cọp của anh em ông Hai Ất – Ba Giá. Đó là câu chuyện mà theo họ “Võ Tòng” Tân Khánh hay hơn Võ Tòng ở bên Tàu.

Di ảnh cố VS. Hồ Văn Lành
Di ảnh cố VS. Hồ Văn Lành

Số là người dân xứ Bàu Lòng (Chơn Thành, Bình Phước) nhiều tháng liền bị “ông cọp” về quấy rối, bắt bò, heo và dọa bắt người. Anh em ông Hai Ất – Ba Giá được mời đến đây để ra tay trị cọp. Bữa cơm trưa vừa xong, ông Ất nói: “Cọp đâu đánh phắt cho rồi, chớ ở đây chờ hoài bỏ công ăn việc làm sao chịu nổi”. Ông Ất vừa dứt lời thì nghe một tiếng gầm to ngoài sân, tiếp theo là tiếng la thất thanh của lũ trẻ. Dường như cọp có linh tính, biết thầy võ về làng nên đến thử sức. Mọi người đang khiếp vía tìm chỗ nấp xem hai ông thầy võ xử trí ra sao thì ông Giá nhanh nhẹn cắp roi nhảy ra sân thủ thế. Còn ông Ất tay chống nạnh, miệng ngậm tăm đứng nhìn nơi ngạch cửa.

Ở ngoài sân, cọp thấy có người nhảy ra liền phóng tới chụp đùa. Ông Giá né vội, liền đó vung roi quật trúng vào hông cọp khá mạnh. Cọp gầm lên rồi quay lại chụp liền. Ông Giá vung roi, lúc đập, lúc đâm. Cọp nhảy tới, nhảy lui gầm thét. Bụi bay mịt trời. Bất ngờ cọp hộc lên một tiếng rồi vọt ra ngoài vòng chiến, nằm ngửa chỏng vó lên trời. Đó là thế “trâu vằn”, “miếng tổ” của cọp, ai ham nhảy vào là toi mạng. Roi đánh thì bị cọp bắt, tiện dịp móc họng luôn đối thủ.

TS. VS. Hồ Tường, chưởng môn đời thứ 5 của phái võ lâm Tân Khánh – Bà TràTS. VS. Hồ Tường, chưởng môn đời thứ 5 của phái võ lâm Tân Khánh – Bà Trà

Ông Giá thấy cọp giở thế “trâu vằn” không thèm đánh, đứng chống roi nghỉ. Một hồi lâu, cọp không thấy ông Giá phá miếng của mình, liền gầm lên phóng lại vòng chiến. Ông Giá vung roi đánh tiếp. Một lần nữa dân Bàu Lòng được xem mê mệt, cát bụi mù mịt không phân biệt được đâu là người, đâu là thú. Lát sau cọp bèn giở lại miếng cũ. Ông Giá chống roi đứng chờ tái chiến. Lần này cọp chờ cũng không thấy ông Giá phá miếng “trâu vằn”, cọp lại xoay mình phóng vào vòng chiến. Phen này ông Giá đánh rất kịch liệt, roi quay vo vo. Và rồi người ta nghe tiếng cọp rống thật to, vọt ra khỏi vòng chiến toan chạy về rừng. Tiếp theo, một tiếng rống to hơn, dài hơn, nhìn lại thấy ông Ất đứng bên xác cọp. Tất cả mọi người đứng xem không ai thấy ông Ất ra tay. Nhưng ông Ất thì đoán được đường rút lui của cọp, ông liền lao ra chặn đầu, dưới ngọn roi ngàn cân của ông, cọp hết đường thoát.

 

Võ phái từng nổi danh Sài Gòn

Đến nay, trải qua bao biến đổi thăng trầm của những tháng ngày tao loạn, võ phái Tân Khánh – Bà Trà đã bước sang đời chưởng môn thứ năm. TS – VS. Hồ Tường cho biết, anh em ông Ất, ông Giá được xếp vào hàng tiên sư, đời thứ nhất; kế đến Võ Văn Trực (Sáu Trực); Võ Văn Phiên (Bảy Phiên) – một thầy võ nổi tiếng ở vùng đất Đông Nam Bộ giai đoạn 1939 – 1959. Hai trong số nhiều học trò nổi tiếng của Bảy Phiên là nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh và Phan Văn Hùm; tiếp đến là Hồ Văn Lành (tức võ sư Từ Thiện, mất năm 2005). Hậu duệ đời thứ năm cũng là hậu duệ duy nhất còn lại biết các thế võ đánh cọp của môn phái này chính là Tiến sĩ – Võ sư Hồ Tường – con trai của Võ sư Từ Thiện.

