Cần các diễn đàn kết nối nông sản chuyên biệt cho từng mặt hàng chủ lực
Hỗ trợ doanh nghiệp nông sản tiếp cận thị trường Mỹ, Trung Quốc / Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới mục tiêu trung tâm chế biến nông sản, phát triển bền vững
Tại buổi tổng kết, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) các địa phương đã đánh giá cao Diễn đàn kết nối nông sản 970 trong năm 2022, góp phần giải quyết nhiều vấn đề trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu, nhất là những thông tin về thị trường Trung Quốc.
Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai chia sẻ qua mỗi diễn đàn, địa phương nắm bắt rất tốt thị trường trong và ngoài nước cũng như yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường.
Cũng qua đây, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và cơ quan quản lý có cơ hội kết nối, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, năm 2022 giá trị xuất khẩu của Gia Lai tăng nhanh, đạt 690 triệu USD, trong đó riêng ngành hàng cà phê tăng giá trị xuất khẩu từ 350 triệu USD năm 2021 lên 490 triệu USD.
Nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, tỉnh Gia Lai tổ chức lại sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 233.000 ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic; 237.000ha cây trồng có liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.
Cùng với đó, Gia Lai từng bước hình thành các cánh đồng 1 giống có chất lượng và giá trị cao. Một số HTX đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu với đối tác xuất khẩu sang châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản.
Ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk cho rằng, cùng với công cuộc chuyển đổi số đang được triển khai rộng khắp trên nhiều lĩnh vực của đời sống, các hoạt động của Diễn đàn Kết nối nông sản 970 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến để tiêu thụ nông sản trong 2 năm qua có tác động lớn đến sản xuất và tiêu thụ nông sản của các địa phương.
Không chỉ cán bộ khối quản lý nhà nước mà nhiều doanh nghiệp, nông dân thấy gần gũi, thân mật, gắn bó hơn.
Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An đánh giá cao các Diễn đàn kết nối nông sản 970 đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu, nhất là những thông tin về thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Khanh kiến nghị các chủ đề thời gian tới của diễn đàn cần cô đọng, đi sâu hơn từ sản xuất, liên kết, tiêu thụ và cả chính sách để các địa phương có định hướng rõ ràng.
Theo ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, diễn đàn tập trung sâu hơn vào các sản phẩm mới được chấp thuận xuất khẩu chính ngạch như chuối, khoai lang, tổ yến…
Bởi, đây là nội dung cần có sự bám sát để thông tin và xử lý kịp thời các vấn đề, sự cố, đảm bảo sự thông suốt trong sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh đó, Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Tổ 970) cần có các diễn đàn phân tích sâu hơn về thị trường các nước, đặc biệt là Trung Quốc.
Là một trong những doanh nghiệp tham gia tiêu thụ lượng lớn rau quả trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đề xuất diễn đàn cần hoạt động ở mức độ cao hơn; tổ chức thực tế và cụ thể hơn đối với từng loại sản phẩm như: sầu riêng, chuối, xoài…
“Tổ 970 cần tổ chức các diễn đàn chuyên biệt để kết nối từng ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh, ví dụ như diễn đàn kết nối cung - cầu sầu riêng; diễn đàn tiêu thụ chuối; diễn đàn tiêu thụ xoài.
Bên cạnh những diễn đàn trực tuyến thì nên có cả diễn đàn trực tiếp tại những "thủ phủ" của sản phẩm đó để doanh nghiệp tiếp cận được nhiều thông tin hơn. Kết nối, tiêu thụ nông sản là chính, nhưng cũng cần kết nối với trồng trọt để đảm bảo giá sản phẩm ổn định. Bởi, khách hàng nước ngoài luôn mong muốn sự ổn định về giá cả", ông Khuê đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm đề nghị, các thông tin liên quan đến giá cả nông sản sẽ được Tổ 970 cập nhật thường xuyên để giúp doanh nghiệp có cơ sở tham chiếu trong từng thời điểm, qua đó giúp các nhà cung cấp thương thảo được mức giá sản phẩm phù hợp với đối tác và có sự ổn định.
Tại buổi tổng kết, một số địa phương đề nghị các diễn đàn có lịch tổ chức dự kiến sớm để kết nối được nhiều hơn các doanh nghiệp, đơn vị liên quan tham gia. Đồng thời, địa phương cũng phản hồi được những kiến nghị của các bên khi tham gia diễn đàn chính xác và cụ thể.
Trước những đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ NN&PPNT Trần Thành Nam nhấn mạnh, diễn đàn thành công cần có sự tham gia của tất cả các thành viên, từ sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất. Sự gắn kết xuyên suốt sẽ góp phần quan trọng cho hoạt động của diễn đàn phát huy hiệu quả.
Để đáp ứng mong đợi của các địa phương và doanh nghiệp, phải tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, quy mô của diễn đàn.
Ông Nam cũng cho rằng, năm 2022, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt hơn 53 tỷ USD. Tuy nhiên, những số liệu Bộ NN&PTNT cập nhật được trong tháng 1/2023 cho thấy sức mua một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, thủy sản, gỗ… của các thị trường đều có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm trước. Nếu không có giải pháp và chuẩn bị tốt để thích ứng với tình hình mới, chúng ta sẽ gặp phải vấn đề được mùa rớt giá.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị không nên tự hào, say sưa với chiến thắng của năm 2022.
“Trong năm 2023, diễn đàn cần vạch rõ kết hoạch tổ chức các diễn đàn định kỳ, trong đó có các diễn đàn cấp vùng, diễn đàn cấp tỉnh và diễn đàn kết nối cung cầu cho từng ngành hàng nông sản chủ lực. Có diễn đàn tổ chức trực tiếp tại thực địa, có diễn đàn tổ chức đột xuất để giải quyết những vấn đề mới phát sinh.
Đặc biệt, cần tổ chức các diễn đàn nhằm thông tin kết nối cung cầu đối với các thị trường chúng ta có thế mạnh, nhất là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Tại các diễn đàn trên, sự tham gia của tham tán thương mại ngành nông nghiệp là rất quan trọng, họ là sợi dây kết nối các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài gặp gỡ, hiểu nhau hơn”, ông Nam nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo