Hỗ trợ doanh nghiệp

Lao đao vì công nợ, đạm Ninh Bình muốn vay thêm 500 tỷ đồng "cứu" nhà máy

Theo đánh giá của lãnh đạo nhà máy đạm Ninh Bình, sản xuất mới bước đầu đi vào ổn định, tuy nhiên khó khăn lớn nhất để có thể vận hành một cách liên tục đó là vấn đề về vốn...

Nợ nần chồng chất, thiếu vốn sản xuất

Ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có chuyến thăm và làm việc tại nhà máy Đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án "nghìn tỷ" thua lỗ.

Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 667 triệu USD với công suất 560.000 tấn/năm. Sau 4 năm hoạt động, Nhà máy đạm Ninh Bình thua lỗ lên tới hơn 2.700 tỷ đồng. Máy móc nhà máy luôn trong tình trạng hư hỏng, hàng hóa tồn kho.

Nhà máy đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ Bộ Công Thương.

Sau một thời gian "đắp chiếu" vì thiếu vốn, đến ngày 22/1/2018, Ban điều hành bắt đầu khởi động lại nhà máy từ 15/1.2018. Báo cáo kết quả sản xuất sau khi hoạt động trở lại, ông Vũ Văn Nhẫn - Tổng giám đốc công ty TNHH Đạm Ninh Bình cho biết bình quân mỗi ngày sản xuất gần 1.300 tấn và đang vận hành ổn định với phụ tải đạt 80% thiết kế.

Tổng lượng xản xuất được xấp xỉ 27.000 tấn ure, bán được khoảng 22.000 tấn urê, lượng hàng tồn kho chủ yếu do các khách hàng dừng lấy trong dịp nghỉ Tết và công ty đã tiếp tục trả hàng và xuất bán ngay từ ngày mồng 2 Tết.

Theo đánh giá của lãnh đạo nhà máy, sản xuất mới bước đầu đi vào ổn định, tuy nhiên khó khăn lớn nhất để có thể vận hành một cách liên tục đó là vấn đề về vốn.

Chạy máy làm giảm lỗ gần 270 tỷ đồng so với phương án ngừng máy (lỗ cả năm 2017 là 933,5 tỷ đồng).

Hiện nhà máy tạm thời đang sử dụng 100% doanh thu bán hàng để quay vòng vốn mua nguyên nhiên vật liệu để duy trì sản xuất đợt 1 năm 2018 (khoảng đến giữa tháng 3). Trong khi đó các ngân hàng vẫn đang cho vay với hình thức cho vay thu nợ, "trả 10 cho vay 9".

"Mong muốn lớn nhất của nhà máy hiện tại là có nguồn vốn lưu động để sản xuất. Chứ cứ tiếp tục tổ chức sản xuất chỉ bằng nguồn tiền khách hàng thu về thì không thể làm chủ được giá thị trường được, bởi vì mình bán lấy tiền trước thì giá phải thấp hơn, ảnh hưởng đến hệ thống chung", ông Vũ Văn Nhẫn nói và đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ để ngân hàng cho vay 350 tỷ đồng để làm vốn lưu động, phục vụ sản xuất, kinh doanh.

 

Ông Nhẫn cũng đề nghị ngân hàng cho vay hơn 200 tỷ đồng trong 3 năm để thực hiện kế hoạch đại tu năm 2018. Việc vay vốn phải được thực hiện càng sớm càng tốt do vật tư dự phòng đặt hàng sẽ cần từ 6-8 tháng chế tạo trước khi chuyển cho bên mua.

Do Công ty đang sử dụng 100% doanh thu để phục vụ sản xuất đợt 1 năm 2018 nên cơ bản tình hình công nợ trên đến nay không có nhiều thay đổi...

Ngoài ra, lãnh đạo nhà máy đạm Ninh Bình cũng muốn được ngân hàng ưu tiên thu gốc trước, lãi thu sau và cho vay với lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp ưu đãi nhất.

Không bàn tới chuyện "xoá bỏ" nhà máy

Trước lo lắng về sự khó khăn chồng chất của nhà máy, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ cũng như Tập đoàn Hoá chất Việt Nam chưa bao giờ đặt vấn đề về sự tồn tại hay không cho tồn tại nhà máy Đạm Ninh Bình.

"Chúng ta chỉ nói đến việc làm thế nào để nhà máy hoạt động ổn định, hiệu quả, mang tính thị trường. Chứ chúng ta không nói đến câu chuyện xóa sổ nhà máy này. Nói như vậy là làm tổn thương đến rất nhiều người", Bộ trưởng nói.

 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để vực đậy được nhà máy thì ý chí quyết tâm thôi là chưa đủ, cần thực hiện hoá bằng hành động.

"Những bài học kinh nghiệm đã đặt ra cho thấy, nếu chúng ta dừng nhà máy là "chết". Như sơ xợi Đình Vũ, Sai lầm của chúng ta là cho dừng máy khi cho rằng chi phí vượt quá giá bán. Triệt tiêu mọi con đường cứu nhà máy. Do vậy đối với nhà máy đạm Ninh Bình, bằng mọi giá phải duy trì sản xuất, vận hành an toàn nhà máy", Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuần Anh trao đổi với lãnh đạo nhà máy đạm Ninh Bình trong chuyến thăm đầu năm mới...

Cũng theo Bộ trưởng, có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến nhà máy còn nhiều vướng mắc, tồn đọng và dẫn đến tình trạng như hiện nay. Khó khăn do khách quan phải từng bước phải cải thiện, chủ quan thì phải cố gắng, nỗ lực khắc phục.

Rất nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài đã được đề ra. Tuy nhiên, chúng ta phải đáp ứng đúng nguyên tắc cơ bản mà Chính phủ đặt ra, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, Bộ trưởng lưu ý.

Trong quá trình "vực dậy" nhà máy, bên cạnh vấn đề về vốn, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến câu chuyện nhân lực. Bộ trưởng cho rằng người lao động được đào tạo phải có chính sách để họ gắn bó, không nghĩ tới chuyện bỏ việc.

 

Bộ trưởng đã đề nghị lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất cần có những hỗ trợ kịp thời cho nhà máy nhằm đảm bảo vấn đề nhân sự, làm chủ công nghệ. Đồng thời Bộ trưởng cũng yêu cầu có phương án nâng cao công suất, vượt mức 80% như hiện nay.

"Với các vấn đề lớn, Bộ Công Thương và Vinachem sẽ xem xét và cùng tìm biện pháp tháo gỡ. Nhưng nhà máy cần tự cứu mình trước khi "trời cứu". Nếu không tự cứu mình bằng ổn định chất lượng, tăng sản lượng thì khó ai có thể cứu được chúng ta", Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo