Không có chuyện chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ nhà nước
Ngày 20/3, trong khuôn khổ phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Luật Quản lý nợ công năm 2009 được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý ở mức cao nhất đối với hoạt động quản lý nợ công. Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, Luật đã thu được một số kết quả cụ thể.
Thứ nhất, theo lãnh đạo Bộ Tài chính là tổ chức huy động vốn vay của Chính phủ cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển, trong đó: huy động vốn trong nước qua phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010-2015 đạt hơn 996 nghìn tỷ đồng (tốc độ tăng bình quân 41%/năm), đảm bảo cân đối ngân sách và nguồn vốn cho đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục.
Thứ hai, huy động được khối lượng lớn nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài; giai đoạn 2010 - 2015, tổng trị giá cam kết ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, trong đó đã giải ngân đạt gần 29 tỷ USD để tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Thứ ba, cấp bảo lãnh để hỗ trợ các doanh nghiệp, ngân hàng chính sách tiếp cận được với các nguồn vốn vay dài hạn trong và ngoài nước thực hiện chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Giai đoạn giai đoạn 2010 - 2015, tổng trị giá cấp bảo lãnh Chính phủ đạt 568,5 nghìn tỷ đồng.
Thứ tư, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Tổng trị giá vay nợ của chính quyền địa phương giai đoạn 2010-2015 đạt trên 129 nghìn tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thứ năm, Luật Quản lý nợ công cũng đã tạo điều kiện để tăng cường công tác quản lý nợ chặt chẽ, đảm bảo trả nợ trong và ngoài nước của Chính phủ đầy đủ, đúng hạn; nợ công được đảm bảo trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê duyệt. Đến cuối năm 2015 tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 62,2% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,9% tổng thu ngân sách Nhà nước. Công tác công khai, minh bạch thông tin về nợ công và quản lý nợ công từng bước đi vào nề nếp và được cải thiện.
Chia sẻ về những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, phạm vi nợ công cơ bản được kế thừa quy định tại Luật hiện hành, tuy nhiên, dự thảo bổ sung nội dung về những khoản nợ không thuộc phạm vi nợ công gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước, nợ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ và nợ lẫn nhau giữa các cấp ngân sách để làm rõ hơn phạm vi tính toán, thống kê nợ công.
Tại phiên họp, giải đáp câu chuyện “không tính nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công”, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đưa ra những khảo sát dựa trên thông lệ quốc tế.
Cụ thể, qua khảo sát 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đa số đều không tính nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công. Chỉ có 4 nước có tính nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công là: Thái Lan, Xlovakia, Serbia, Philippines. Tuy nhiên, các nước này cũng chỉ tính nợ của các doanh nghiệp công ích, thu, chi bằng NSNN và hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu.
Đưa ra giải pháp nếu doanh nghiệp Nhà nước không đảm bảo trả được các khoản nợ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, doanh nghiệp vay không trả nợ được thì cho phá sản theo Luật định, như vậy Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm với các khoản nợ bảo lãnh hoặc vay về cho vay lại.
Ông Dũng cho biết, theo Ngân hàng thế giới, nợ vay của doanh nghiệp Nhà nước được đưa vào nợ công khi thỏa mãn 3 điều kiện: Thu chi nằm trong dự toán, Chính phủ sở hữu trên 50% và Chính phủ cam kết trả nợ trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ. “Do đó nợ khác của doanh nghiệp Nhà nước thì phải cương quyết trả. Không có chuyện chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ nhà nước”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo