Khởi nghiệp

Thiếu người huấn luyện chuyên nghiệp, startup gặp khó

DNVN - Dù hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã hình thành và phát triển tương đối nhanh, các địa phương cũng đã, đang khuyến khích nhiều thành phần trong xã hội khởi nghiệp nhưng thực tế cho thấy hoạt động này thiếu các huấn luyện viên (startup coach) chuyên nghiệp.

Liên kết doanh nghiệp: Chìa khóa thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm / “Đánh thức” sinh viên, doanh nghiệp quan tâm đến logistics

Thiếu huấn luyện viên giỏi

Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã hình thành và phát triển tương đối nhanh. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2022, và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.

Báo cáo Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của StartupBlink 2023 cho thấy, cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều lọt Top 200 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.

Tuy vậy, tại diễn đànkhởi nghiệp quốc gia 2023 diễn ra mới đây, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển.

Ngoài các hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần có các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực.

Đặc biệt là các thành quả trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ vào cuộc sống, từ địa phương, trung ương, từ khu vực doanh nghiệp và cả từ các tổ chức quốc tế.


TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ-NATEC (Bộ KH&CN).

Chỉ ra điểm nghẽn của hoạt động khởi nghiệp, TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ-NATEC (Bộ KH&CN) cho rằng, hiện các địa phương đang khuyến khích các thành phần trong xã hội khởi nghiệp nhưng thiếu nhất là các huấn luyện viên chuyên nghiệp.

“Nhìn từ kinh nghiệm của các nước như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, điều quan trọng là tìm được ra thế mạnh mang tính cạnh tranh để tập trung phát triển. Trong khi ở các quốc gia khác, khởi nghiệp được định hướng theo từng lĩnh vực thì ở Việt Nam, sự phát triển chưa đồng đều và chưa có điểm nhấn”, ông Quất nêu.

Là một trong những điểm sáng về khởi nghiệp thời gian qua, ông Mai Sơn - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang thừa nhận, việc hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp rất khó. Do đó, đến đầu nhiệm kỳ vừa rồi, tỉnh mới ban hành được kế hoạch hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong đó đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, giao cho các cơ quan, ban ngành để triển khai với mục tiêu hỗ trợ được 20 dự án, hỗ trợ 10 DN khởi nghiệp. Trong 10 DN này phải ưu tiên các DN KHCN của Việt Nam và nước ngoài. Cùng với đó tỉnh đặt mục tiêu phải đào tạo được 20 - 25 huấn luyện viên.

“Chúng tôi đang triển khai các nội dung hỗ trợ DN và dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đào tạo huấn luyện viên. Đầu năm nay, tinh thần triển khai mới bắt đầu mạnh lên. Với sự hỗ trợ từ Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, tỉnh tổ chức cuộc thi khởi sự DN”, ông Sơn cho hay.


Hoạt động khởi nghiệp tại các địa phương còn nhiều khó khăn.

Với hoạt động này, các huấn luyện viên từ các làng xuống hỗ trợ các dự án và DN. Các bạn khởi nghiệp, có thể chỉ là nông dân, học vấn thấp nhưng khi được các huấn luyện viên huấn luyện, việc thu hút vốn đầu tư rất tốt. Và các huấn luyện viên đã kết nối được với DN lớn để tài trợ cho dự án.

“Đúng như ông Quất nói quan trọng là phải có đội ngũ huấn luyện viên quốc gia giỏi ở quy mô tỉnh. Còn ở quy mô quốc gia thì cần huấn luyện viên tầm quốc tế để thu hút các dự án lớn. Như tỉnh Bắc Giang, có đội ngũ huấn luyện viên quốc gia đã tốt rồi. Sinh viên khởi nghiệp đã rất phấn khởi vì mang lại hiệu quả trong gọi vốn, có đưa sản phẩm kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất với nhà phân phối. Đồng thời có những công nghệ được chuyển giao…Còn ở tầm quốc gia cần những chính sách rõ ràng và cụ thể hơn để thu hút các dự án lớn.

Tôi mong muốn Cục Phát triển thị trường và DN KHCN đề xuất nội dung này vào chương trình công tác của Bộ KH&CN; đăng ký với Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội trình các dự án luật, Nghị định liên quan đến huấn luyện viên khởi nghiệp”, ông Sơn kiến nghị.

Chưa có không gian cho mô hình kinh doanh mới

Theo ông Phạm Hồng Quất, dù “cơ chế đặc thù” đã được nhắc đến nhiều nhưng thực tế hiện nay chưa có “không gian” cho các mô hình kinh doanh mới. Các trung tâm hỗ trợ chuyên nghiệp hiện chưa được quan tâm chính đáng, chưa có không gian làm việc.

Bà Lê Thị Thục - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo TP luôn ủng hộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và sẵn sàng thí điểm chính sách mới, thành tựu KHCN mới. Đà Nẵng đang xây dựng trung tâm tài chính (Fintech) để ứng dụng cơ chế thí điểm (sandbox) trong đổi mới sáng tạo.

“Với chính sách của thành phố, chúng tôi hỗ trợ trực tiếp cho DN phát triển các dự án khởi nghiệp, hoàn thiện công nghệ và đưa các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng có cơ hội tiếp cận thị trường trong và ngoài nước thông qua hoạt động kết nối này”, bà Thục chia sẻ.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng, đơn vị này đang tham mưu chính sách ưu đãi cho trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo TP Đà Nẵng, tham mưu TP Đà Nẵng trình Quốc hội về cơ chế đặc thù, trong đó có cơ chế chính sách đặc thù về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm