Hỗ trợ doanh nghiệp

Lâm Đồng “tuýt còi” hàng loạt dự án rừng

Triển khai chậm, không hiệu quả, để xảy ra lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái phép… là những nguyên nhân khiến hàng loạt dự án đầu tư liên quan đến rừng trên địa bàn Lâm Đồng bị đề nghị thu hồi giấy phép đầu tư.

Nhận rừng, rồi để đó

 

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Lâm Hà, hiện có 11 doanh nghiệp, cá nhân được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép đầu tư, đồng thời đã giao và cho thuê với trên 1.500 ha đất, rừng để thực hiện các dự án trồng rừng, sản xuất nông - lâm kết hợp, kinh doanh du lịch dưới tán rừng.

 

Nhưng từ năm 2006 đến nay, các doanh nghiệp và cá nhân được giao đất, giao rừng mới chỉ thực hiện sản xuất, kinh doanh trên diện tích 872 ha.

 

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, hiện chỉ có 3/11 đơn vị, cá nhân được giao đất, giao rừng trên địa bàn triển khai dự án, số còn lại chỉ triển khai cầm chừng, dẫn tới nhiều diện tích rừng và đất rừng bị lấn chiếm hoặc hoang hóa.

 

Trong đó, Công ty TNHH Đa Dâng, được Nhà nước giao trên 172 ha đất lâm nghiệp không có rừng để đầu tư dự án nông, lâm kết hợp từ năm 2007, nhưng nay mới chỉ sản xuất nông, lâm kết hợp và trồng rừng kinh tế trên diện tích gần 64 ha, số còn lại vẫn bỏ hoang.

 

Tương tự, Công ty cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam, năm 2006, được giao 304 ha rừng và đất rừng, cùng với việc tổ chức bảo vệ 192,5 ha rừng, nhưng đến nay, doanh nghiệp chỉ mới trồng cây lâm nghiệp 15 ha và trồng cà phê 8,5 ha, còn lại bỏ hoang hóa hơn 96/111,5 ha. 

 

 

Không chỉ vậy, một số đơn vị, cá nhân được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất rừng trên địa bàn để triển khai dự án, nhưng chậm đầu tư triển khai, không có năng lực bảo vệ, để người dân lấn chiếm trái phép, như Công ty TNHH Mắt Đá được giao 129 ha (gồm 67,24 ha đất lâm nghiệp không có rừng và 61,87 ha rừng nghèo), trong đó có tới 22 ha đất lâm nghiệp không thể đưa vào sử dụng do bị người dân địa phương lấn chiếm.

 

Tương tự, Công ty TNHH Sơn Hoàng trên diện tích 382,3 ha đất rừng được giao từ năm 2006, hiện cũng chỉ tổ chức sản xuất trên diện tích 200 ha, còn hơn 177 ha bị dân lấn chiếm trái phép.

 

Đầu tư không hiệu quả 

 

 

Cùng chung tình trạng, tại huyện Đơn Dương, hàng loạt doanh nghiệp sau khi nhận dự án, nhưng vẫn không triển khai, hoặc triển khai chậm, không hiệu quả.

 

Trong số này, có thể kể đến Công ty TNHH Thiện Quan (Bình Phước). Năm 2007, Thiện Quan được Nhà nước giao và cho thuê hơn 370 ha đất lâm nghiệp để đầu tư dự án trồng rừng, trồng cây cao su và bảo vệ rừng tại tiểu khu 321, xã Lạc Xuân (Đơn Dương).

 

Mặc dù Công ty đã tiến hành trồng trên 178 ha cây cao su, nhưng nay diện tích chỉ còn 45 ha, do cây trồng chậm phát triển và bị chết cục bộ. Trước tình trạng này, doanh nghiệp chuyển sang trồng cây keo lai trên diện tích cây cao su đã chết (khoảng 10 ha), song diện tích trồng cao su và keo lai đều chưa thực hiện giảm vật liệu cháy kết hợp chăm sóc, nên nguy cơ gây cháy và thiệt hại đến cây trồng là rất lớn.

 

Tương tự, Công ty TNHH Công Nghệ Xanh (Thành phố Đà Lạt) được giao trên 95 ha đất và rừng tại Tiểu khu 333B để đầu tư dự án trồng cao su, trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc vào tháng 7/2010, nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đầu tư các hạng mục dự án, thậm chí còn để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép, chưa ngăn chặn kịp thời... 

 

 

Theo kết luận của UBND huyện Đơn Dương, trên địa bàn huyện hiện có tới 20 doanh nghiệp thuê đất lâm nghiệp với diện tích hơn 5.190 ha để thực hiện dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, khoanh nuôi kết hợp chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả, trồng rau chất lượng cao, kinh doanh sân golf, du lịch sinh thái dưới tán rừng.

 

Trong số này, chỉ có 9 doanh nghiệp đã và đang triển khai việc cải tạo rừng nghèo kiệt và trồng rừng, nhưng hầu hết đều không hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp đều chưa quan tâm đúng mức đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, do không có lực lượng chuyên trách canh giữ, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản, phá rừng...

 

Đặc biệt, một số doanh nghiệp chỉ chú trọng cải tạo rừng nghèo kiệt để trồng rừng, mà chưa quan tâm đến thực hiện các hạng mục công việc khác theo thỏa thuận của dự án và giấy chứng nhận đầu tư.

 

Cũng theo UBND huyện Đơn Dương, một số dự án đã thay đổi địa chỉ đăng ký, khi cơ quan chức năng tống đạt công văn đã không đến được, bị bưu điện trả lui, dẫn tới sự phối hợp trong thực hiện dự án, quản lý bảo vệ rừng giữa địa phương và doanh nghiệp không thể thực hiện. Hệ quả là, việc quản lý, đầu tư của nhiều dự án trên địa bàn không hiệu quả.  

 

 

Phóng viên Báo Đầu tư đã liên lạc với một số doanh nghiệp có dự án đầu tư liên quan đến rừng trên địa bàn Lâm Đồng; một số doanh nghiệp yêu cầu không đưa tên và cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư chậm, không hiệu quả là do gặp khó khăn về vốn.

 

Đồng thời, nhiều dự án khi được bàn giao đất và rừng vẫn không có “đất sạch” - bị người dân lấn chiếm trước đó, nên rất khó triển khai các hạng mục đầu tư.

 

 

Theo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo