Bất động sản công nghiệp Việt Nam đối diện nhiều thách thức dài hạn
Đà Nẵng – Quảng Nam: Hạn hán, xâm nhập mặn sớm đe dọa sản xuất nông nghiệp / Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, an toàn đến cuối mùa cạn
Savills Việt Nam cho biết, theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam, hiện có khoảng 563 KCN với tổng diện tích 210.900ha. Theo nhận định của chuyên gia Thomas Rooney - Quản lý cấp cao dịch vụ tư vấn công nghiệp trong báo cáo vừa được Savills Việt Nam công bố ngày 7/4, bên cạnh bất động sản văn phòng thì triển vọng của bất động sản công nghiệp Việt Nam đang là một điểm sáng trong năm 2023.
Nguồn nhân lực có tay nghề cao đang là một trong các thách thức dài hạn đối với phát triển thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên ông Thomas cũng cho rằng thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại một số thách thức dài hạn đối với khách thuê, đặc biệt là về lao động có tay nghề và cơ sở hạ tầng. Ông chia sẻ, Việt Nam có lực lượng lao động lớn, nhiều khoản đầu tư sản xuất mới và nền kinh tế đang tiến lên chuỗi giá trị nhưng vẫn thiếu nguồn cung lao động có tay nghề cao.
Vì vậy, chuyên gia này khuyến nghị khi thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Chính phủ cần bảo đảm chất lượng và số lượng lao động có tay nghề cao không quá chênh lệch so với các thị trường trong khu vực. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam đã vạch ra kế hoạch cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận đào tạo, song đây không phải là điều có thể làm trong một sớm một chiều.
Cùng với đó, Savills Việt Nam lưu ý việc cải thiện cơ sở hạ tầng cũng là một yêu cầu bắt buộc để thu hút đầu tư. Để phục vụ cho phát triển thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam thì khu vực phía Nam đang rất cần được cải thiện mạng lưới giao thông tiện lợi hơn, đặc biệt là đường bộ. Đầu tháng 1/2023, 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam đã được khởi công đồng loạt. Dự án có tổng chiều dài 729km đi qua 15 tỉnh, thành với tổng mức đầu tư 147 nghìn tỷ đồng.
“Dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển quan trọng, kết nối các tỉnh và mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội. Trong tương quan với các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước đã chi khá lớn để phát triển cơ sở hạ tầng (5,8% tổng GDP), tuy nhiên các dự án về đường cao tốc, cảng nước sâu và cảng dịch vụ cần được cải thiện thêm”, chuyên gia Thomas Rooney nhận định.
Đối với thách thức về cải thiện chất lượng đội ngũ lao động, ông ghi nhận Chính phủ Việt Nam đang cho thấy nhiều nỗ lực trong cải cách hệ thống giáo dục nhằm nâng cao tay nghề lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Việt Nam cần tập trung áp dụng khoa học – công nghệ và cải thiện nguồn nhân lực chất lượng để thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế trong tương lai”, ông Thomas Rooney khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo