Hỗ trợ doanh nghiệp

Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Không thể chậm trễ được nữa

Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật, cần có cơ chế cần thiết và rõ ràng để thúc đẩy DNNVV phát triển, bởi loại hình DN này chiếm đến 97% DN cả nước.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến là bảo vệ lợi ích hợp pháp và thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV hiện nay.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DNNVV rất được cộng đồng DN quan tâm, vì đó là biện pháp bảo vệ khỏi những hậu quả do tình trạng tổ chức thanh tra chuyên ngành kiểm tra, kiểm toán chồng chéo. Điều này tuy được nhấn mạnh tại Nghị quyết 35, nhưng chưa được thể hiện trong dự thảo Luật này.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải đáp những băn khoăn của các đại biểu tại phiên thảo luận về Luật Hỗ trợ DNNVV. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Theo đại biểu Hiền, chúng ta không phủ nhận sự cần thiết của các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nhưng bản chất các hoạt động này là cắt ngang hoạt động bình thường của DN, ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức sản xuất kinh doanh, cũng như uy tín, hình ảnh của DN và có thể dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi, làm đình trệ sản xuất. Chưa kể tới hiện tượng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế đang nhen nhóm trở lại như báo chí đã phản ánh rất đậm nét những tháng đầu năm.

“Tôi đề nghị nghiên cứu, luật hóa những giải pháp đã được ghi nhận trong Nghị quyết 35, như về tần suất thanh tra, kiểm tra, kiểm toán”, đại biểu Hiền kiến nghị.

Chỉ ra những nét tích cực của DNNVV, đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) tán thành cao về sự cần thiết ban hành Luật Hỗ trợ và Phát triển DNNVV, vì khối DN này đã có đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, DNNVV đã chiếm trên 97% tổng số DN, đóng góp khoảng 50% GDP, 33% thu ngân sách Nhà nước, tạo ra 62% việc làm. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ khối DN này phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trích các thống kê, đại biểu Bình cho biết, có tới 77% DN siêu nhỏ và 69% DN nhỏ đi lên từ mô hình các hộ kinh doanh. Hiện nay có khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh, do vậy việc xây dựng và luật hóa các nội dung phù hợp để tạo điều kiện khuyến khích mạnh mẽ các hộ kinh doanh này phát triển, đăng ký thành lập hoạt động theo Luật DN có ý nghĩa quan trọng trong phát triển DN.

Đề cập đến tạo cơ chế, chính sách thông thoáng cho DNNVV, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, phải tạo cơ chế trong kinh doanh để hạn chế thanh tra, giám sát và cũng có quy định mỗi năm có bao nhiêu lần được thanh tra, kiểm tra. Hiện nay, có tình trạng một tháng có đến 3-4 đoàn kiểm tra DNNVV. Thanh tra nói có quyền thanh tra, thuế nói có quyền thuế, kiểm toán cũng vậy. Bên cạnh đó, cần hạn chế các hình thức, tổ chức, cá nhân xin-cho. Hết đơn vị này đến xin, hội kia đến xin, các ngày lễ đến xin,… khiến cho DN rất vất vả và bức xúc.

 

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam). Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Lê Văn Sỹ (Thanh Hoá) phân tích, nước ta hiện nay tỷ lệ phụ nữ làm chủ các DNNVV chiếm khoảng 25% trong tổng số các DN, do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ đặc thù cho DN do phụ nữ làm chủ và những DN thu hút nhiều lao động là phụ nữ.

Theo đại biểu, để có cơ sở hỗ trợ thì dự thảo cần quy định cụ thể khái niệm DNNVV do phụ nữ làm chủ khởi nghiệp, tiếp cận chính sách, tiếp cận thị trường nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, xây dựng mạng lưới kinh doanh và tiếp xúc thương mại, cũng như quy định về tỷ lệ thu hút phụ nữ lao động là bao nhiêu.

Giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các đại biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Dù DNNVV hiện nay đang hết sức khó khăn về tiếp cận vốn, mặt bằng, công nghệ, thị trường, tư vấn, đào tạo, thông tin…  nhưng các DNNVV có đóng góp cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm, đóng góp cho GDP rất lớn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và giảm bất bình đẳng trong xã hội, khoảng cách giàu-nghèo, từ đó góp phần ổn định xã hội, giảm các tệ nạn, góp phần ổn định chính trị.

Tuy nhiên, các cơ chế chính sách hỗ trợ loại hình DN này trong Nghị định 56 và 90 trước đây đều rời rạc và chung chung, không cụ thể và không có tính khả thi, nên không đi vào cuộc sống, không luật hóa thì chúng ta không thể làm được. Đây là một bước để chúng ta luật hóa và cụ thể hóa những chủ trương, chính sách một cách khả thi hơn để tạo sự đóng góp, giúp cho DN một cách cụ thể nhất và khả thi cao nhất.

“Đối với Luật Hỗ trợ DNNVV, chúng ta phải có tư duy mạnh mẽ hơn, mang tính đột phá hơn và tầm nhìn chiến lược hơn. Bởi vì thiết kế luật là dựa trên lợi ích tổng thể của toàn bộ nền kinh tế. Chúng ta nên mạnh dạn và coi đây là việc để chúng ta đột phá trong thời gian tới. Do vậy, luật này không thể chậm trễ hơn được nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

 

Về các nguyên tắc hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết đã được xác định rõ là hỗ trợ những thứ DN cần, không hỗ trợ trực tiếp cho DN, mà hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ cho DN. Các DN được hưởng lợi thông qua dịch vụ công đó thì càng có lợi và khả thi.

* Cùng ngày, với 91,08% phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Nên đọc
Theo VGP
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo