Thị trường

Thanh Hóa chuyển đổi nhiều diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 20 loại dược liệu quý; trước đây, cây dược liệu được trồng chủ yếu ở các huyện miền núi. Những năm gần đây, nhiều huyện đồng bằng có diện tích đất bãi, đất đồi núi thấp, cũng đã lựa chọn các loại cây dược liệu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thay cho một số loại cây hiệu quả kinh tế thấp.

Kon Tum: Làm giàu nhờ trồng sâm dược liệu / Lào Cai: Chàng trai người H'Mông lên đời nhờ cây dược liệu

Cây dược liệu quý Giảo cổ lam được trồng tại xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Vốn là loại dược liệu quý mọc rải rác trên các núi đá thuộc xã Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc), từ xưa cây sâm mọc trên núi Báo (thường gọi là cây Sâm Báo) được đánh giá là có chất lượng tốt hơn cả. Nhận thấy giá trị lớn của cây Sâm Báo, UBND huyện Vĩnh Lộc đã xây dựng phương án bảo tồn, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế của loại dược liệu này.

Tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cây Sâm Báo theo GACP-WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái) gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc. Theo đó, Công ty cổ phần Dược Triệu Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu thổ nhưỡng, thực hiện tích tụ hơn 3 ha đất trồng lúa kém hiệu quả tại xã Vĩnh Hùng để phát triển cây Sâm Báo.

Ông Trần Trọng Kim, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hùng, cho biết, ngoài 3 ha liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Dược Triệu Sơn, trên địa bàn xã có hàng chục hộ gia đình thực hiện trồng, nhân rộng giống cây Sâm Báo trong diện tích vườn nhà, tổng diện tích gần 2 ha. Hiện nay, sau 8 tháng sản xuất, diện tích cây Sâm Báo phát triển tốt, sản lượng ước tính khoảng 300 kg/ha, doanh thu ước đạt 400-420 triệu đồng/ha.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng dược liệu, người dân xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư trồng thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, như: gừng, nghệ, đinh lăng, ích mẫu; trong đó, mô hình trồng cây đinh lăng được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là 1 trong 2 hộ được UBND xã Thiệu Lý lựa chọn trồng thử nghiệm, anh Lê Văn Tương đã quyết định thầu 1,5 ha đất để trồng cây dược liệu. Anh Tương cho biết: "Sau thời gian nghiên cứu, tôi nhận thấy thổ nhưỡng ở địa phương thuộc loại khô, cằn, phù hợp với các loại cây trồng dễ chăm sóc như đinh lăng. Đây là loại cây dược liệu quý và lá, thân, gốc đều dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh nên được thị trường rất ưa chuộng...”.

Nghĩ là làm, trên diện tích ban đầu, anh Tương trồng 6.000 gốc cây đinh lăng. Đây là loại cây trồng có thời gian sinh trưởng dài, từ lúc trồng đến khi thu hoạch cũng mất vài năm. Theo tính toán, với 6.000 cây đinh lăng, có thể thu hoạch hàng chục tấn thân và lá; với giá bán hiện nay khoảng 25.000 đồng/kg thì lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Để có vốn quay vòng anh đã trồng thêm một số loại cây dược liệu có thời gian thu hoạch ngắn hơn, như: gừng, nghệ, cà gai leo.

Đến nay, diện tích cây cà gai leo được Công ty cổ phần Traphaco thu mua với giá 30.000 đồng/kg khô và hàng trăm triệu đồng từ các loại cây dược liệu khác. Không dừng lại ở đó, anh Tương còn xây dựng vườn ươm giống cây dược liệu để cung cấp giống cây có chất lượng phục vụ cho người dân, trừ chi phí, anh thu lãi gần 200 triệu đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 5 đến 7 lao động.

''Thời gian tới, gia đình tiếp tục nghiên cứu trồng thêm nhiều loại dược liệu mới có hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, tăng cường và mở rộng liên kết với các công ty dược để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ gia đình trồng dược liệu trong vùng….’’ Anh Tương cho biết thêm.

Hiện nay, để nâng cao giá trị kinh tế của các loại cây dược liệu, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đến việc liên kết sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Nhiều mô hình liên kết sản xuất cây dược liệu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần gìn giữ, quảng bá về nguồn giống dược liệu quý của địa phương.

Điển hình như mô hình trồng cà gai leo, nghệ dược liệu... của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dược liệu Út Phương tại xã Thái Hòa (Triệu Sơn) doanh thu đạt 150-180 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng cây nghệ vàng dưới tán cây cao su của Nông trường Thạch Quảng (Thạch Thành) liên kết với Công ty cổ phần Nghệ Việt, doanh thu đạt 120-150 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa, Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng hiện đang tiến hành liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây húng quế, ích mẫu, hy thiêm, cà gai leo tại nhiều địa phương trong tỉnh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm