Bình Định: Phát triển kinh tế, giảm nghèo tại Vĩnh Thạnh
Liên minh HTX tỉnh Điện Biên giúp xã Na Ư xóa đói, giảm nghèo / Hòa Bình: HTX hỗ trợ người dân giảm nghèo
Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ đã góp phần làm thay đổi bộ mặt huyện miền núi Vĩnh Thạnh, cải thiện đời sống người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Tập trung 3 mũi nhọn
từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, huyện Vĩnh Thạnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xóa nhà ở đơn sơ, đào tạo nghề, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi cho người dân địa phương phát triển sản xuất.
Anh Lê Văn Cù (xã Vĩnh Hòa) cho biết nhờ vào chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều người đã được hỗ trợ định canh định cư. Địa phương đã đầu tư xây dựng nhà rông, làm đường bê tông, xây dựng kênh mương tưới tiêu, việc đi lại, sản xuất thuận lợi, nên đời sống của bà con đỡ vất vả hơn trước.
Vĩnh Thạnh là huyện miền núi, với 8/9 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số (ÐBDTTS) sinh sống, chủ yếu là dân tộc Bana, chiếm hơn 29% dân số, sống tập trung tại các làng; ngoài ra còn có các thành phần DTTS sinh sống xen kẽ. Xuất phát từ đặc điểm này, huyện xác định phát triển kinh tế xã hội vùng ÐBDTTS, trong đó tập trung vào 3 mũi nhọn chính: làm lúa nước, trồng rừng và chăn nuôi bò, nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân.
Chủ trương của huyện là làm sao mỗi người dân, nhất là ÐBDTTS, phải có một phần diện tích lúa nước nhất định để chủ động cái ăn tại chỗ. Huyện đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng những công trình thủy lợi nhỏ, phát triển nhanh diện tích lúa nước. Hiện nay, mỗi xã miền núi có từ 20 ha đến hơn 200 ha lúa nước. Xã Vĩnh Kim là địa phương có diện tích lúa nước thấp nhất cũng được hơn 20 ha.
Từ việc đẩy mạnh phát triển diện tích lúa nước, chuyển giao tiến bộ KHKT, đưa các giống lúa lai vào sản xuất, nên năng suất lúa nước vùng ÐBDTTS đã đạt bình quân gần 60 tạ/ha, nhờ vậy tình trạng thiếu ăn giáp hạt đã không còn.Các hộ dân từng bước bảo đảm được cuộc sống.
Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh nghề chăn nuôi bò thịt, huyện chú trọng đầu tư nâng cấp chất lượng đàn bò. Từ nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình 30a và các dự án khác, người dân địa phương đã khai thác tiềm năng đồng cỏ, đất đai, chọn lọc con giống, cải tiến phương thức nuôi…, từng bước hoàn thiện quy trình chăn nuôi từ quảng canh đến bán thâm canh; hiện một bộ phận người chăn nuôi đã nuôi bò lai theo phương thức thâm canh cải tiến. Nhiều hộ đồng bào miền núi Vĩnh Thạnh đã có thu nhập từ 90-100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi bò thịt.
Phát triển nuôi cá nước ngọt
Đặc biệt mô hình nuôi cá nước ngọt cũng được huyện chú trọng nhằm phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp trong công tác giảm nghèo.
Tận dụng lợi thế lòng hồ thủy điện, người dân đã phát triển mô hình nuôi cá lồng. Đặc biệt tại xã xã Vĩnh Hảo, mô hình nuôi cá lồng đã thu hút 20 hộ nuôi cá lồng tại hồ Định Bình với 202 lồng nuôi, bình quân mỗi hộ nuôi 7 - 8 lồng. Năm 2018, sản lượng cá thu hoạch hơn 500 tấn, mỗi hộ nuôi thu nhập 80 - 100 triệu đồng/năm.
Bà Trần Thị Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo, cho hay: “Xã có diện tích đất sản xuất ít, chủ yếu là đất rừng. Bởi vậy nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi đã mở hướng phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng lên 18,5 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 47%”.
Hiện, huyện tiếp tục định hướng nghề nuôi cá lồng, nghề nuôi cá tại các ao, hồ nhỏ khác theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo điều kiện thực tế tại địa phương. Khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Để tiếp tục cùng người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, trong giai đoạn tới, chủ trương của huyện Vĩnh Thạnh là đầu tư tập trung vào lĩnh vực thủy lợi để đảm bảo sản xuất nông nghiệp, tiếp theo là lĩnh vực giao thông để đáp ứng nhu cầu thông thương, phát triển nông nghiệp hàng hóa của bà con trong huyện và liên huyện.
Thực tiễn đã cho thấy, các công trình có sử dụng nguồn vốn của Nghị quyết 30a đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn miền núi. Đặc biệt, trong bối cảnh chung của một huyện miền núi khó khăn, nguồn đầu tư từ chương trình đã đang và sẽ tiếp tục phát huy giá trị và đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện Vĩnh Thạnh trong những năm sắp tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt