Hỗ trợ doanh nghiệp

Kiểm toán Nhà nước thừa nhận gây “khổ” cho doanh nghiệp

Thực tế cho thấy sự trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã gây khá nhiều khó khăn, phiền phức cho các doanh nghiệp, đơn vị.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

 

Những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay đã được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước công bố cụ thể, chi tiết tại buổi họp báo kế hoạch kiểm toán năm 2015 của toàn ngành diễn ra mới đây.

Và theo tiết lộ đầy phấn khởi của ông Cao Tấn Khổng - Phó tổng Kiểm toán Nhà nước thì “năm nay chưa có trường hợp nào xin không kiểm toán, tất cả đều đồng thuận và rất muốn kiểm toán nhưng điều “trăn trở” là Kiểm toán Nhà nước lại không thể đáp ứng hết”.

Năm 2015, các quỹ nhà nước ngoài ngân sách như Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Môi trường than khoáng sản và Quỹ Thăm dò cũng sẽ thuộc diện kiểm toán năm nay của cơ quan chức năng. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Bùi Đức Thụ thì đó đều là vốn tài sản của Nhà nước, là đối tượng của Kiểm toán Nhà nước đã được quy định trong luật hiện hành và sửa đổi dự kiến được thông qua trong kỳ họp thứ 9 tới. Hơn thế nữa, tỷ trọng thu chi của các quỹ này khá cao. Hiện tại, đối tượng kiểm toán là toàn bộ vốn, tài sản của nhà nước, kể cả trong ngân sách và ngoài ngân sách.

Tuy nhiên, trong năm 2014 việc kiểm toán các quỹ tài chính ngoài ngân sách lại chưa được nhiều, bởi năng lực kiểm toán tăng lên nhưng đối tượng kiểm toán cũng tăng lên theo là rất lớn. Ông Thụ lấy ví dụ về việc hiện nhiều có quá nhiều quỹ trùng lặp nhiệm vụ thu chi ngân sách như Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá hay một số quỹ trong ngành khoa học công nghệ.

Ông Thụ cũng chỉ ra thực tế, nhiều loại quỹ "cài" vào trong nhiều luật hiện hành. “Chúng tôi đã đề nghị tất cả những vấn đề về tài chính ngân sách nên quy định vào trong luật tài chính ngân sách. Hiện tại, Ủy ban thường vụ Quốc hội đang tiếp thu ý kiến giải trình để loại bỏ những quỹ có nhiệm vụ thu chi trùng với ngân sách nhà nước. Sắp tới, phạm vi kiểm toán sẽ được mở rộng ra đối với các quỹ tài chính nhà nước”, ông Thụ cho biết.

Ở một khía cạnh khác, Vị lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước lý giải: “Sở dĩ tất cả các nước tiên tiến thực hiện kiểm toán hoạt động mạnh mẽ bởi họ đã ra đời hàng trăm năm, chúng ta mới ra đời được 20 năm. Tuy nhiên, không phải vì mới ra đời mà cứ để non kém. Năm nay chúng tôi mạnh dạn đưa ra kiểm toán hoạt động. Nếu thay đổi được một chính sách hay thói quen lãng phí thì sẽ mang lại nhiều lợi ích. Do vậy, cần phải có nhân lực am hiểu mọi vấn đề về chính sách, thực tế địa phương, như một chuyên gia”.

Trước băn khoăn về sự trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, ông Khổng thừa nhận có việc trùng lặp đó và “sự thật là đã gây khổ cho doanh nghiệp”. Sở dĩ có việc này là bởi thẩm quyền và chức năng của từng đơn vị đã được cấp trên giao cho và tất cả đều lên kế hoạch cho hoạt động của mình. “Do đó, trong thời gian qua cũng có cái chúng tôi kiên quyết làm, có cái chúng tôi cũng rút lui. Kiểm toán Nhà nước đã ký thỏa thuận với bên Thanh tra Chính phủ để tránh trùng lặp giữa hai bên”, ông Khổng nói.

Được biết, theo quy chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước thì chậm nhất vào ngày 15/11 hàng năm, trước khi ban hành Kế hoạch kiểm toán và Kế hoạch thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ gửi dự thảo Kế hoạch kiểm toán và Kế hoạch thanh tra của năm tiếp theo cho nhau để trao đổi ý kiến. Trường hợp kế hoạch Kiểm toán, Kế hoạch thanh tra có sự trùng lắp về đơn vị được kiểm toán, đối tượng thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ phối hợp để thống nhất xử lý phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan.

Bên cạnh đó, trường hợp cần thiết, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ có thể trao đổi, sử dụng kết quả kiểm toán, thanh tra thể hiện trong Báo cáo kiểm toán, Kết luận thanh tra để làm căn cứ xem xét, đánh giá việc tuân thủ chính sách, pháp luật của đơn vị được kiểm toán, đối tượng thanh tra. Cơ quan sử dụng kết quả đã được kết luận chính thức qua hoạt động kiểm toán, thanh tra phải tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng kết quả kiểm toán, thanh tra.

“Về mặt luật pháp, kiểm toán có quyền phủ quyết nhưng còn có những vấn đề “tế nhị” nên cần uyển chuyển trong vấn đề này”, ông Khổng cho hay.



 

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo