Phân tích bộ gen người cổ đại Đông Á cho thấy mối liên hệ với cư dân cổ đại Đông Nam Á và Đài Loan
Bất ngờ với những phát minh từ thời cổ đại nhưng vẫn giữ nguyên giá trị cho tới ngày nay / Các nhà khoa học phát hiện khu rừng cổ đại lâu đời nhất trong lịch sử Trái Đất, cách chúng ta 385 triệu năm
Hài cốt của một phụ nữ sống cách đây gần 5.000 năm (ảnh minh họa: The Atlantic)
Các nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về bộ gen người thời cổ đại ở vùng Đông Á cho thấy nhiều cư dân của vùng có nguồn gốc từ hai quần thể khác biệt. Hai quần thể này bắt đầu hòa lẫn vào nhau sau sự phát triển của nông nghiệp khoảng 10.000 năm trước.
Các nghiên cứu cũng cho thấy mối quan hệ giữa người cổ đại kéo dài từ miền Nam Trung Quốc đến Nam Thái Bình Dương. Mối liên hệ giữa những cư dân ven biển có thể cung cấp manh mối về cách con người đến vùng Đông Á định cư.
Các phát hiện này đã được đăng tải trong một bài viết trên tạp chí Science ngày 14/5. Bài viết cho biết các nhà khoa học đã nghiên cứu bộ gen của hơn 20 người Trung Quốc cổ đại. Trước đó, hồi tháng 3, các nhà khoa học cũng đã xem xét gần 200 bộ gien người cổ đại ở khắp Đông Á.
Người Đông Á đương đại được cho là đã rời khỏi châu Phi từ 50.000 đến 100.000 năm trước. Nhưng các nhà nghiên cứu biết rất ít về sự dịch chuyển dân số cổ đại đã hình thành nên bộ gen của 1,7 tỷ cư dân hiện tại của khu vực. Chỉ có một số ít bộ gen của người cổ đại Đông Á được công bố. Không rõ những tác động quan trọng như nông nghiệp – vốn làm thay đổi cấu trúc di truyền của người Tây Âu lai Á (western Eurasians) – đã ảnh hưởng thế nào đến bộ gen người Đông Á.
Một nhóm nghiên cứu do ông Qiaomei Fu, nhà di truyền học tại Viện Cổ sinh vật học và Sinh vật học xương sống ở Bắc Kinh, đã phân tích bộ gen của 24 cư dân sống ở Đông Á, bao gồm cả Trung Quốc, từ 9.500 đến 300 năm trước. Hầu hết các bộ gen này được phân tích từ các hài cốt khai quật tại các địa điểm khảo cổ ở lưu vực sông Hoàng Hà phía Đông Bắc Trung Quốc, hoặc cách đó hơn 1.000 km ở phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến.
Sự hòa trộn Bắc - Nam
(Ảnh minh họa: Interesting Engineering).
|
Trong thời kỳ đồ đá mới, tức là khoảng 10.000 đến 6.000 năm trước, những người từ hai khu vực địa lý nói trên có sự khác biệt về mặt di truyền – theo kết quả nghiên cứu từ nhóm của ông Qiaomei Fu. Nhưng theo thời gian, họ bắt đầu hòa lẫn vào nhau. Người Trung Quốc đương đại có tổ tiên thuộc nhóm người ở phía Bắc, nhưng cũng có liên hệ với nhóm người Phúc Kiến cổ đại ở các mức độ khác nhau (những người sống ở phía Nam Trung Quốc có liên hệ gần nhất). Các nhà khoa học không rõ khi nào hai nhóm bắt đầu hòa lẫn, nhưng có những dấu hiệu cho thấy nhóm người ở phía Bắc đã tràn xuống phía Nam vào khoảng 5.000 đến 4.000 năm trước đây.
Điều này cho thấy việc làm nông nghiệp ở Đông Á có thể đã lan rộng thông qua sự pha trộn giữa nông dân và người săn bắt hái lượm, theo bà Ling Qin, nhà khảo cổ học tại Đại học Bắc Kinh. Nó khác với những nghiên cứu về bộ gen cổ của người Tây Âu lai Á – những người nông dân có nguồn gốc Trung Đông thay thế những người săn bắt hái lượm châu Âu.
Nông dân ở lưu vực sông Hoàng Hà cũng di chuyển về phía Tây. Một nhóm nghiên cứu do David Reich, nhà di truyền học dân số tại Đại học Y Harvard ở Boston, Massachusetts, đồng tác giả nghiên cứu với ông Qiaomei Fu, đã phân tích bộ gen của 20 cá nhân 5.000 tuổi từ khu vực này và tìm thấy mối liên hệ với người Tây Tạng đương đại. Kết quả này là một phần của nghiên cứu bộ gien 191 người Đông Á cổ đại, đã được lưu trữ trên máy chủ bioRxiv từ ngày 25/3.
Họ hàng xa
Các nghiên cứu cũng tiết lộ một số mối liên hệ họ hàng xa đáng ngạc nhiên. Những người thời kỳ đồ đá mới sống ở gần bờ biển Trung Quốc (ở Đông Bắc hay Đông Nam) có chung một số tổ tiên với người cổ đại sống ở ven biển Đông Nam Á và Nhật Bản. Điều đó có nghĩa là toàn bộ bờ biển Đông Á là một địa điểm sinh sống quan trọng đối với người di cư. Reich và nhóm của ông đã tìm thấy mối liên hệ tương tự mà họ nói rằng có thể là bằng chứng cho thấy người hiện đại định cư lần đầu tiên ở Đông Á là dọc theo một tuyến đường ven biển.
Những người cổ đại sống ở miền Đông Nam Trung Quốc thậm chí còn có tổ tiên ở nơi xa hơn. Cụ thể, những người thời kỳ đá mới sống ở Phúc Kiến và các đảo ở eo biển Đài Loan có liên quan chặt chẽ với những người cổ đại ở Vanuatu ở châu Đại Dương xa xôi. Các nghiên cứu về bộ gen cổ đại trước đây đã ghi nhận sự di truyền của tộc người cổ đại này khắp Đông Á đến châu Đại Dương. Nghiên cứu của ông Fu cho thấy nhóm này có nguồn gốc ở miền Nam Trung Quốc.
Ông Matthew Spriggs, nhà khảo cổ học tại Đại học Quốc gia Australia nói rằng nghiên cứu của ông Fu cho thấy người di cư vùng Nam Thái Bình Dương có tổ tiên là người cổ đại ở Đài Loan, cư dân thời kỳ đồ đá mới có lẽ đến từ các vùng phía Nam của Đại lục.
Còn bà Ling Qin thì cho biết người miền Nam Trung Quốc cổ đại trong nghiên cứu của ông Fu sống trong một khu vực biệt lập có thể không đại diện cho khu vực rộng lớn hơn. Ưu tiên là giải mã trình tự DNA từ những người nông dân đầu tiên sống ở lưu vực sông Dương Tử ở miền Nam Trung Quốc – một trung tâm nông nghiệp trồng lúa và là một nguồn di cư tiềm năng khác – bà Qin nói thêm.
Các nhà khoa học hy vọng rằng những nghiên cứu về các bộ gen cổ đại sẽ giúp họ tìm hiểu sâu hơn vào lịch sử thời kỳ đầu vùng Đông Á. Ông Pontus Skoglund, một nhà di truyền học dân số tại Viện nghiên cứu Crick ở London, rất muốn biết liệu người Homo sapiens đầu tiên định cư trong khu vực có xen kẽ với Denisovans - một nhóm hominin (người vượn) đã tuyệt chủng hay không.
“Tôi nghĩ một trong những câu hỏi mở thú vị về vùng Đông Á là liên quan đến việc định cư thời tiền đồ đá mới – chủng người nào là những cư dân đầu tiên của vùng đất này”, ông Martin Sikora, nhà di truyền học tại Đại học Copenhagen chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giải mã về sinh vật bí ẩn cao 8m xuất hiện tại rừng rậm Nam Mỹ, từng bị nghi là người ngoài hành tinh
Loài thằn lằn giống rắn hồi sinh kì diệu sau 40 năm bị tuyệt chủng khiến các nhà khoa học kinh ngạc
Vị đại tướng đốt toàn bộ bản kiểm điểm của các cán bộ, là huyền thoại được đích thân Bác Hồ đặt bí danh
Loài cua là động vật chân đốt sống trên cạn lớn nhất thế giới : Có thể dài tới 1m, giá 6-7 triệu /kg
Mỹ: Xuất hiện sinh vật kỳ lạ viết lại lịch sử loài khủng long
Tiết lộ 1 nơi ở Trung Quốc, nơi 'vàng' mọc trên cây