Hỗ trợ doanh nghiệp

Lỗ chồng lỗ ở HVG

Theo BCTC quý II của năm tài chính từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018, CTCP Hùng Vương (MCK:HVG) báo lỗ hơn 272 tỷ đồng, lũy kế đến 31/3/2018 lên tới 749 tỷ đồng.

Lỗ đeo bám HVG

Doanh thu thuần quý II của HVG đạt 2.580 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ niên độ 2016-2017. Do giá vốn hàng bán lớn, nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt hơn 116 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ ghi âm 73,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương gần 10,7 tỷ đồng. Nguyên nhân do HVG ghi lỗ hơn 79 tỷ đồng khi thanh lý các khoản đầu tư vào công ty con.

HVG lỗ lũy kế 749 tỷ đồng, liệu có đạt được kế hoạch lợi nhuận 2018?

Chi phí tài chính giảm được gần 49 tỷ đồng so với cùng kỳ, còn hơn 110 tỷ đồng chủ yếu nhờ giảm lỗ chênh lệch tỷ giá. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm được 28 tỷ đồng, xuống còn 33,5 tỷ đồng.

Kết quả, HVG lỗ quý II hơn 272 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 114 tỷ đồng. Nhờ quý I, HVG lãi hơn 7 tỷ đồng nên lũy kế nửa đầu năm tài chính 2017-2018 doanh nghiệp này còn lỗ hơn 264,7 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/3/2018 hơn 749 tỷ đồng.

Liệu có thực hiện được kế hoạch 2018

Niên độ 2017-2018, HVG đặt kế hoạch doanh thu toàn tập đoàn khoảng 10.000 tỷ đồng từ xuất khẩu, kinh doanh nông sản (bã nành, cám, khoai mì…) nội địa và thoái vốn đầu tư. Lợi nhuận trước thuế ước đạt từ 800 tỷ đồng.

Tuy nhiên với khoản lỗ lũy kế đã gần đạt mức lợi nhuận đề ra, thì HVG không thể nào hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận niên độ 2017-2018. 

 

Trước đó trong niên độ 2016-2017, doanh thu thuần hợp nhất của HVG đạt 15.514 tỷ đồng, trong khi doanh thu của Công ty mẹ đạt gần 7.642 tỷ đồng. Tuy nhiên, HVG đã bị lỗ trước thuế hơn 695 tỷ đồng đối với hợp nhất và gần 228 tỷ đồng đối với công ty mẹ.

Trong năm qua, nguồn cung cá tra nguyên liệu thiếu hụt khiến hoạt động ở các nhà máy của HVG giảm 50% công suất, chỉ hoạt động dưới mức độ cầm chừng. Điều này cộng với chi phí cố định lớn và chi phí trợ cấp cho người lao động trong thời gian tạm ngừng sản xuất đã đẩy giá thành sản xuất tăng 30%. Số liệu công bố của HVG cho thấy, từ năm 2015 tới cuối năm 2017, HVG đã triển khai thực hiện nhiều đề án với tổng mức đầu tư là 2.154 tỷ đồng. Trong đó, công ty sử dụng 646,4 tỷ đồng từ vốn tự có và huy động thêm 1.592 tỷ đồng.

Để khắc phục các khoản lỗ, HVG phải bán tài sản và công ty con nhằm xoay vòng nguồn vốn. Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu kéo dài buộc HVG phải đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả. Cùng với đó, Công ty cho biết sẽ tiếp tục thỏa thuận với ngân hàng về việc tài trợ nguồn vốn trung, dài hạn để hoàn thành các dự án đang dở dang, cũng như khoanh nợ và có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các khoản nợ hiện tại.

HVG hiện liên tiếp vi phạm công bố thông tin do chậm nộp BCTC khiến cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo từ 16/1/2017 và vào diện kiểm soát kể từ ngày 26/1/2018. Và gần đây nhất, cổ phiếu HVG bị đưa vào diện bị hạn chế về thời gian giao dịch, cụ thể chỉ được phép giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận kể từ ngày 04/06/2018.

Hiện cổ phiếu HVG đang giao dịch ở mức 3.050 đồng/cổ phiếu, trong khi mốc cao nhất cổ phiếu HVG đạt được là 32.310 đồng/cổ phiếu. Với tình trạng sản xuất kinh doanh bết bát như hiện nay, thì cổ phiếu HVG khó "ngóc đầu" lên được.

 

Nên đọc
Theo Enternews
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo