Hỗ trợ doanh nghiệp

Kiến càng mang vũ khí hạng nặng đấu với voi

Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) được ví như chú kiến càng sẽ đi trước con voi như Vinamilk, TH True Milk... khi được trang bị vũ khí hạng nặng là tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm điều hành từ các nhà đầu tư tên tuổi.

Ván bài chia ba

Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF, thuộc Tập đoàn VinaCapital), Công ty Daiwa PI Partners (Nhật Bản) vừa công bố cùng nhau rót 45 triệu USD để nắm giữ 70% cổ phần của Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) và trở thành cổ đông lớn tại công ty sữa này. 30% cổ phần còn lại sẽ do ông Nguyễn Tuấn Khải, nguyên Chủ tịch HĐQT và các thành viên trong gia đình nắm giữ. Trong thương vụ này, riêng Quỹ VOF góp 36 triệu USD.



Tham vọng của IDP là nằm trong top 5 doanh nghiệp lớn nhất của ngành sữa tại Việt Nam
 


Đây là một thương vụ được hoàn tất sau những tháng ngày vất vả và ván bài đang được chia đều cho ba người chơi. Nếu IDP có tiềm năng về sữa và hiểu về sữa, thì VinaCapital lại giỏi quản trị tài chính và Daiwa có các mối quan hệ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp ngành sữa của Nhật Bản.

IDP - VinaCapital - Daiwa là thương vụ đầu tiên tại Việt Nam của Daiwa PI Partners. Theo ông Go Fujiyama, Trưởng bộ phận Đầu tư nước ngoài của Daiwa PI Partners, có 5 yếu tố để Công ty quyết định đầu tư vào IDP.

Thứ nhất là về con người. IDP có những con người giàu kinh nghiệm trong ngành sữa và biết đưa thương hiệu thành công trong 10 năm qua. VinaCapital cũng có kinh nghiệm đầu tư ở Việt Nam, đem lại sự tin tưởng cho Daiwa trong thương vụ này.

Thứ hai là về sản phẩm. Cạnh tranh trên thị trường sữa hiện nay khốc liệt, nhưng IDP vẫn có chiến lược, tạo dựng được thị phần trong phân khúc sản phẩm sữa chua tại Việt Nam và bắt đầu tham gia phân khúc sản phẩm dành cho trẻ em và đã tạo ra phân khúc thị trường mới. Đặc biệt, sự hợp tác có thể tận dụng mạng lưới đối tác, giúp IDP phát triển như các công ty trong ngành sữa ở Nhật Bản.

Thứ ba là tiềm năng thị trường Việt Nam. Thị trường sữa ở Nhật Bản đã tăng trưởng rất mạnh, với mức tiêu thụ trung bình về các sản phẩm sữa trên đầu người là 12 kg/năm, tăng lên gấp đôi 28,8 kg/năm vào năm 1970 và đến năm 2010 đã tăng vọt lên 46,6 kg/năm. Trong khi đó, con số hiện nay ở Việt Nam là 12-14kg/năm, nhỉnh hơn mức tiêu thụ trên đầu người của Nhật Bản của những năm 1960.

Thứ tư là về lợi nhuận. IDP đang phải đầu tư rất nhiều cho tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, Daiwa thấy lợi nhuận sẽ tăng trong một vài năm tới, vì sản phẩm khi thiết lập được sự vững chắc trên thị trường thì sư cạnh tranh sẽ giảm đi.

Thứ năm là định giá doanh nghiệp. Đây là điều các nhà đầu tư cân nhắc kỹ. Tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của IDP rất hấp dẫn.

Trong khi đó, đối với VinaCapital, đây là thương vụ giống như bất kỳ thương vụ nào mà quỹ này đã tham gia. Tuy nhiên, họ đang kỳ vọng sẽ tạo nên phi vụ đầu tư thành công không kém cạnh so với thương vụ với ông lớn Vinamilk. “Thông thường, Quỹ kỳ vọng lợi nhuận cho các khoản đầu tư từ 30%/năm trở lên. Nhưng với IDP, chúng tôi hy vọng khoản đầu tư này sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều”, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital cho hay.

Hiện VinaCapital vẫn còn nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu Vinamilk, nên các cổ đông của IDP lo sợ điều này sẽ ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của IDP khi VinaCapital là cổ đông chi phối. Song ông Andy cho biết, dù Vinamilk vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của Quỹ, nhưng VinaCapital không còn tham gia các chức vụ trong HĐQT của Vinamilk, nên việc giữ cổ phiếu Vinamilk không đem lại lợi thế hay mâu thuẫn gì khi Quỹ tham gia đầu tư vào IDP.

“IDP quá nhỏ so với Vinamilk và trong bối cảnh cơ hội và quy mô thị trường sữa là rất lớn, nên nếu IDP tăng trưởng thành công, thì cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến Vinamilk”, ông Andy Ho nói.

Vinamilk và TH Milk là những doanh nghiệp đứng đầu trong ngành sữa. Tham vọng của IDP là nằm trong top 5 doanh nghiệp lớn nhất của ngành sữa tại Việt Nam và thu hẹp khoảng cách so với các doanh nghiệp lớn này.

Có mặt tại buổi công bố thương vụ đầu tư tại TP.HCM, ông Nguyễn Tuấn Khải, người sáng lập và nguyên Chủ tịch HĐQT IDP không giấu nổi cảm xúc. Ông chia sẻ, 10 năm qua, IDP đã phát triển rất may mắn. Nguyện vọng của ông và các cổ đông là trong tương lai, IDP phải ở vị trí rất cao, ít nhất ở Việt  Nam, Đông  Nam Á, châu Á.

Chú kiến biết gom vũ khí tốt

IDP đang khép lại quá khứ 10 năm có mặt trên thị trường và muốn gom nhiều vũ khí tốt để đi theo cách của chú kiến bé nhỏ, tức là lao vào cuộc chơi để định nghĩa lại những gì mà các chú voi như Vinamilk và TH True Milk tạo nên. Theo đó, IDP phải đưa người tiêu dùng và khách hàng vào trung tâm của mọi kế hoạch, chiến lược của mình trong thời gian tới.

“Chúng tôi đặt cược giữa việc lựa chọn những con người lâu năm trong ngành sữa và những con người trẻ tuổi. Cuối cùng, tôi đã đặt tất cả niềm tin vào đội ngũ những người trẻ ở IDP. Dù họ thiếu kinh nghiệm, nhưng họ dám dấn thân, dám nghĩ, dám hành động và chịu trách nhiệm”, ông Trần Bảo Minh, Tổng giám đốc IDP - người nổi như cồn trong ngành sữa, thực phẩm tiêu dùng trong 15 năm qua và cũng là người đóng vai trò quan trọng nhất trong thương vụ đầu tư này - chia sẻ.

Năm 2014, tổng doanh số của toàn ngành sữa nước ước đạt 1,5 tỷ USD. Trong đó, doanh số của IDP đạt 80 triệu USD, còn lại thuộc về Vinamilk, THMilk, FrieslandCampina Việt Nam và một vài tên tuổi nhỏ bé khác, như Mộc Châu, Lothamilk,Vixumilk, Hanoi milk, Dalatmilk và Nutifood mới gia nhập thị trường, với bệ đỡ của bầu Đức.

Theo ông Minh, những tên tuổi lớn về tiềm lực tài chính đã nắm mọi ngóc ngách thị trường. Họ có các dòng sản phẩm từ sữa bột, sữa nước, sữa tươi, sữa hoàn nguyên, sữa đặc, sữa chua cho trẻ em và người lớn, sữa chức năng… Do đó, IDP muốn phát triển thị trường nhanh nhất thì phải kết hợp giữa việc ra sản phẩm có chất lượng tốt và tạo cảm hứng cho người uống.

Được biết, tháng tới, IDP sẽ công bố hợp tác chiến lược với công ty sữa của Nhật Bản về công nghệ hiện đại, sự hỗ trợ của các chuyên gia dinh dưỡng, nhằm tạo ra sản phẩm đi trước một bước so với đối thủ lớn trên thị trường. “Nếu IDP là doanh nghiệp nhỏ như kiến so với đối thủ lớn như voi là Vinamilk hay TH True Milk, thì phải đi trước và tránh xa ra, chứ đi gần là bị dẫm chết. Chúng tôi sẽ liên tục mở mặt trận mới bằng những sản phẩm mới”, ông Minh cho biết.

Giờ đây, tiềm lực tài chính đã trở thành công cụ để IDP đột phá trên thị trường. Tuy nhiên, IDP cần đi cùng với các thương hiệu lớn thế giới cả về hình tượng quảng cáo, uy tín thế giới về dinh dưỡng, năng lực sản phẩm. Đó là lý do vì sao, IDP chọn một trong ba dòng sản phẩm của mình là Love’in Farm KUN dành cho trẻ em trở thành thương hiệu đại diện độc quyền của đội bóng Liverpool tại Việt Nam trong năm 2015.

Hiện IDP có 2 nhà máy sản xuất tại Ba Vì và Củ Chi, được coi là 2 vùng nguyên liệu sữa tươi lớn nhất tại Việt Nam. IDP đang hợp tác với hơn 2.000 hộ nông dân để thu mua hơn 75 tấn sữa nguyên liệu/ngày. IDP có 3 thương hiệu sữa, gồm: Love’in Farm, Ba Vì và Love’in Farm KUN. Trong đó, sữa chua ăn chiếm trên dưới 15% thị phần trên cả nước, nhưng chủ yếu ở phía Bắc, chiếm tới trên 30%. IDP kỳ vọng, sản lượng sữa chua trong vòng 2 năm tới sẽ tăng gấp đôi so với năm 2013, từ dưới 15% lên 25%.

Về tăng trưởng, mặc dù các công ty trong ngành sữa bị giảm sâu, nhất là trong những tháng cuối năm 2014, nhưng IDP vẫn tăng 45%. “Tôi có thể thành công hay thất bại, do tôi đặt con số quá cao, nhưng không vì thế mà tôi chỉ đặt mục tiêu thấp. Năm 2015, tôi vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng của toàn công ty ít nhất 60%. Tất cả chiến lược của chúng tôi đặt ra tại thời điểm này đều nhằm đạt mục tiêu đó”, ông Minh cho biết.

Như vậy, với chiến lược khá rõ ràng, ông Nguyễn Tuấn Khải cùng con trai của mình không hề có ý định bán nốt 30% cổ phần còn lại để rời bỏ IDP. “Trong quãng đời còn lại, tôi có tham vọng sẽ làm ra nhiều sản phẩm tốt cho trẻ em Việt Nam, nhưng biết đâu đấy, cơ hội đến thì phải biết nắm lấy”, đó là chia sẻ đầy cảm động của doanh nhân trên 70 tuổi Nguyễn Tuấn Khải, nhưng cũng ẩn chứa những toan tính không thể tránh được trong cuộc chơi tài chính với các quỹ đầu tư, tức là có lợi thì sẽ bán.

Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo