Lãnh đạo khởi nghiệp cần thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ
Như đã phân tích, các dự án khởi nghiệp luôn có tỉ lệ thành công rất thấp. Vì vậy, nếu không có tâm thế chủ động, vững vàng để tìm cách khắc phục, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ rơi vào cảm giác lúng túng khi gặp những thử thách, gây tác động tiêu cực lên việc kinh doanh.
Vấn đề đặt ra để hoạt động khởi nghiệp ở ĐBSCL tiếp tục phát triển có chiều sâu, cần có sự liên kết giữa các địa phương trong hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho startup ở quy mô lớn, sự kết nối giữa ý tưởng, dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới trong phương thức sản xuất kinh doanh phải triệt để hơn.
Tại Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP) đặt tại Cần Thơ hiện nay, chính sách thu hút khởi nghiệp và ươm tạo doanh nghiệp được thể hiện rất rõ ràng. Đó là miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị phục vụ ươm tạo, miễn phí tiền thuê văn phòng làm việc; giảm 50% phí thuê thiết bị nghiên cứu; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, thành lập doanh nghiệp và quảng bá sản phẩm.
Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho biết, vườn ươm đã hỗ trợ ươm tạo được 5 sản phẩm và đang có 3 hồ sơ hoàn thiện để tiếp tục hỗ trợ ươm tạo. “Đã có 1 sản phẩm hình thành và đang tiếp cận thị trường. Hy vọng trong năm nay, sản phẩm này sẽ được công nhận và sẽ thương mại hóa sản phẩm”, ông Quốc cho biết.
ĐBSCL hiện có gần 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 7,7% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở khu vực này có tỷ trọng giảm so với bình quân cả nước và không có nhiều doanh nghiệp đổi mới về khoa học và công nghệ. Đặc biệt, khu vực này đang thiếu hụt một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Cần Thơ, Chủ nhiệm mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL cho rằng, cần phải có sự bứt phá về ứng dụng công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện nhu cầu ứng dụng công nghệ trong phát triển công, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực khác là rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, phải có sự tạo thuận lợi hơn cho các startup trẻ bước đầu mới gia nhập thị trường.
“Không thể đòi hỏi khởi nghiệp trong vòng 3-5 năm để có ngay sản phẩm mà cần ít nhất thời gian 5 năm. Với các mô hình khởi nghiệp trên thế giới, một doanh nghiệp ươm tạo cần ít nhất thời gian từ 3-5 năm. Như vậy, ĐBSCL mới đang ở giai đoạn đầu tiên của quá trình khởi nghiệp”, ông Lam cho biết.
Theo GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, quá trình khởi nghiệp hiện nay nổi lên 3 vấn đề hạn chế lớn nhất, đó là kỹ thuật công nghệ; thị trường tiêu thụ chưa đủ lớn và thiếu nguồn vốn thực hiện. Do đó, Đại học Cần Thơ đã chuẩn bị sẵn sàng một trung tâm ươm tạo cho các sinh viên khởi nghiệp.
“Văn hóa khởi nghiệp không chỉ đơn thuần là giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường như trước đây. Khởi nghiệp phải là của cả quốc gia, là quá trình diễn ra không ngừng của doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, người làm khởi nghiệp phải học văn hóa biết chấp nhận thất bại, chấp nhận rủi ro, vì đây là hình thức đầu tư mạo hiểm”, GS.TS. Hà Thanh Toàn nêu rõ.
Một khía cạnh khác cần đề cập, đó lại là sự chưa hoàn thiện của hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay. Sự ràng buộc về chính sách, quy định pháp luật khiến cho các địa phương dù muốn cũng không dám "xé rào" để hỗ trợ cho các startup.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nêu rõ muốn lãnh đạo khởi nghiệp thành công thì phải thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ.Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, người có nhiều trăn trở trong hoạt động khởi nghiệp cho rằng, trong hành trình hỗ trợ khởi nghiệp, địa phương luôn chú ý đến chữ “tâm”. Chữ “tâm” trước tiên đối với các bạn khởi nghiệp là sản phẩm khởi nghiệp phải mang lại giá trị cho cộng đồng. Cùng với đó, cái “tâm” từ chính quyền, người tác động hỗ trợ giúp cho con đường khởi nghiệp của các bạn trẻ thuận lợi. Mặt khác, cần chữ “tâm” của các doanh nghiệp dẫn đầu trong việc đảm nhận vai trò chia sẻ, hỗ trợ, tư vấn cho các đối tượng khởi nghiệp…
“Muốn lãnh đạo khởi nghiệp thành công ở một địa phương, người lãnh đạo phải thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ. Phải xem hỗ trợ khởi nghiệp là đầu tư cho tương lai. Bởi từ nung nấu ý tưởng đến thực hiện ý tưởng có nhiều khi mất đến 5 năm. Nếu người lãnh đạo chần chừ, không thúc đẩy, có ý dồn cho nhiệm kỳ sau thì sẽ mãi có tâm lý đùn đẩy”, ông Hoan phân tích.
Để có nền kinh tế năng động, có sức cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ĐBSCL phải tự áp lực để tạo sự bức phá, phát triển nhanh hơn, nhiều hơn về số lượng và chất lượng các doanh nghiệp, trong đó thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp là lựa chọn đúng đắn.
Để làm được điều này, vấn đề đặt ra cần phải có chương trình chung về khởi nghiệp cho cả vùng. Ý tưởng về thung lũng khởi nghiệp ở ĐBSCL với trọng tâm là các ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm... rất cần được sự quan tâm của Chính phủ để tạo sự bức phá cho khu vực còn nhiều khó khăn này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo