Hàng trăm hộ trồng vải Bắc Giang có gian hàng trực tuyến
DNVN - Trong bối cảnh Covid-19, các sàn thương mại điện tử đã tích cực hỗ trợ vùng vải tiêu thụ, đưa hàng trăm hộ nông dân lên gian hàng trực tuyến. Việc Bắc Giang cũng như một số địa phương khác chủ động phối hợp với cơ quan chức năng áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới là hướng đi đúng đắn, cách tiếp cận rất sáng tạo.
Vải thiều Việt Nam chính thức lên đường sang EU / Bây giờ mới bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc vận chuyển và tiêu thụ nông sản trong mùa dịch
Thông tin này đã được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang 2021 do UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương phối hợp tổ chức ngày 8/6. Sự kiện được tổ chức tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế; trong đó 22 điểm cầu trong nước, 8 điểm cầu tại các nước: Nhật Bản, Úc, Singapore và Trung Quốc.
Theo ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh đang bước vào những ngày đầu của vụ thu hoạch vải thiều năm 2021. Chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang tốt nhất từ trước đến nay, an toàn thực phẩm, không Covid-19. Đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các phương án, kịch bản tiêu thụ vải thiều. Tỉnh Bắc Giang tái cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang
Năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn. Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp song việc tiêu thụ vải thiều thời gian qua cơ bản thuận lợi, sản lượng tiêu thụ đến ngày 7/6 đạt hơn 53 nghìn tấn ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ qua các kênh phân phối chủ yếu chợ đầu mối tiêu thụ, trung tâm thương mại, thương mại điện tử, hệ thống thương nhân khác. Đặc biệt, trái vải của tỉnh đã có “giấy thông hành” bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia.
Kinh doanh trên nền tảng công nghệ - Bước đi đúng hướng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ. Nhờ có công nghệ mà các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ đã được tiếp cận trực tiếp, nhanh chóng nhất với người tiêu dùng, đồng thời giúp cả hai bên tiết giảm tối đa chi phí, thời gian, vật chất và nâng cao độ tin cậy, chính xác rất cao trong quá trình giao thương. Chính vì thế thương mại điện tử đã và đang trở thành phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị.
Phương thức này càng trở nên tiện ích và thể hiện ưu thế vượt trội khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu khiến việc đi lại, gặp gỡ trực tiếp là hết sức khó khăn. Việc Bắc Giang cũng như một số địa phương khác của Việt Nam có những sản phẩm nông sản đặc trưng đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và các bộ, ngành khác áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới là một hướng đi đúng, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề rất sáng tạo, phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh Covid 19 bùng phát cục bộ ở một vài nơi trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng mong rằng không chỉ trái vải thiều, nhiều sản phẩm đặc trưng khác của Bắc Giang cũng cần được áp dụng giải pháp tương tự để hiệu quả kinh doanh được nâng lên nhiều lần trong tương lai.
Người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh và mong rằng sau sự kiện này sẽ có thêm nhiều đối tác, bạn hàng tiếp tục đến với Việt Nam, với Bắc Giang qua thương mại điện tử, các sàn giao dịch điện tử hoặc trực tiếp khi điều kiện cho phép để thu mua, kinh doanh vải thiều cũng như nhiều sản phẩm đặc trưng khác, góp phần củng cố, phát triển quan hệ kinh tế thương mại tốt đẹp, hai chiều giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ, thực hiện thành công các mục tiêu, chiến lược sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng bốn phương.
Các sàn thương mại điện tử cam kết tiêu thụ 9.000 tấn vải
Cũng nhấn mạnh về sức mạnh của thương mại điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel khẳng định, đứng trước những thách thức của thời đại, chuyển đổi số được xem là giải pháp mang tính lâu dài, hướng tới sự phát triển bền vững và ổn định cho nông nghiệp Việt Nam.
Trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Bắc Giang do Bộ TTT&TT cùng Bộ Công Thương chỉ đạo, các sàn thương mại điện tử với lợi thế sở hữu nhiều công nghệ hiện đại trong các khâu đóng gói - vận chuyển - giao hàng, đã đóng vai trò giám sát chất lượng thay người nông dân, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
"Đây đồng thời là hành động ý nghĩa nhằm bảo vệ và nâng tầm giá trị của vải thiều Bắc Giang nói riêng và nông sản Việt nói chung. Qua đó, vải thiều Bắc Giang, hay cũng chính là nông sản nước nhà, sẽ có thể hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu rộng rãi sang các thị trường nước ngoài khó tính, vừa được ưu tiên tiêu thụ nội địa bởi chính người tiêu dùng Việt", ông Trần Trung Hưng nói.
Các sàn thương mại điện tử cam kết tiêu thụ 9.000 tấn vải trong mùa vụ năm nay.
Đánh giá về chương trình kết nối đưa vải thiều lên “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”, ông Trần Trung Hưng cho biết, tính đến 6/6, sau 10 ngày triển khai thực hiện, các sàn thương mại điện tử tham gia chương trình đã tiêu thụ được hơn 800 tấn vải thiều Bắc Giang, đưa 739 hộ nông dân lên gian hàng trực tuyến. Các sàn thương mại điện tử cam kết sẽ nỗ lực tiêu thụ từ 8.000 đến 9.000 tấn vải trong vụ này.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng chung tay góp sức cùng quốc gia và bà con nông dân trên cả nước tiếp cận với công nghệ hiện đại, các kênh bán hàng hiệu quả, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để mang đến lợi ích kinh tế dài lâu. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực về nhân sự và công nghệ để có thể tìm ra thêm nhiều giải pháp phù hợp cho những thách thức sau này, sẵn sàng trở thành điểm tựa vững chắc trong quá trình chuyển đổi số cùng bà con, hướng tới mục tiêu tìm đầu ra bền vững cho nông sản Việt", ông Trần Trung Hưng nhấn mạnh.
Đại diện Công ty VinCommerce – Thành viên Tập đoàn Masan, đơn vị quản lý và vận hành hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart+, cho biết, sản phẩm vải thiều Bắc Giang luôn là nhóm sản phẩm có doanh thu, điển hình năm 2020 VinCommerce đã thu mua hơn 200 tấn vải thiều, trong đó nhóm sp có doanh thu cao nhất vẫn là vải thiều Lục Ngạn.
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, hưởng ứng lời kêu gọi của thủ tướng chính phủ về thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; VinCommerce cam kết chung tay với bà con nhân dân Bắc Giang, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành tại địa phương sẽ đẩy nhanh việc thu mua, và tăng cường sản lượng tiêu thụ trái vải thiều Lục Ngạn tại 2500 điểm bán VinMart và VinMart+, với số lượng cam kết tiêu thụ là 2000 tấn.
Trong khuôn khổ hội nghị, Ban tổ chức công bố Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản; tổ chức khai trương gian hàng vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế năm 2021.Những sự kiện quan trọng này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều của tỉnh Bắc Giang được thông quan thuận lợi, đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử và tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 31/12/2024: Giảm trong ngày cuối cùng của năm
Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài cuối: Quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng
Chuyên gia chỉ ra 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn năm 2025
Tỷ giá hôm nay 31/12: USD và NDT tiếp tục xu hướng tăng giá
Giá nông sản ngày 31/12/2024: Hồ tiêu biến động, cà phê giảm nhẹ
Giá heo hơi ngày 31/12/2024: Ổn định trên phạm vi cả nước
Cột tin quảng cáo