Thị trường

Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi gà thả vườn

Hiện nay, một số địa phương ở Lâm Đồng đang lựa chọn mô hình nuôi gà ta thả vườn theo hướng an toàn sinh học để phát triển kinh tế, bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả cao giúp nhiều nông hộ trên địa bàn thoát nghèo.

Giá xăng tăng hay giảm trong kỳ điều chỉnh đầu tiên năm 2020? / Đảm bảo chất lượng thịt lợn nhập khẩu để bình ổn thị trường

Một trong những người đi tiên phong để phát triển mô hình này là gia đình anh Nguyễn Văn Trường và chị Trịnh Thị Hoa ngụ tại thôn 11, xã Đạ Kho, huyện ĐạTẻh (Lâm Đồng).

Từ chỗ phải đi làm thuê, làm mướn...

Sau nhiều năm buôn ba làm ăn thất bại, năm 2005, vợ chồng anh Trường quyết định về quê tại thôn 11, xã Đạ Kho để lập nghiệp. Ban đầu, đôi vợ chồng trẻ này được gia đình bên nội cho 5 sào đất làm kế “sinh nhai”. Thế nhưng, mảnh vườn này sau nhiều năm trồng cà phê không hiệu quả, cuối cùng đã được gia đình anh phá bỏ để trồng cao su.

Do đất đai ít, nên trong khoảng 7 năm (từ năm 2005 - 2012), vợ chồng chị Hoa phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Khi đến mùa thu hoạch điều, anh chị lại đi thu mua điều của người dân rồi bán lại cho thương lái kiếm thêm thu nhập. Dù làm đủ nghề, nhưng sau bao nhiêu năm lăn lộn mà cuộc sống gia đình vẫn không khá lên nổi.

Đến năm 2013, anh Trường quyết định chọn cách chăn nuôi gà thả vườn để phát triển kinh tế gia đình. Để trang bị kiến thức cho mình, anh tìm đến các trại nuôi gà ta có quy mô lớn ở Đồng Nai và Bình Phước tìm hiểu kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm.

Đồng thời, anh còn tìm hiểu các thông tin về cách xây dựng chuồng trại, phòng bệnh cho gà, lựa chọn con giống… qua sách báo, tivi. Sau đó, anh quyết định cầm cố hết tài sản vay ngân hàng 50 triệu đồng rồi đầu tư xây dựng chuồng trại và khoanh lưới mảnh vườn 5 sào mua gà về nuôi.

Theo anh Trường, việc nuôi gà theo hướng an toàn sinh học có nhiều điểm tương đồng với nuôi truyền thống (nuôi thả hoang), là gà được thả tự do trong không gian rộng lớn. Vì vậy, ngoài các loại thức ăn chính là lúa, bắp và cám tổng hợp, thì gà còn tự kiếm thêm các loại thức ăn khác như cỏ, côn trùng… để bổ sung thêm dinh dưỡng.

Mô hình nuôi gà thả vườn giúp gia đình chị Hoa thoát nghèoMô hình nuôi gà thả vườn giúp gia đình chị Hoa thoát nghèo

Quan trọng hơn, cách nuôi này có nhiều quy định nghiêm ngặt từ cách chọn giống, cách chăm sóc gà qua từng gia đoạn sinh trưởng và phát triển. Cùng với đó, việc vệ sinh chuồng trại phải được thực hiện thường xuyên 1 lần/tuần. Đặc biệt, giai đoạn đầu (giai đoạn ấp gà con) cần thường xuyên theo dõi đàn gà thật cẩn thận.

...đến thu lãi 300 - 400 triệu đồng mỗi năm

Chị Hoa (vợ anh Trường) cho biết: Từ khi nuôi gà đến nay, gia đình chị đã xuất bán được 6 lứa gà thịt. Trung bình, mỗi lứa nuôi từ 1.500 - 2.500 con. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật và tuân thủ cách vệ sinh, xử lý chuồng trại cũng như phòng bệnh, nên lứa nào gà cũng lớn nhanh và ít bị bệnh. Đặc biệt, gà nuôi theo hướng sinh học cho thịt dai và thơm ngon, nên bán được giá.

Trong tháng đầu tiên, phải đảm bảo sử dụng đầy đủ các loại vắc xin để phòng các loại bệnh, như: Dịch tả, tụ huyết trùng, Gumboro… và đặc biệt dịch cúm H5N1. Cùng với đó, vườn thả gà cần được khoanh lưới để đảm bảo gà không tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài”, chị Hoa chia sẻ thêm.

Với cách nuôi gà theo hướng an toàn sinh học của gia đình anh Trường, thì sau thời gian từ 3,5 đến 4 tháng sẽ xuất bán được 1 lứa. Bình quân, tỷ lệ nuôi sống đạt từ 90 - 95%. Cùng với đó, cân nặng của gà trung bình đạt 2,2 - 2,5 kg/con gà trống và 1,8 - 2kg/con gà mái.

 

Hiện tại, với đàn gà 1.500 đang vào thời điểm xuất bán, sau khi trừ các chi phí, lứa gà này mang lại cho gia đình anh nguồn lãi khoảng gần 100 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Trường chia sẻ: Cứ mỗi năm, gia đình anh xuất bán được 3 lứa gà thịt. Phần lớn, gà của gia đình anh Trường được các thương lái từ Đồng Nai và Bình Phước tìm đến tận nhà để thu mua với giá từ 85 - 87 ngàn đồng/kg.

“Nhờ vậy, gia đình tôi thu lãi từ việc nuôi gà thả vườn đạt khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm. Từ khi nuôi gà thả vườn theo mô hình an toàn sinh học đến nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định và khấm khá lên hẳn”, anh Trường cho biết thêm.

Hiện nay, cùng với anh Trường, thì tại thôn 11, xã Đạ Kho (huyện Đạ Tẻh) đã có gần 10 hộ dân khác đầu tư nuôi gà thả vườn theo thướng an toàn sinh học. Tất cả những hộ này muốn học hỏi kinh nghiệm đều được anh Trường tận tình chia sẻ, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và một số hộ đã phát triển thành công với mô hình này.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm