Hỗ trợ doanh nghiệp

Không phải Vingroup, FLC, BRG… ai có được khu đất vàng Cao Su Sao Vàng?

Đây sẽ là một Tổ hợp gồm có chung cư cao cấp, thương mại để bán và cho thuê được lập dự án trên khu “đất vàng” 62.400 m2 tại số 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tóm tắt
Thông tin về dự án này vừa được Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng ( SRC ) công bố hợp tác với đối tác đầu tư là CTCP Tập đoàn Hoành Sơn. Theo đó, một công ty mới làm chủ đầu tư dự án sẽ được thành lập là CTCP Sao Vàng – Hoành Sơn với vốn điều lệ dự kiến 1.673 tỷ đồng.

Câu chuyện về dự án “đất vàng” Cao Su Sao Vàng không phải đến nay mới được nhắc tới, ngay từ 2011 khu đất này đã được giới địa ốc xôn xao với tin đồn một tập đoàn BĐS hàng đầu Việt Nam chuẩn bị các thủ tục để hợp tác đầu tư với SRC.
Không đạt được sự thống nhất giữa các cổ đông lớn, sau nhiều năm dự án gần như “đắp chiếu”, nay mới tiếp tục khởi động trở lại.

Số phận long đong

SRC tiền thân là Nhà máy Cao su Sao Vàng thành lập từ năm 1960, chuyên sản xuất các loại săm lốp máy bay, ô tô, xe đặc chủng, xe máy, xe đạp…sau đó, mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như mua bán, bảo dưỡng ô tô, xăng dầu, trạm xăng, dịch vụ bốc xếp hàng hóa, bãi đỗ xe. Trụ sở, nhà máy của SRC được đặt tại khu “đất vàng” tại số 231 Nguyễn Trãi, nơi đang có tốc độ đô thị hóa rất cao với tuyến metro Cát Linh-Hà Đông chạy qua sắp hoàn thành vào giữa 2016, khu đô thị Royal City đã đi vào hoạt động…

Khi có chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm, nhà máy ra khỏi trung tâm Thủ đô. Ngay lập tức mảnh đất hơn 6,2ha này đã lọt vào “tầm ngắm” của nhiều đại gia. Trong đó, đầu 2011 thị trường xôn xao với tin đồn Vincom (nay là Vingroup-PV) đầu dự án ở khu đất này, nhưng sau đó Vingroup đã phủ nhận thông tin này.

Dự án mà Vingroup đang lập kế hoạch triển khai là một “siêu đô thị” tương đương Royal City cũng nằm sát cạnh khu đất này tại địa chỉ số 233-235B Nguyễn Trãi trên khu đất 2 nhà máy Xà Phòng và Thuốc Lá Thăng Long.

Việc ai đứng sau dự án “đất vàng” này được quan tâm là bởi SRC không phải là nhà phát triển dự án bất động sản, hơn nữa SRC là công ty kinh doanh săm lốp nên thiếu kinh nghiệm và năng lực để tự đầu tư vào một dự án BĐS lớn.

Đến giữa năm 2012, thông tin đầu tư dự án “đất vàng” này chính thức được SRC đề cập tới và 2 cái tên là đối tác của SRC khi đó là Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty CP bất động sản Việt Hưng khi công ty này có chủ trương hợp tác đầu tư.

Theo phương án mà SRC trình các cổ đông khi đó thì đối tác sẽ hỗ trợ di dời nhà máy với kinh phí 720 tỷ đồng, tương đương khoảng 12,4 triệu đồng/m2, theo SRC là ngang với giá một số dự án xung quanh.

Tuy nhiên, phương án này đã vấp phải sự phản đối của cổ đông lớn nhất khi đó nắm 51% SRC là Tập đoàn Hóa Chất, với nhiều lý do được đưa ra là chưa định giá rõ khu đất, chưa thẩm định được năng lực của đối tác, tính khả thi của liên doanh…

Chính vì thế dự án “đất vàng” Cao Su Sao Vàng không có động thái nào khác từ đó đến nay, do không có sự đồng thuận trong cổ đông nội bộ. ĐHCĐ năm 2013 SRC thông tin là khu đất vẫn đang được cho 23 đơn vị, cá nhân thuê đất với doanh thu khoảng 10 tỷ mỗi năm.

Khu đất vàng Cao Su Sao Vàng gần nhiều dự án đô thị lớn, bám sát tuyến metro.

Đứng sau “đất vàng” Cao Su Sao Vàng là ai?

Gần đây thị trường địa ốc khởi sắc, hàng loạt dự án trong trung tâm nội đô được khởi đông xây dựng. Điều này dường như càng làm cho các cổ đông của SRC sốt ruột với dự án này. Càng để lâu cơ hội sẽ trôi qua, vì thế, mới đây SRC đã ký thỏa thuận hợp tác với VietinBank thu xếp khoản tín dụng khoảng 3.100 tỷ đồng, bằng 80% tổng dự toán di dời nhà máy để triển khai dự án.

Khi đó, nhiều thông tin cho rằng nếu không phải Vingroup thì chắc hẳn phải có “ông lớn” nào đó thâu tóm khu đất vàng này, có thể là FLC Group, T&T, BRG,…những tập đoàn ưa thích M&A dự án, hoặc thâu tóm cổ phần ở những đơn vị IPO trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, thật bất ngờ khi đối tác mà SRC vừa công bố lại hoàn toàn ngoài dự đoán của nhiều người. Không phải những tập đoàn lớn có uy tín phát triển dự án BĐS mà lại là công ty ít được biết đến trong lĩnh vực địa ốc, đó là CTCP Tập đoàn Hoành Sơn. Điều đặc biệt là công ty này có trụ sở tại Tổ dân phố Thuận Minh - Thị xã Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh.

Qua tìm hiểu được biết, Hoành Sơn là một công ty tư nhân thành lập cách đây 10 năm với số lao động ban đầu chỉ 10 người. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển đến nay công ty này đã có 5 công ty con, doanh thu hàng năm khoảng 2000 tỷ đồng.

 

Công ty có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do ông Phạm Hoành Sơn sinh năm 1972 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh là Chủ tịch HĐQT. Những dự án mà Hoành Sơn đầu tư phần lớn ở Hà Tĩnh và Miền Trung. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là thương mại, vận tải, xây dựng hạ tầng khu kinh tế Vũng Áng, cảng biển…

Đơn cử như dự án hệ thống cấp nước cảng Vũng Áng 5.000 tỷ, Dự án Cảng biển quốc tế công suất xếp dỡ trên 3 triệu tấn/năm, Dự án xây dựng nạo vét khu neo đậu tránh trú bão tàu biển Cửa khẩu Hà Tĩnh,…mới đây là dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (Vũng Áng) tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, và một số dự án nhà máy phân lân…

Với đối tác đầu tư mà SRC vừa công bố, dự án “đất vàng” Cao Su Sào Vàng không phải là một nhà phát triển dự án BĐS chuyên nghiệp về đầu tư chung cư, thương mại, văn phòng, nhà cao tầng…Nên còn nhiều ý kiến cho rằng tương lai của đại đô thị này vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Theo Tri Thức Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo