Hỗ trợ doanh nghiệp

Kim ngạch thương mại Việt Nam-Hàn Quốc năm 2012: Hướng tới ngưỡng 20 tỷ USD

Dự báo, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 giữa Việt Nam và Hàn Quốc có thể đạt tới 20 tỷ USD.

Tại Hội thảo “Cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI ) Chi nhánh Cần Thơ tổ chức mới đây, ông Byn Dong Ook, Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, năm 2012 là năm kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.

 

Năm 1992, năm đầu tiên thiết lập ngoại giao, kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia chỉ đạt 500 triệu USD, nhưng đến năm 2011, con số này đã đạt 18,5 tỷ USD, tăng tới 37 lần.

 

Ông Byn Dong Ook cũng thừa nhận, sản xuất nông nghiệp của Hàn Quốc đang có xu hướng bị co hẹp, do đó, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm lương thực, nông, thủy, hải sản chiếm tỷ trọng khá cao so với sản xuất trong nước.

 

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế để xuất khẩu gạo, thủy, hải sản... sang Hàn Quốc. Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu 50.000 tấn gạo/năm và đang xem xét mua gạo Việt Nam.

 

Ông Byn Dong Ook cũng lưu ý đến chi tiết người Hàn Quốc thường thích ăn các giống gạo thơm, không gãy vụn, nấu lên dẻo cơm. Trong khi đó, gạo Việt Nam, do quá trình thu mua trộn lẫn nhiều giống lúa với nhau, nên sau khi xay xát, chất lượng gạo thường không đồng nhất. Đây là điểm yếu mà Việt Nam cần khắc phục nếu muốn xuất khẩu gạo sang thị trường Hàn Quốc.

 

Theo số liệu từ VCCI, năm 2011, Hàn Quốc chính thức vượt qua Nhật Bản trở thành nước cung cấp hàng hóa lớn thứ hai cho thị trường Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Nhập siêu năm 2011 của Việt Nam với Hàn Quốc là 8,49 tỷ USD, mức cao thứ hai chỉ sau với Trung Quốc.

 

Cụ thể, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt gần 5 tỷ USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia này là hơn 13 tỷ USD. Hiện có 8 trong số 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có quan hệ mậu dịch với Hàn Quốc, song tổng giá trị mới chỉ chiếm 2,5% giá trị giao dịch thương mại giữa hai nước.

 

Các sản phẩm có xuất xứ tại Đồng bằng sông Cửu Long xuất sang Hàn Quốc, gồm thủy, hải sản, nấm rơm, dừa trái, sản phẩm từ dừa.

 

Ông Jang Jin, Thương vụ, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc chỉ mới đầu tư vào các tỉnh gần sát với TP.Hồ Chí Minh do dễ vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, dễ tìm nguồn nhân lực...

 

Ông Nguyễn Sơn, đại diện Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (Bộ Công thương) cho biết, thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc, hiện tại Hàn Quốc đã gỡ bỏ 90% tổng số dòng thuế thông thường và đang lần lượt cắt giảm tiếp 10% còn lại.

 

Việt Nam  cũng đã thực hiện đúng cam kết giảm thuế suất thuế nhập khẩu 60% mặt hàng trong danh mục thông thường xuống còn 0-5% và tiến tới sẽ gỡ bỏ hoàn toàn trước ngày 1/1/2016.

 

 

Cơ quan quản lý thương mại của hai quốc gia cũng đã tạo điều kiện dễ dàng cho doanh nghiệp trong việc cấp C/O, kê khai thủ tục hải quan qua mạng. Chính phủ hai nước đàm phán tiến tới ký Hiệp định Thương mại song phương nhằm thúc đẩy thương mại-đầu tư hai nước phát triển mạnh mẽ hơn.
 
 
 
“Mục tiêu thương mại hai nước đạt 20 tỷ USD được đặt ra cho đến năm 2015, nhưng nhiều khả năng, có thể đạt được ngay trong năm nay. Kim ngạch thương mại mà hai quốc gia đang nhắm đến năm 2015 là con số 25 tỷ USD”, ông Sơn nói.

 

Theo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo