Các nhà khoa học đã phát hiện hóa thạch 520 triệu năm tuổi của một loài nhện ở Trung Quốc có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự tiến hóa của các loài động vật trong thời hiện đại.
Các nhà khoa học tin rằng sinh vật dài 2,5 cm và có 2 cặp mắt ở trên đầu này sống cách đây 520 triệu năm và đã từng bò hoặc bơi trong đại dương. Các nhà khoa học đã tái hiện lại được hệ thần kinh của sinh vật này để hiểu hơn về quan hệ tiến hóa của nó với các loài động vật quen thuộc với chúng ta.
Nhà nghiên cứu Xiaoya Ma thuộc Phòng Khoa học Trái đất, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London cho biết: “Lần đầu tiên, chúng ta có thể nhìn vào hệ thần kinh của sinh vật hóa thạch này để xem xét mối liên quan giữa các sinh vật hóa thạch với các loài động vật ngày nay.
Sinh vật này thuộc giống Alalcomenaeus, thuộc một nhóm sinh vật lạ đã tuyệt chủng gọi là loài chân giống “megacheiran”. Các loài thuộc giống Alalcomenaeus có thân hình thon dài có nhiều đốt với 12 cặp chân phụ dùng để bơi hoặc bò. Chúng cũng có một cặp càng dài hình chiếc kéo dùng để kẹp hoặc để cảm nhận.
Các nhà khoa học cho biết mô hình được tái hiện cho thấy sinh vật này có hệ thần kinh hoàn chỉnh nhất trong số các loài chân giống sống vào thời kỳ địa chất Cambria.
Bộ não và hệ thống thần kinh trung ương của sinh vật này được tổ chức tương tự như loài bọ cạp hoặc cua móng ngựa, cho thấy mối quan hệ tiến hóa gần gũi giữa giống Alalcomenaeus cổ đại với các loài sinh vật ngày nay.
Hồi năm ngoái, cũng tại địa điểm gần Côn Minh này, ông Ma và các đồng nghiệp đã phát hiện một loài động vật gọi là Fuxianhuia có hệ thần kinh của loài giáp xác có niên đại 520 triệu năm.
Các phát hiện này cho thấy cách đây 520 triệu năm, hai giống chân giống lớn đã xuất hiện trên trái đất, còn tổ tiên của chúng có thể còn tồn tại lâu hơn.
Nhà nghiên cứu Nick Strausfeld nhận định: “Điều này chứng tỏ tổ tiên của loài nhện và các loài tương tự đã sống cùng với tổ tiên của loài giáp xác.”
Nhóm nghiên cứu của Strausfeld đã sử dụng các công nghệ hình ảnh phức tạp để nghiên cứu hóa thạch của loài Alalcomenaeus và nhận thấy nguyên tố sắt đã xuất hiện trong hệ thần kinh của loài sinh vật hóa thạch này.
Bằng cách kết hợp các hình ảnh này, các nhà khoa học đã có thể tạo ra hình ảnh X-quang âm tính về hệ thần kinh của loài sinh vật này. Hình ảnh này đã xác nhận nhận định của các nhà khoa học: Giống Alalcomenaeus này có liên hệ với các loài nhện, bọ cạp hiện nay vì chúng có bộ não rất giống nhau.
Các nhà khoa học tin rằng trong tương lai họ sẽ phát hiện ra một loài sinh vật cổ là tổ tiên của loài nhện cổ này và các loài giáp xác với các đặc điểm chung của cả hai loài.