Võ sư Từ Thiện được coi là người có công khiến môn võ này nổi danh Sài Gòn vào những năm đầu của thập niên 1950. Năm ấy, ông lên Sài Gòn, chọn “vùng đất dữ” chợ Cầu Muối mở võ đường và lấy tên “Võ đường Từ Thiện”, nhằm mục đích hướng thiện cho con người lầm lạc bằng chính tinh thần thượng võ. Một số tay giang hồ cộm cán khu vực Cầu Muối bị “sốc” khi biết có một võ sư “tỉnh lẻ” dám cả gan mở lò võ dạy đời ngay trên lãnh địa của mình. Song, với tài nghệ và đức độ của ông, dần dà các tay anh chị lần lượt bị ông khuất phục và tự nguyện đến xin làm đệ tử của ông.

Hai môn sinh võ lâm Tân Khánh – Bà Trà giao đấuHai môn sinh võ lâm Tân Khánh – Bà Trà giao đấu

Võ đường Từ Thiện không chỉ dạy về võ pháp, võ cơ, võ lý mà còn dạy về võ y. Cho đến năm 1975, võ đường Từ Thiện cung cấp cho làng võ miền Nam hơn 500 võ sĩ. Những môn sinh của võ phái này từng thượng đài cấp quốc gia, đoạt nhiều huy chương vàng, bạc, đồng. Ngoài ra, một số môn sinh như Từ Thanh Nghĩa, Từ Trung Tín và Từ Y Văn từng đại diện miền Nam thi đấu 7 trận toàn thắng trước các nhà vô địch Thái Lan, Lào và Campuchia…

Sau khi mở võ đường Từ Thiện, năm 1959, VS. Hồ Văn Lành trở thành thành viên của Tổng cuộc Quyền thuật Miền Nam, một tổ chức quần chúng hoạt động dưới quyền Tổng nha Thanh niên của Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên Miền Nam. Ông với tư cách là Ủy viên, đã nỗ lực hòa nhập và phổ biến võ phái này vào cộng đồng võ thuật miền Nam. Đến năm 1969, ông là một trong những thành viên sáng lập ra Tổng hội võ thuật Miền Nam Việt Nam.

 

Một trong những đặc trưng của võ phái này là có lối tấn công phối hợp và liên hoàn. Những đòn chân, đòn tay, tung theo đường thẳng, làm rối loạn sự phòng ngự của đối phương, giúp cho sự tấn công đạt hiệu quả cao. Những kỹ thuật cận chiến dùng đầu gối, cùi chỏ, nắm đấm, cạnh bàn tay, ức bàn tay… giúp môn sinh có kỹ năng chiến đấu trong mọi tình huống. Quyền cước không cầu kỳ, phù hợp với thể tạng người Việt Nam bé nhỏ. Một đặc điểm nổi bật khác của võ phái Tân Khánh – Bà Trà là mỗi thế luôn có bài thiệu bằng thơ mang tên những đòn thế, làm theo thể tứ tuyệt, ngũ ngôn, thất ngôn lục bát… càng làm cho võ phái này thêm xuất chúng.

Ông Tường cho biết, “võ đánh cọp” có 10 thế đánh riêng, mỗi thế có thêm 10 biến thế đầy ảo diệu: Thế thứ nhất hoành đả hỏa xa; thứ hai phù phóng; thứ ba roi hoành; thứ tư phục hổ tang tành; thứ năm xà địa giữ mình cho xinh; thứ sáu dùng roi đăm lèo; thứ bảy hồi mã đừng theo mà lầm; thứ tám phục hổ đạt trùng; thứ chín bát tự; thứ mười đâm đôi. Đối với các bậc tiên sư của ông, chưa nghe nói có con hổ dữ nào thoát được 10 thế võ này.

Một võ phái lẫy lừng, từng làm rạng danh cho xứ sở như vậy, giờ hiển hiện nguy cơ thất truyền. Cách đây mấy năm, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định khôi phục lại làng võ này. Theo kế hoạch, người chấp bút cho đề án “Khôi phục võ lâm Tân Khánh – Bà Trà” là tiến sỹ Hồ Sơn Diệp (Trường Đại học KHXH & NV TP.HCM). Theo TS. Hồ Sơn Diệp, trong quá khứ, võ lâm Tân Khánh – Bà Trà không chỉ đánh cọp mà từng mang lại vinh quang cho nền võ thuật nước nhà.

Các nhà cách mạng tiền bối Nguyễn An Ninh, Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Văn Tiểng, Phan Văn Hùm… cũng từng là võ sinh của môn phái này thì cũng đủ thấy nó có vị trí cao quá khứ. Giai đoạn đầu của đề án “Khôi phục võ lâm Tân Khánh – Bà Trà” là biên soạn lại lịch sử môn phái, kế đến là khôi phục các bài quyền, binh khí, trang phục rồi mới tính đến chuyện xây dựng võ đường, nhà truyền thống, vừa dạy võ vừa giáo dục tinh thần thượng võ cho thế hệ trẻ.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm