Hỗ trợ doanh nghiệp

Không để doanh nghiệp bị bỏ lại phía sau

Rất ít doanh nghiệp (DN) chuẩn bị cho các FTA. Theo điều tra của CIEM, có 63% DN không có chuẩn bị gì, số chuẩn bị đầy đủ rất thấp.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2017 đạt 425,12 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2016 (tương ứng tăng 73,74 tỷ USD). 

Các con số trên cho thấy, nước ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với thế giới và khá thành công trong việc tận dụng cơ hội từ hội nhập để phát triển kinh tế. Song, trong cuộc chơi này, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã tận dụng cơ hội tốt hơn, DN trong nước có biểu hiện “bị bỏ lại phía sau”. Đó có lẽ là một trong những thách thức cần hóa giải trong giai đoạn tới.

Hội nhập thúc đẩy phát triển kinh tế

DN cần chủ động, thường xuyên tìm hiểu thông tin về các thị trường đối tác và các FTA mới.

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, hội nhập đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Về thương mại-dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, giai đoạn 2007-2017 chứng kiến nỗ lực thực thi cam kết WTO và một loạt FTA có trình độ, yêu cầu đa dạng, phù hợp với năng lực của nhiều nhóm DN. Do đó, xuất khẩu hàng hóa giữ xu hướng tăng, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt 16,6%/năm. Dù thấp hơn so với giai đoạn 2000-2006 (19,4%/năm), song mức tăng trưởng này vẫn rất ấn tượng, trong bối cảnh kinh tế thế giới hứng chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nhập khẩu hàng hóa đã được định hướng để phục vụ tốt hơn nhu cầu đầu tư, sản xuất trong nước. Tốc độ nhập khẩu trung bình đạt 15,1%/năm trong giai đoạn 2007-2017, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2000-2006 (21,1%/năm). Cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện. Tỷ lệ nhập siêu so với GDP giảm liên tục từ mức 20% trong các năm 2007-2008 xuống còn 8,2% năm 2011, sau đó chuyển sang thặng dư trong khoảng từ 0,1-1,2% GDP trong các năm 2012-2017. Cùng với xu hướng mở rộng thương mại hàng hóa, nền kinh tế Việt Nam cũng đạt độ mở ngày càng lớn.

Về thu hút đầu tư, dòng vốn FDI vào nước ta tăng mạnh sau khi hội nhập với thế giới, qua đó bổ sung đáng kể nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm từ năm 2007 đến nay đạt 296,4 tỷ USD, bằng 3,8 lần so với giai đoạn trước WTO. Kết quả này có nguyên nhân quan trọng từ việc gia tăng cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài từ các FTA mà Việt Nam đã, đang đàm phán và thực hiện; và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Nhưng bên cạnh những kết quả nêu trên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quá trình hội nhập cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với nền kinh tế. Cụ thể như ở lĩnh vực thương mại, xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở nhóm hàng do khối DN FDI sản xuất. Do đó, khi nhóm này có sự biến động thì ít nhiều có sự ảnh hưởng đến việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Cung cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam theo độ mở, xuất nhập khẩu đã tăng trưởng cao so với khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, tăng trưởng đó chủ yếu là nhờ đầu tư nước ngoài, thâm hụt thương mại lại chủ yếu đến từ thâm hụt ở khu vực trong nước. Điều đó cho thấy các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã tận dụng tốt hơn những cơ hội từ hội nhập kinh tế, đặc biệt những cơ hội có được từ các FTA mà chúng ta ký kết.

 

“Trong bối cảnh như vậy, nếu như nền kinh tế hiện nay của chúng ta không có đầu tư nước ngoài thì quả thực rất tệ, nhưng tiếp tục như thế này thì cũng không phải không có vấn đề. Nên chúng ta đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi các khó khăn vướng mắc hiện nay trong hội nhập chủ yếu đến từ DN trong nước chứ không phải từ DN FDI”, ông Cung chia sẻ.

Hóa giải khó khăn

Ngoại thương Việt Nam giai đoạn 2005-2017. Nguồn: TCHQ.

Khó khăn thứ nhất liên quan đến các hàng rào phi thuế quan, hay còn gọi là hàng rào kỹ thuật. Giải pháp để hóa giải khó khăn này đòi hỏi chúng ta phải có thái độ rất tích cực, bởi việc đối tác đặt ra chuẩn mực đều được áp dụng trên toàn cầu, vì vậy chúng ta phải đáp ứng được chuẩn mực thì mới tận dụng được cơ hội tiếp cận thị trường.

Khó khăn thứ hai là rào cản từ các chuẩn mực của các công ty đa quốc gia đặt ra. Để giải mã nó chúng ta cũng cần phải hiểu được các chuẩn mực này, đặc biệt là các DN và tập đoàn đã hoạt động ở Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được việc này không chỉ là các quy định về luật pháp mà phụ thuộc rất lớn vào vai trò nhà nước trong việc phân loại DN để có hỗ trợ tốt hơn, nhằm đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí của các tập đoàn này.

Cùng với các rào cản từ bên ngoài còn là những khó khăn thách thức từ nội tại DN. Chẳng hạn như DN Việt Nam thường không có một chiến lược kinh doanh dài hạn, chính vì vậy cách thức kinh doanh thường có đặc điểm là không chú ý đầu tư phát triển nguồn nhân lực; áp dụng khoa học công nghệ; các quy trình sản xuất và quản lý tiên tiến, có thực tiễn tốt; không chú ý gọi vốn đầu tư dài hạn.

 

Đặc biệt là nhiều DN không chú ý xây dựng niềm tin, tin cậy của thị trường, đối tác mà có thiên hướng lách luật để kiếm lợi trước mắt. Lối kinh doanh này không chỉ không đáp ứng được với hội nhập mà nó không giúp ích gì cho phát triển, gây hại đến các DN khác và đến môi trường kinh doanh. Không những thế, rất ít DN chuẩn bị cho các FTA. Theo điều tra của CIEM, có 63% DN không có chuẩn bị gì, số chuẩn bị đầy đủ rất thấp.

Ông Cung cho rằng các cơ quan nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cần phải hiểu DN muốn gì và cần gì, từ đó có những hỗ trợ thiết thực hơn là đi gây khó khăn trong kiểm tra và thanh tra như hiện nay. Hiểu DN nhiều hơn và đối thoại với DN nhiều hơn để giải quyết vấn đề nội tại của DN, như vậy mới giúp DN vượt qua được những rào cản từ bên ngoài, tận dụng được các cơ hội mà các FTA mang lại.

Ngược lại, DN cũng cần chủ động, thường xuyên tìm hiểu thông tin về các thị trường đối tác và các FTA mới thông qua các cơ quan chức năng đầu mối; thường xuyên tổ chức đối thoại với các cơ quan Chính phủ, nêu lên các thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời có những điều chỉnh chính sách và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN…

Nên đọc
Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo