Đón đầu làn sóng FDI thứ 4 vào Việt Nam
Phát triển thị trường vốn: Cần duy trì lãi suất thấp, khuyến khích khởi nghiệp cần vốn rẻ / Trên 6,4 triệu hộ dân được vay vốn chính sách
Đây là yêu cầu mà Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương - Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội” diễn ra chiều ngày 26/4.
Không chạy theo số lượng
Hiện nay, dòng vốn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DN FDI) đã hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Làn sóng thứ nhất trong những năm 1990-1992; làn sóng thứ hai vào những năm 2000 với Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ được ký kết và làn sóng thứ 3 với số lượng FDI thực sự bùng nổ sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006 và hội nhập sâu với khu vực và quốc tế.
Việt Nam cần chủ động để thu hút làn sóng FDI lần thứ 4. |
Chỉ ra nhiều kết quả đạt được trong hơn 30 năm thu hút FDI, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, chúng ta xứng đáng nhận "tấm huân chương" nhưng vẫn có mặt trái của "tấm huân chương" FDI phải trăn trở.
"Một phần ba thế kỷ đủ cho nền kinh tế cất cánh bay lên, trở thành con rồng, con hổ. Nhưng cho đến nay, FDI chủ yếu tập trung ở gia công đơn giản, giá trị gia tăng tạo ra trong nước không lớn, FDI chưa cộng sinh được nhiều DN trong nước. Chưa kể, còn một bộ phận DN FDI kinh doanh chụp giật, gây ô nhiễm môi trường... Vì vậy, Việt Nam cần hướng tới thu hút thế hệ FDI chất lượng cao hơn, cộng sinh tốt với DN trong nước", ông Lộc nói.
Trước cơ hội thu hút làn sóng FDI lần thứ 4 gắn với Công nghiệp 4.0, ông Lộc cho rằng, Việt Nam không thể chạy theo các dự án hàng trăm, hàng chục tỷ USD mà không tạo ra giá trị gia tăng cao, không cộng sinh được với DN Việt Nam, không tạo ra sự phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Việt Nam cần dự án FDI chất lượng cao. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hệ thống thủ tục hành chính, hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và lợi thế so sánh của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực.
Ông Lộc kể: "Qua làm việc với DN Hàn Quốc, họ phản ánh đa phần các địa phương của Việt Nam đều có chủ trương mời gọi, thu hút FDI đầu tư chất lượng cao nhưng các địa phương cần phải xem lại đã chuẩn bị gì để thu hút FDI".
Đơn cử, về chuẩn bị cơ sở hạ tầng không chỉ giao thông, đường sá mà còn là hạ tầng khu công nghiệp cũng rất quan trọng. Hay về nguồn nhân lực, rõ ràng còn hạn chế. Điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là Việt Nam phải có nguồn lao động chất lượng.
"Rõ ràng, chúng ta còn nhiều việc phải làm để đón làn sóng đầu tư FDI lần thứ 4, do vậy cần mổ xẻ phân tích, đề xuất cam kết để hành động", ông Lộc đánh giá.
Sẵn sàng 'lót ổ đón đại bàng'
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, hiện nay, đầu tư của các DN châu Âu vào Việt Nam chưa lớn nhưng họ tự tin vốn châu Âu là nguồn vốn có chất lượng công nghệ tiên tiến, đảm bảo điều kiện môi trường.Năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng đang là lĩnh vực mà các DN châu Âu quan tâm.
"Nhu cầu của DN châu Âu, trước tiên là môi trường kinh doanh thuận lợi, tiếp đó về cơ sở hạ tầng ngoài quỹ đất thì chi phí logistics, kho vận cũng là vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm", ông Minh nói và nhấn mạnh, DN châu Âu sử dụng công nghệ cao, nhu cầu không chỉ số lượng lao động, lao động giá rẻ mà nguồn nhân lực chất lượng cao mới là yếu tố để quyết định đầu tư.
Về phía địa phương, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, địa phương này không chỉ chuẩn bị khu đất, nhà xưởng mà còn hệ sinh thái khu công nghiệp, xây dựng dịch vụ phục vụ công nghiệp cho nhà đầu tư.
Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, bên cạnh xúc tiến đầu tư, việc phát triển DN vừa và nhỏ của Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng là lĩnh vực cần quan tâm. Không ai khác, DN Việt Nam mới tạo ra sự phát triển bền vững, kết nối với DN FDI. "Trong thời gian tới, DN FDI đến, ngoài công nghệ, giá trị gia tăng thì phải có tỷ lệ nội địa hóa cao. Trong thẩm định xem xét dự án đầu tư, chúng tôi quan tâm xem họ có xây dựng được chuỗi giá trị cho DN phụ trợ Việt Nam hay không", ông Thành cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm của địa phương này là có định hướng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong 5 năm liền. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN làm thủ tục đầu tư. Dành quỹ đất sạch, đầu tư hạ tầng tới chân hàng rào các khu công nghiệp - không chỉ kết nối giao thông mà còn hệ thống điện, nước thải, cây xanh. Một tháng, Chủ tịch UBND TP tổ chức gặp một lần để trao đổi khó khăn của DN.
Theo TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, khu vực FDI là động lực quan trọng của phát triển kinh tế Việt Nam. Hiện nay, bối cảnh thay đổi thì cách tiếp cận FDI phải thay đổi. Cụ thể, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhân lõi chính là sự phát triển kinh tế số đòi hỏi sự dịch chuyển FDI về công nghệ. Việt Nam cũng đã chọn thu hút FDI công nghệ. Đây là hướng đi hoàn toàn đúng.
Cùng với đó, Việt Nam là nền kinh tế mở cửa, vì vậy những biến động trong mối quan hệ kinh tế quốc tế đang ảnh hưởng mạnh tới Việt Nam. Trong đó, dưới tác động của dịch COVID-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến luồng đầu tư dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc rất mạnh. Đây là cơ hội của Việt Nam.
Ông Thiên nhìn nhận: 3 điểm cơ bản mà Việt Nam phải đánh giá là lực, thế, đà đã được nâng lên rõ rệt. Điều này đang đặt Việt Nam ở cách tiếp cận khác thu hút FDI trong giai đoạn tới nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn này, từ đó trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo