Thị trường

Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Phòng dịch COVID-19 nhưng phải duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh

DNVN – Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, đáng chú ý là các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, thương mại vận tải, xuất nhập khẩu.

Thừa Thiên Huế khuyến khích xã hội hóa hàng loạt dự án lớn trong năm 2020 / Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2020

Hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Tại Hội nghị bàn giải pháp khôi phục và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trong và sau dịch COVID-19, vừa diễn ra tại TP. Huế, báo cáo đánh giá ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đại Vui cho biết, trên địa bàn tỉnh, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, đáng chú ý là các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, thương mại vận tải, xuất nhập khẩu...

Đối với hoạt động du lịch, ảnh hưởng trực tiếp là từ tình trạng hủy tour, hủy phòng. Trong tháng 2/2020, lượng khách lưu trú ước đạt 171.000 lượt, giảm 5,7% (chủ yếu do khách nội địa, khách đến dự hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện,… hầu như hủy 100%). Các thị trường khách quốc tế có biến động lớn trong tháng 2/2020, trong đó: Hàn Quốc giảm 72,5%; Mỹ giảm 6,4%; Úc giảm 6,2%; Trung Quốc giảm 87,2%; Malaysia giảm 48,5%.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra tình hình sản xuất tại Công ty Hannex Huế

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra tình hình sản xuất tại Công ty Hannex Huế

Trong tình hình dịch COVID-19, một số cửa khẩu tạm thời ngừng hoạt động dẫn đến việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất bị ảnh hưởng. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2020 là 22,99 triệu USD, giảm 39,2% so với thực hiện tháng 1/2020, và giảm 12,89% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực vận tải ghi nhận sự sụt giảm do lượng khách là học sinh, sinh viên được nghỉ học để phòng chống lây lan dịch COVID-19, người dân e ngại khi di chuyển đến các địa phương khác, khách quốc tế đến giảm.

Về các dự án đầu tư, trong đó một số dự án có sử dụng công nghệ máy móc thiết bị, chuyên gia và nhà đầu tư của Trung Quốc bị ảnh hưởng đến tình hình và tiến độ triển khai, như: Dự án đầu tư mở rộng nhà máy sợi của Công ty CP Dệt may Huế; dự án sản xuất Sản xuất găng tay và sợi polyethylen của Công ty TNHH Công nghệ bảo hộ KANGLONGDA; các dự án sản xuất ô tô của Công ty Cổ phần Kim Long Motors Huế, Công ty cổ phần công nghiệp chế tạo ô tô Bách Việt,…

Phòng dịch nhưng phải duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh

 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, công tác phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh trong thời gian qua đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, ngăn chặn dịch phát triển cũng như hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tác động đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

“Với phương châm chống dịch như chống giặc, nên chúng ta cũng phải có kịch bản phát triển kinh tế “thời chiến”, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực để chủ động trên mọi “mặt trận” trong và sau khi dịch được kiểm soát”, ông Phan Ngọc Thọ nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu chỉ đạo hội nghị bàn giải pháp khôi phục và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trong và sau dịch COVID-19

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, trước mắt phải thực hiện theo phương châm của Chính phủ đó là “Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”. Bên cạnh đó phải thực hiện các giải pháp, quyết liệt, nhanh, hiệu quả, dự liệu sớm để đi trước một bước diễn biến của dịch. Hạn chế tối đa ảnh hưởng kép từ cộng hưởng của dịch COVID-19 và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, tác động của thiên nhiên. Kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch gây ra, duy trì sản xuất và tiêu dùng; khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng sau khi dịch kết thúc.

 

“Chúng ta phải chủ động trong mọi tình huống, phát huy tinh thần chính quyền phục vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phải tìm đến doanh nghiệp để tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn chứ không chờ doanh nghiệp báo cáo. Có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất trong thời gian xảy ra dịch để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và ổn địch phát triển sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị.

Ông Phan Ngọc Thọ cũng chỉ đạo những định hướng và giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là: Cần tiếp tục kích cầu du lịch, quảng bá “Huế là điểm đến an toàn, thân thiện” để thu hút du khách; Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, cân đối thu chi ngân sách; Rà soát lại cơ cấu đầu tư, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đẩy mạnh phát triển sản xuất;Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu để có thể sớm khởi công, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đẩy mạnh kích cầu đầu tư công lành mạnh thời kỳ “hậu dịch”...

VIÊN HỮU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm