Thương mại điện tử: Kênh bán hàng đầy tiềm năng cho sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Thừa tiềm năng, thiếu sức hút / “Bay trên Phụng Hoàng Sơn": Kỳ vọng du lịch, kinh tế địa phương “cất cánh”
Với vai trò đầu mối, Bộ Công Thương (BCT) đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai việc kết nối và hỗ trợ bán hàng, tiêu thụ nông sản trên nền tảng số. Nhiều sản phẩm OCOP của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đưa lên các sàn TMĐT và trở thành kênh tiêu thụ đầy tiềm năng cho các sản phẩm OCOP.
Sản phẩm OCOP tại diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Đồng Tháp tổ chức.
Sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL đa dạng, chất lượng
“Mỗi xã một sản phẩm OCOP” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, sau thời gian triển khai, chương trình này đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh (chủ thể sản xuất) trong cả nước. Đến tháng 1/2022, cả nước đã có hơn 6.000 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên của 3.277 chủ thể sản xuất, DN, trong đó có 20 sản phẩm OCOP quốc gia đạt 5 sao.
Tại Vĩnh Long, chương trình OCOP được khởi động từ năm 2019. Sau hơn 3 năm triển khai, tỉnh này đã có 74 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 27 sản phẩm đạt 4 sao và 47 sản phẩm đạt 3 sao của 56 chủ thể sản xuất với 12 HTX, 13 DN và 31 hộ kinh doanh. Sản phẩm Nem chua bò của cơ sở sản xuất nem Sáu Xệ là một trong những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh. Đây là cơ sở sản xuất nem chua truyền thống qua nhiều thế hệ, khi tham gia chương trình OCOP, cơ sở này đã phát triển sản phẩm Nem chua sử dụng nguồn nguyên liệu thịt bò tại địa phương để tạo nên nét đặc trưng riêng biệt so với các sản phẩm nem chua khác trên thị trường. Nem chua bò Sáu Xệ không chỉ tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây mà còn ở TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ, trong hệ thống siêu thị của Bách hóa xanh.
Sản phẩm Nem chua bò của cơ sở sản xuất nem Sáu Xệ là một trong những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Vĩnh Long.
Chủ cơ sở Nem chua bò Sáu Xệ, ông Nguyễn Phước Thịnh kể lại: “Năm 2019, nhận thấy nguồn nguyên liệu thịt bò khá dồi dào ở địa phương (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) nên cơ sở đã nghiên cứu làm ra sản phẩm mới Nem chua bò để tận dụng nguồn nguyên liệu này, trong khi ở thị trường nem chua chủ yếu được làm bằng thịt heo. Nem chua bò Sáu Xệ được thị trường đón nhận và tiêu thụ rất mạnh. Để mở rộng sản xuất, cơ sở liên hệ đăng ký và được các cơ quan chức năng hướng dẫn quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP, đầu tư thêm máy móc nhà xưởng, dây chuyền sản xuất tự động hóa khoảng 80%, đến nay sản phẩm đã đạt được chứng nhận OCOP 4 sao”.
Những chiếc Nem chua bò của cơ sở Sáu Xệ được đóng gói bằng máy tự động hoá, có bao bì tiện dụng, luôn bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, ngày càng được người tiêu dùng khắp nơi đón nhận. “Ngoài việc duy trì những kênh phân phối bán hàng trực tiếp, cơ sở chúng tôi đang xúc tiến đưa sản phẩm lên các sàn Thương mại điện tử (TMĐT), tăng cường quảng bá hình ảnh, liên kết tiêu thụ sản phẩm ra các vùng miền trên cả nước, bởi TMĐT đang được xác định đây là kênh bán hàng rất tiềm năng”. Ông Thịnh cho hay.
Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Khánh Thu ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao và 4 sao. Đây là những sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu từ cây sen và được tổ chức sản xuất ngay tại địa phương. Để sản xuất bền vững, công ty đã liên kết với bà con nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu trồng sen đạt tiêu chuẩn để chế biến với diện tích hơn 20ha.
Sản phẩm trà hoa sen sấy khô không chỉ sử dụng nguyên liệu gắn với thương hiệu của địa phương, mà còn đạt được nhiều tiêu chí để được chứng nhận OCOP 4 sao như được làm thủ công không dùng chất bảo quản, có lợi cho sức khỏe. Sản phẩm đã tiêu thụ ở 40 tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan. Hiện công ty cũng đang làm hồ sơ để sản phẩm này đạt chứng nhận 5 sao. Ông Ngô Khánh Huy - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khánh Thu cho biết: “Thời điểm dịch COVID-19, nhờ chủ động đào tạo nguồn nhân sự từ bán hàng trực tiếp sang trực tuyến qua các sàn TMĐT nên hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn được duy trì, đặc biệt doanh thu bán hàng trực tuyến qua các kênh TMĐT tăng đáng kể, khoảng từ 20 đến 30% và theo dự báo sẽ tiếp tục tăng từ 10 đến 15% trong thời gian tới”.
Kênh bán hàng đầy tiềm năng
Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần công nghệ Sen Đỏ thông tin: “Doanh thu mua sắm nhóm sản phẩm nông sản, thực phẩm trên sàn giao dịch TMĐT Sen Đỏ năm qua tăng khoảng 50% và đang có khoảng 100 sản phẩm OCOP được kinh doanh trên sàn TMĐT này. Các sản phẩm nhóm lương thực thực phẩm đưa lên sàn TMĐT đều cần chứng nhận OCOP, Vietgap… Sản phẩm được chứng nhận OCOP là một thế mạnh, các DN muốn đưa sản phẩm nông nghiệp, lương thực thực phẩm của mình lên các sàn giao dịch TMĐT cần đầu tư về hình thức đóng gói, cách giao tiếp ứng xử với khách hàng”.
Sản phẩm trà hoa sen sấy khô đạt chứng nhận OCOP của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khánh Thu ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Việc các sàn TMĐT quan tâm nhiều hơn đến phát triển các mô hình kinh doanh nhóm nông sản, thực phẩm sẽ là cơ hội cho các nhà cung cấp các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Tuy nhiên, việc phát triển kinh doanh các sản phẩm OCOP trên các sàn TMĐT vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều bà con nông dân, hay các HTX có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP chưa quen với việc kinh doanh trên môi trường trực tuyến, cũng như phương thức đóng gói, vận chuyển, thanh toán cho các giao dịch TMĐT.
Do đó, một số đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP đã liên kết với nhau để thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và bán hàng hiệu quả hơn. Ông Ngô Chí Công - Phó Giám đốc HTX đặc sản Đồng Tháp cho biết: “HTX bán hàng trực tiếp và trực tuyến nên HTX đã hỗ trợ bà con chụp ảnh các sản phẩm theo tiêu chuẩn TMĐT, sau đó thành lập các gian hàng đặc sản Đồng Tháp trên các trang TMĐT lớn như Lazada , Shopee, Vỏ Sò, Sen Đỏ, kể cả trên website của HTX, đây là chiến lược để lan tỏa giá trị và giảm chi phí. Hiện nay, các đơn hàng lẻ cũng có những chuyển biến tích cực với sự hỗ trợ sâu hơn hơn đặc biệt là với nhóm nông dân có sản phẩm tươi thì HTX hỗ trợ livestream bán hàng, hỗ trợ vận chuyển, đóng gói để có thể mua hàng ngay tại vườn”.
Liên quan đến sàn TMĐT, bà Nguyễn Thúy Anh - Cục TMĐT và Kinh tế số (BCT) cho biết: “Năm 2021, Cục đã xây dựng gian hàng Việt trên các sàn giao dịch TMĐT lớn của Quốc gia như những sàn TMĐT như Lazada, Sendo, Shopee để hỗ trợ cho bà con tiêu thụ các sản phẩm OCOP, trong năm 2022 này, Cục sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn đối với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là vùng ĐBSCL để phát triển các sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT”.
“Trong chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, Cục sẽ chú trọng hơn nữa trong việc phân phối sản phẩm OCOP trên các sàn TMĐT, KTS và mạng xã hội, làm sao đưa các sản phẩm OCOP này phát triển sâu rộng hơn. Ngoài tiêu thụ nội địa, Cục cũng đã làm việc với các sàn TMĐT khu vực Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, để có thể đưa những sản phẩm OCOP ra nước ngoài tiêu thụ”, bà Thúy Anh thông tin thêm.
Thực tế, nhiều chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP nhưng chỉ tập trung cho hoạt động sản xuất, nguồn lực còn hạn chế, chưa được trang bị các kỹ năng, kiến thức để có thể kinh doanh sản phẩm trên các sàn TMĐT. Do đó, để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, đặc biệt là các sàn TMĐT thì cần có các chương trình hỗ trợ, đào tạo kỹ năng cho các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP . Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu và giá trị của các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết: “Sản phẩm OCOP là những sản phẩm rất đặc thù, mỗi sản phẩm đó có một câu chuyện, một hành trình từ lúc đầu manh nha đến việc thay đổi quy trình sản xuất, hình thức mẫu mã, nâng cao chất lượng cùng những khó khăn trong quá trình thực hiện để đạt chứng nhận OCOP và được đưa lên sàn TMĐT. Quá trình này, cần phải được hỗ trợ về truyền thông, thúc đẩy TMĐT cho sản phẩm OCOP, quảng bá sản phẩm, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm…”.
Để TMĐT trở thành kênh bán hàng mang lại doanh thu cao, bên cạnh các chương trình hỗ trợ của nhà nước thì các chủ thể tham gia chương trình OCOP cần tích cực, chủ động thay đổi, nâng cao kỹ năng kinh doanh và quảng bá thương hiệu để phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP, đặc biệt là thị trường TMĐT, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, mang lại lợi nhuận cao cho các HTX, DN và hộ kinh doanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo