Không chuyển nợ từ doanh nghiệp nhà nước sang Chính phủ
Tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra chiều 1/3 vừa qua, thông báo vắn tắt về nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2017 diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã tập trung thảo luận về xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách và tình hình kinh tế - xã hội.
Về kinh tế - xã hội, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngay sau Tết Nguyên đán, tinh thần bắt tay ngay làm việc đã lan tỏa trong các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” như quan niệm trước đây. Những chỉ đạo của Thủ tướng về việc không tặng quà dịp Tết, không sử dụng xe công và giờ hành chính để đi lễ hội, không sử dụng rượu bia trong giờ làm việc... được chấp hành nghiêm túc. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.
Về xây dựng thể chế, Chính phủ đã thảo luận về cơ chế, chính sách, cụ thể là các dự án luật như Luật Quản lý nợ công sửa đổi, Luật Thủy sản sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo. Đồng thời, xem xét một số nội dung như dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dược, đề nghị của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung về lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Nghị định 100 năm 2015.
Đáng chú ý, trong dự thảo Luật Quản lý nợ công, vấn đề được dư luận quan tâm là phạm vi nợ công. Các thành viên Chính phủ đã thống nhất phạm vi nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, không bao gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Các DNNN phải tự vay tự trả trên cơ sở đề án kinh doanh, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thay vì chuyển nợ DN sang nợ của Chính phủ. “Nếu DNNN vay không trả nợ được thì thực hiện theo các luật liên quan, kể cả áp dụng Luật phá sản, buộc trả nợ vay”, người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, dự thảo Luật đã có quy định các khoản nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh cho DNNN được tính vào nợ công, theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông báo về kết quả kiểm tra thường kỳ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Bình Phước, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng. Cả 3 đơn vị đều có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thành đúng hạn các nhiệm vụ được giao. Trong đó, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định 59, cụ thể hoá Luật Xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương, các tổ chức, tránh việc xếp hàng về Bộ Xây dựng như ý kiến Thủ tướng đã nêu. Nhiều nhiệm vụ tồn đọng tại Bộ Xây dựng cững đã được xử lý ngay.
Trong khi đó, tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật quản lý nợ công về phạm vi nợ công được tổ chức mới đây, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, dự thảo Luật quản lý nợ công được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Luật hiện hành thì phạm vi nợ công bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương; đồng thời bổ sung nội dung loại trừ các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước và nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ và nợ lẫn nhau giữa các cấp ngân sách.
Như vậy, cơ cấu nợ công theo quy định của dự thảo luật bao gồm các khoản nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh của doanh nghiệp nhà nước. Đối với vay nợ tự vay tự trả, doanh nghiệp nhà nước là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật để đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Cũng theo quy định của Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp, trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật.
Việc đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công đồng nghĩa với việc chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nợ của Chính phủ, một mặt không phù hợp với Luật doanh nghiệp, không đảm bảo tính bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau và không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo ông Trương Hùng Long, khảo sát ở 40 nước và nhóm nước, hầu hết các nước đều không tính nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công, bao gồm các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Trung Quốc...; các nước thuộc khối đồng tiền chung Châu Âu và hầu hết các nước thuộc Châu Á; các nước có mức tín nhiệm quốc gia tương đồng với Việt Nam (Sri Lanka). Trên thực tế, trong số 40 nước khảo sát, chỉ ghi nhận 4 nước có tính nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công (bao gồm Thái Lan, Slovakia, Serbia và Philippin) và 4 nước tính nợ DNNN gộp vào nợ công đều là các doanh nghiệp công ích, thuần túy thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao và có hoạt động thu chi gắn liền với dự toán ngân sách của nước đó.
Ngoài ra, các khoản nợ hoàn thuế VAT và nợ tạm ứng xây dựng cơ bản là nợ phát sinh trong năm hoặc trong điều hành ngân sách, không có bên vay, bên cho vay và không phát sinh nghĩa vụ phải hoàn trả của đối tượng sử dụng vốn; các khoản huy động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực chất là nghiệp vụ điều hành cung cầu tiền tệ theo mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, không có tính chất huy động vốn vay cũng như sử dụng vốn vay của Chính phủ, do đó không thuộc phạm vi nợ Chính phủ, do đó không tính vào nợ công.
End of content
Không có tin nào tiếp theo