Tạo đột phá, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Diễn đàn Mekong Startup: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo / Kinh tế ảm đạm phủ bóng Diễn đàn Davos 2023
Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 17/11/2022) về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phiên toàn thể diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Các ý kiến tập trung vào 4 báo cáo chính, gồm: Dự thảo những nội dung chủ yếu Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; thúc đẩy chuyển đổi số trở thành phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam; chuyển đổi xanh và bản sao số ở châu Âu và Việt Nam; tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo - những thách thức chính và giải pháp.
Phát biểu tại phiên toàn thể, ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng chương trình hành động.
Dự thảo được xây dựng trên tinh thần bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành theo lộ trình..
Dự thảo đã được đa số các thành viên Chính phủ đồng ý. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2023.
Trong dự thảo, Chính phủ dự kiến giao 23 chỉ tiêu cho các cơ quan của Chính phủ chủ trì, theo dõi, đánh giá theo định kỳ thời gian cụ thể. Đồng thời, dự thảo đưa ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Đó là giải pháp đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cùng với đó là phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, bền vững.
Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.
Riêng đối với giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ông Trung nhấn mạnh: “Ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đi trước một bước. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa, khu vực và toàn cầu, các cụm liên kết ngành với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn.
Phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Hoàn thiện các chiến lược về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực quốc gia phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo