Kinh doanh và tiêu dùng

Doanh nghiệp 'chây ì', chưa giảm giá lợn xuất bán

Mặc dù Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo phải giảm giá thịt lợn, thế nhưng hiện doanh nghiệp ngành chăn nuôi vẫn xuất bán lợn hơi tại cửa chuồng với giá trên 80.000 đ/kg.

Nguồn cung thịt lợn tăng cao từ tháng 2 / Giá nông sản tăng trở lại

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc ngày 13/2, không chỉ bàn về công tác thú y, mà kiểm soát giá thịt lợn cũng là một trong những nội dung quan trọng.

Trong tuần này phải giảm giá lợn xuống dưới 75.000 đ/kg

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu vấn đề: đầu năm 2019, trước ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, giá lợn xuống quá thấp, Bộ NN&PTNT, các bộ ngành, truyền thông đã cùng vào cuộc để “giải cứu”, kêu gọi người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn... Với sự đồng hành của toàn xã hội, giá thịt lợn đã tăng lên và sau đó liên tục tăng cao. Đặc biệt, giá thịt cao trên 80.000 đ/kg, có lúc hơn 90.000 đ/kg đã duy trì kéo dài suốt từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay.

Nguồn cung thịt lợn cho cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 4 triệu tấn (Ảnh: Internet)
Nguồn cung thịt lợn cho cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 4 triệu tấn (Ảnh: Internet)

Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo phải giảm giá thịt lợn, tuy nhiên đến nay, giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức quá cao, trên 80.000 đ/kg. Trước khi tổ chức Hội nghị này, Bộ NN&PTNT đã gửi công văn mời lãnh đạo các doanh nghiệp lớn (C.P Việt Nam, Dabaco, Mavin...) đến dự, và thông báo trước là trong nội dung hội nghị còn bàn tới giải pháp nhằm giảm giá thịt lợn. Thế nhưng, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đều vắng mặt tại cuộc họp. Chỉ có đại diện duy nhất của khối các doanh nghiệp là Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam đến dự.

“Hiện mỗi ngày, Công ty C.P Việt Nam xuất chuồng trên 17.000 đầu lợn thịt, chiếm tới trên 10% thị phần của thị trường, ngoài ra còn có các doanh nghiệp lớn như Dabaco, Mavin… Hiện, giá thành sản xuất lợn hơi bình quân ở mức cao nhất trong tình hình chi phí phòng dịch bệnh tăng cao cũng chỉ xoay quanh 40.000 đ/kg lợn hơi, trong khi các doanh nghiệp xuất chuồng với giá bình quân tới 80.000 đ/kg, lãi quá cao! Tại sao khi giá lợn thấp, người chăn nuôi và doanh nghiệp thua lỗ thì kêu Bộ ra giải cứu, nhưng khi giá cao, các doanh nghiệp lại không bớt lợi nhuận để chia sẻ với người tiêu dùng?”, ông Tiến bức xúc.

Đại diện Công ty C.P Việt Nam cho biết thời gian qua, Công ty đã nhiều lần họp bàn đề cố gắng giảm giá thịt lợn. Thực tế, giá bán lợn hơi của Công ty hiện chỉ còn 79.500 đ/kg, tức là thấp hơn 500 đồng/kg so với giá bán của các doanh nghiệp khác.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra “tối hậu thư” yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong ngành ngay trong tuần này phải giảm giá lợn xuất chuồng xuống mức 75.000 đ/kg.

 

Theo ông Cường, giá bán sản phẩm cao hay thấp thường do cung - cầu quyết định và thị trường tự điều tiết, nhưng doanh nghiệp đừng nghĩ thích bán giá nào cũng được. Nếu bán giá cao quá, sẽ gây bất ổn sản xuất, người chăn nuôi thấy lãi quá cao sẽ đổ vào nuôi nhiều bất chấp nguy cơ rủi ro dịch bệnh, sẽ khiến toàn ngành chăn nuôi sụp đổ. Giá cao, khiến nông dân tham lợi, lợn nái què cũng để làm giống sẽ sinh sản ra đàn lợn kém chất lượng!

“Vấn đề giá thịt lợn, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đều đã có chỉ đạo phải giảm bằng được. Phải bảo vệ thị trường bền vững, tôi khuyến nghị doanh nghiệp giảm giá ngay lập tức. Nếu doanh nghiệp không chịu giảm giá thì chúng ta có luật, Bộ sẽ rà soát những ưu đãi trước đó mà doanh nghiệp được hưởng để tiến hành thay đổi. Còn doanh nghiệp nào thực hiện tốt việc giảm giá sẽ được biểu dương ngay. Nếu vẫn cố tình neo giá lợn ở mức cao, Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan sẽ rà soát kiểm tra, căn cứ vào các luật định cũng như quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh để có đủ cơ sở pháp lý buộc xử lý, xử phạt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Đến tháng 10/2020, chăn nuôi lợn sẽ ổn định

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả nước năm 2019 đạt gần 3,29 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018. Trong đó, sản lượng thịt lợn trong quý IV giảm nhiều do tháng 5 và 6/2019 là tháng cao điểm của dịch tả lợn châu Phi. Từ cuối năm 2019 đến nay, nhiều trang trại, doanh nghiệp đã tập trung tái đàn và từ tháng 1/2020 đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn. Tại thời điểm tháng 12/2019, tổng đàn lợn của cả nước trên 24 triệu con, giảm 11,5%, trong đó đàn nái còn trên 2,7 triệu con.

Với số lượng đàn nái như trên, việc tái đàn lợn sẽ vẫn chủ động được nguồn cung con giống. Dự báo số lượng đầu lợn sẽ tăng nhanh từ tháng 2 và nguồn cung thịt lợn cho cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 4 triệu tấn, gần tiệm cận với mức sản lượng thịt lợn hàng năm.

 

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội,trên địa bàn TP Hà Nội, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn đã và đang tăng tốc tái đàn, nâng số đầu lợn tăng lên. Tuy nhiên, xảy ra tình trạng nhiều hộ chăn nuôi tái đàn nhưng không khai báo. Trong năm 2019, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã lập biên bản xử phạt hành chính 105 hộ nuôi (với hơn 6.000 con lợn) do tái đàn không đúng quy định.

Ông Nguyễn Viết Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang cho hay, hiện 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã qua ít nhất 65 ngày không xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Theo kế hoạch, trong năm 2020, tỉnh Bắc Giang sẽ nâng tổng đàn lợn từ 819.000 con lên khoảng 1 triệu con. Trước đây, các trang trại, gia trại chỉ nuôi lợn đạt trọng lượng 90kg đến 1 tạ là xuất bán. Nhưng, giá lợn đang rất cao nên bà con nuôi vỗ lên 1,2 - 1,5 tạ mới bán. Do đó, sản lượng thịt lợn trên địa bàn Bắc Giang vào thời điểm hiện nay đã đạt mức tương đương năm 2018.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, dịch tả lợn châu Phi đã qua thời kỳ phát bệnh, các doanh nghiệp, người dân đã thực hiện các biện pháp khống chế tốt. Từ tháng 10/2019 đã có chủ trương tái đàn, tốc độ tái đàn nhanh, bài bản, yêu cầu đăng ký để đảm bảo điều kiện. Tốc độ tái đàn tăng rất nhanh, đến nay lợn tái đàn đã được xuất bán ra thị trường. Ở các địa phương quy mô hộ nuôi 100-200 con có những nơi tái đàn lần thứ 2.

“Cố gắng tháng 10 năm nay, ngành chăn nuôi lợn sẽ ổn định giống như thời điểm trước khi có dịch. Song, bản chất sẽ thay đổi, số hộ chăn nuôi giảm đi, đàn lợn giảm nhưng sản lượng thịt lợn lại tăng, hộ nuôi lớn nhiều, hộ nuôi nhỏ lẻ ít tham gia. Các doanh nghiệp chăn nuôi, hộ chăn nuôi lớn đều đi theo hướng an toàn sinh học", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm