Tìm giải pháp để nông thủy sản, thực phẩm xuất khẩu không "mang tiếng" chủ yếu là nguyên liệu
DNVN - Các thương hiệu nông thủy sản, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc nói chung, tỉnh Quảng Đông nói riêng chủ yếu dưới dạng nguyên liệu.
Đồng Tháp khai mạc lễ hội xoài / Nghị quyết 58 gỡ vướng cho dự án bất động sản
Chú trọng hàng chất lượng cao
Ông Nguyễn Duy Phú, Lãnh sự thương mại, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu cho biết: Quảng Đông là địa phương thực hiện cải cách mở cửa với thế giới sớm nhất Trung Quốc. Nơi đây có nhiều sản vật giống Việt Nam như lúa gạo, vải thiều, nhãn, bưởi, chuối, mít, mía, dứa... Là tỉnh có quy mô kinh tế và ngoại thương đứng đầu Trung Quốc trong nhiều năm. Là một trong những trung tâm chế biến chế tạo hàng dệt may, đồ gỗ, vật liệu xây dựng, cơ điện, điện tử, viễn thông, hàng tiêu dùng… lớn nhất của Trung Quốc.
Lãnh đạo tỉnh tuyên bố sẽ đi đầu Trung Quốc trong việc thực hiện chiến lược phát triển chất lượng cao thay vì phát triển dựa vào đất đai, giá cả, lao động rẻ như trước. Phát triển ngành chế tạo sẽ là trọng tâm trong thực hiện chiến lược phát triển chất lượng cao.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – tỉnh Quảng Đông đạt 47,34 tỷ USD, giảm 0,4%, chiếm 20,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc trong cùng kỳ, chiếm khoảng 3,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Đông với thế giới, bằng khoảng 21% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 21,46 tỷ USD, giảm 9,2%; nhập khẩu 25,87 tỷ USD, tăng 8,2%
Ông Nguyễn Duy Phú - Lãnh sự thương mại, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc).
Trong 3 tháng đầu 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 10,2 tỷ USD, giảm 1,9%. Trong đó Việt Nam xuất khẩu 4,57 tỷ USD, giảm 1,9%; nhập khẩu 5,62 tỷ USD, giảm 2,6%.
Theo ông Phú, Trung Quốc nói chung, tỉnh Quảng Đông nói riêng từng bước mở cửa đi lại, giao thương với bên ngoài. Do đó, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường của hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam thuận tiện hơn trước.
Cọ sát thương mại Trung – Mỹ và các vấn đề địa chính trị trên thế giới đang khiến một số doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc sang ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam và tỉnh Quảng Đông có cơ chế họp hợp tác song phương định kỳ do cấp Thứ trưởng Ngoại giao phía Việt Nam và cấp Phó Tỉnh trưởng bên Quảng Đông chủ trì. Một trong những trọng tâm của hai bên là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
"Chúng tôi mong muốn các bộ ngành, địa phương Việt Nam tranh thủ thông qua cơ chế này để thúc đẩy hợp tác song phương với tỉnh Quảng Đông những nội dung và vấn đề lớn và quan trọng", ông Phú chia sẻ.
Về cơ hội hợp tác cụ thể, theo ông Phú, ngoài thiết bị máy móc và linh phụ kiện, thị trường tỉnh Quảng Đông có nhu cầu nhất định đối với thủy sản, gạo, trái cây Việt Nam. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư với Việt Nam tại địa bàn tỉnh Quảng Đông đã và đang bắt đầu tăng lên.
Nhiều thách thức
Tuy nhiên, Lãnh sự thương mại, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu nhìn nhận, quan hệ thương mại với Quảng Châu đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Xuất khẩu nông thủy sản, một lĩnh vực Việt Nam cực kỳ quan tâm và tìm mọi biện pháp tăng trưởng sang Trung Quốc nói chung, tỉnh Quảng Đông nói riêng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, về phương thức xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn rủi ro khi còn một bộ phận không nhỏ hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường biên mậu. Thêm vào đó, thương nhân Trung Quốc hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thu gom sản phẩm tại vùng sản xuất, quan hệ mua bán không theo các quy tắc thương mại quốc tế nên bên bán bị động, rủi ro, khó quản lý, điều tiết.
Quảng Châu nói riêng, Trung Quốc nói chung ngày càng chú trọng sản phẩm chất lượng, nhất là với nông sản, thực phẩm nhập khẩu.
Về chất lượng hàng hóa, những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường mạnh mẽ việc quản lý, giám sát chất lượng hàng hóa, nhất là đối với nông thủy sản, thực phẩm nhập khẩu bằng các Lệnh số 248 và 249 của Tổng cục hải quan Trung Quốc. Một số nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chưa được miễn kiểm dịch.
Về thương hiệu, nông thủy sản, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc nói chung, thị trường tỉnh Quảng Đông nói riêng chủ yếu dưới dạng nguyên liệu (gạo, thủy sản, trái cây). Sản phẩm chế biến sâu và thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc còn ít.
Về sản xuất, một số nông sản Việt Nam còn hiện tượng sản xuất, nuôi trồng ồ ạt mỗi khi thị trường được giá dẫn đến thua thiệt, "vỡ trận" khi thị trường mất giá, gây áp lực lên tiêu thụ, trong đó có xuất khẩu.
Về cạnh tranh đến từ sản phẩm cùng loại, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh sản xuất, trồng trọt các sản phẩm cùng loại mà Việt Nam có ưu thế như thanh long, cà phê, cao su, sầu riêng, chanh leo…Trong đó, tỉnh Quảng Đông có một số sản phẩm như: vải thiều, nhãn, chuối, thanh long, xoài, chanh leo. Diện tích và sản lượng các loại trên của Quảng Đông hoặc lớn hơn Việt Nam hoặc đang tăng trưởng mạnh.
Tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm
Từ thực trạng trên, ông Phú cho rằng, các địa phương, hiệp hội cần xuất khẩu sang Trung Quốc qua con đường chính ngạch. Trong đó, tăng cường xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này bởi các doanh nghiệp lớn, có thực lực, có thương hiệu. Tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại Trung Quốc.
Vai trò điều phối của hiệp hội ngành hàng trong việc tổ chức xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là nông thủy sản cũng cần được lưu tâm. Tăng cường giao thương trực tiếp giữa các hiệp hội, ngành hàng hai bên. Gia tăng sự hiện diện thường trú của các hiệp hội, thương hội ngành hàng và doanh nghiệp lớn tại thị trường Trung Quốc để nghiên cứu, nắm bắt thông tin thị trường theo nhu cầu và cách thức của hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.
Ngoài ra, chú trọng hoạt động kết nối hợp tác về logistics và thương mại điện tử xuyên biên giới. Quảng Đông hiện đang là một trong những tỉnh đi đầu Trung Quốc về phát triển thương mại điện tử qua biên giới. Quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2022 đạt 645,4 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 100 tỷ USD, bình quân tăng trưởng 72%/năm kể từ 2015 (14,8 tỷ nhân dân tệ), chiếm 31% tổng lượng của cả nước. Hiện toàn tỉnh đã có 21 huyện, thị được phê duyệt thành lập Khu thí điểm tổng hợp phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, hoàn thành bao phủ toàn tỉnh, số lượng đứng đầu Trung Quốc.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo