Khi cá chép lội ngược dòng
Năm 2013 và 2014 là hai năm mà giới kinh doanh chứng kiến sự “bứt phá” ngoạn mục của các doanh nghiệp nhỏ và “cực nhỏ” khi có tới 139 công ty lần đầu được người tiêu dùng bình chọn đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Trong số 59 doanh nghiệp mới của 2013, nhiều đơn vị “cực nhỏ” đã có sự đầu tư và phát triển nổi trội… Những cách làm sáng tạo và hiệu quả của các “new players” này cho thấy tiềm năng của một thế hệ cá chép đang lớn từng ngày trong quá trình lội ngược dòng của mình…
Thị trường luôn còn chỗ cho những chàng David…
Những ngày cuối năm, điện thoại cho anh Nguyễn Hồng Lâm, trưởng phòng kinh doanh công ty Trà Tâm Lan (Tây Ninh), anh hào hứng khoe, nhờ chiến lược quảng cáo trên 200 xe tuk tuk chạy khắp thủ đô Phnom Penh mà hiện giờ Tâm Lan đã mở được nhà phân phối và bán khá tốt ở thị trường này. Từ năm 2012, khi cùng hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tham gia khảo sát thị trường Campuchia ở Phnom Penh, Tâm Lan mới mạnh dạn đầu tư vì thấy rằng đây rõ ràng là thị trường tiềm năng. “200 xe tuk tuk với biển quảng cáo được niêm chì chắc chắn, mỗi xe chúng tôi tốn 6 USD/tháng. So với hiệu quả bán hàng, đây là giá tiếp thị khá “hời”,” anh Lâm tiết lộ.
Một điểm mà những người làm xúc tiến cho chương trình HVNCLC nhận thấy ở doanh nghiệp này, là sự bền bỉ đeo bám thị trường. Anh Nguyễn Minh Quân, trưởng dự án Thị trường nông thôn của trung tâm BSA cho hay, doanh nghiệp Tâm Lan rất chịu khó theo đuổi các phiên chợ Hàng Việt về nông thôn ở vùng sâu lẫn vùng cao. Sau mỗi phiên chợ rút đi, ít nhất doanh nghiệp này cũng mở được vài điểm bán, đặt được bảng hiệu của mình lại địa phương.
Với Minh Long Hưng, công ty chuyên sản xuất kinh doanh quần áo trẻ em, bí quyết thành công đến từ cách đánh du kích. Ai cũng biết, hiện nay quần áo trẻ em của Trung Quốc tràn ngập các chợ, từ thành thị đến nông thôn. Anh Lý Thành Sinh, giám đốc công ty này cho hay, mình phải “mở đường máu” để có thể bán được hàng. “Con đường máu” được Minh Long Hưng mở bằng đội quân 200 nhân viên bán hàng lưu động. Mỗi người một xe máy được trang bị biển quảng cáo, loa phát thanh, giao về cho các “tướng vùng” quản lý và điều phối họ đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để bán hàng. “Nếu doanh thu năm 2012 là hơn 30 tỉ đồng, thì năm 2013 vừa rồi, chúng tôi thu về tới 60 tỉ đồng. Một con số mà tôi từng không dám mơ”, anh Sinh thổ lộ.
Hỏi bí quyết thành công, anh Lý Thành Sinh cho rằng, mình học hỏi được nhiều chỉ sau một năm đứng trong hàng ngũ các doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao. Bên cạnh việc sản phẩm được bảo chứng nhờ logo, chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao với các hội chợ tại các tỉnh thành lớn trên cả nước, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, và những buổi chia sẻ kinh nghiệm phân phối, bán hàng, hội thảo về xây dựng thương hiệu… đã giúp Minh Long Hưng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm.
Năm 2014 nhiều thách thức
Đánh giá năm 2014, anh Nguyễn Hồng Lâm cho rằng, sức mua giảm sút là thách thức chung của nhiều doanh nghiệp: “Chúng tôi sẽ phải điều chỉnh sản phẩm để tăng lượng khách hàng”.
Còn công ty Minh Long Hưng của anh Lý Thành Sinh, thì sự chưa chuyên nghiệp trong bán hàng và phân vùng của “đội quân du kích” là vấn đề phải khắc phục ngay. Công ty này tranh thủ khoảng thời gian sau tết để điều chỉnh đội ngũ bán hàng, chấn chỉnh kế hoạch kinh doanh, tăng cường tuyển dụng nhân sự trước khi mùa hè (mùa bán hàng chính của Minh Long Hưng) bắt đầu.
Với những doanh nghiệp lần đầu được bình chọn đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2014, điều này giống như một bước ngoặt lớn. Ông Lê Văn Cường, phó giám đốc công ty TNHH DaLat G.A.P tâm sự: “Doanh nghiệp tôi chủ yếu làm hàng xuất khẩu, nhưng với một lượng hàng bán ở thị trường nội địa mà được người tiêu dùng tín nhiệm khiến chúng tôi rất bất ngờ, điều này khiến chúng tôi phải có kế hoạch phát triển thị trường trong nước tốt hơn nữa.
Bản thân các doanh nghiệp đều hiểu rõ, việc mình được có tên trong danh sách là một thành quả cho những nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi về công tác tiếp thị, phân phối sản phẩm. “Đây là sự ghi nhận của người tiêu dùng với doanh nghiệp và chúng tôi sẽ phấn đấu để không phụ lòng tin của người tiêu dùng” – ông Trương Gia Hoà, giám đốc chi nhánh công ty cổ phần Tam Kim chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Anh, phó giám đốc công ty TNHH Trại Nấm Việt thì quả quyết: “Chúng tôi sẽ cố gắng không ngừng để danh hiệu này ở lại với chúng tôi lâu dài”.
Ở một góc nhìn khác, ông Đặng Thành Tài, giám đốc công ty Hãng sản xuất nước mắm Phú Quốc Hưng Thành thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao việc hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức những buổi đào tạo về marketing, hay đưa doanh nghiệp về nông thôn. Ông mong hội quảng bá nhiều hơn logo Hàng Việt Nam chất lượng cao ở các nước lân cận, sẽ rất có lợi sắp tới cho doanh nghiệp.
SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo