Hỗ trợ doanh nghiệp

Luồng vào cảng Hải Phòng: “Tài” là chính ?

Cuối năm 2011, sau nhiều năm đề nghị từ các doanh nghiệp và Ủy ban nhân dân thành phố, Chính phủ đã bố trí một khoản tiền trị giá 200 tỉ đồng, dùng để khẩn cấp nạo vét luồng vào cảng Hải Phòng, nhưng tới đầu tháng 5/2012, việc nạo vét mới được tiến hành.

Tháng 1/2006, tuyến luồng Lạch Huyện - tiểu phần của Dự án cải tạo và nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn 2 (sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản) được vận hành, thay thế luồng Nam Triệu cũ. Thời điểm này, luồng Lạch Huyện được cam kết đạt độ sâu -7,2m, đủ phục vụ tàu 20.000 tấn đầy tải ra vào các cảng khu vực Hải Phòng làm hàng, không cần chờ thủy triều.

 

Tới giữa năm 2008, luồng tàu Hải Phòng nạo vét duy tu lần đầu tiên sau hơn 2 năm vận hành theo tuyến mới. Lần này, khối lượng nạo vét toàn tuyến luồng là 780.000 m3, chỉ bằng gần 20% yêu cầu phải nạo vét để trả lại độ sâu - 7,2m như thiết kế.

 

“Nút cổ chai”

 

Đầu năm 2010, việc nạo vét duy tu lần thứ 2 luồng tàu vào các cảng khu vực Hải Phòng được thực hiện. Lần này, khối lượng nạo vét được tăng lên thành 920.000 m3. Nhưng gộp cả hai lần duy tu, thì khối lượng nạo vét vẫn chưa bằng 15% yêu cầu để lấy lại độ sâu khi cải tạo ban đầu (-7,2 m vào năm 2006).

 

Có rất nhiều công trình khảo sát đã được tiến hành suốt mấy chục năm qua về hiện tượng bồi lấp tại khu vực cửa biển vào các cảng khu vực Hải Phòng.

 

Theo khảo sát của tư vấn Nhật Bản cải tạo Cảng Hải Phòng giai đoạn 2 (2006) dự đoán: mỗi năm tuyến luồng này cần được nạo vét tới khoảng 3,8 triệu m3 bùn đất sa bồi mới có thể đảm bảo độ sâu cần thiết.

 

Gần đây, tại tọa đàm về thay đổi vị trí xây dựng cảng Lạch Huyện mới tiến hành 26/6/2012 tại Hà Nội, đại diện của Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) thì khẳng định, mỗi năm khu vực này bị bồi lấp mất khoảng 30 cm chiều sâu luồng, đem nhân với chiều rộng, chiều dài luồng thì ước tính khối lượng bồi lấp mỗi năm vào khoảng... 1,2 triệu m3.

 

Tính toán lượng bồi lấp hàng năm không chính xác đã gây khó cho công tác duy trì và phát triển khả năng khai thác cảng biển tại khu vực Hải Phòng. Tuy nhiên, việc nạo vét, duy tu thực tế - gần như chưa thể nạo vét hết lượng phù sa bồi lấp, ở mức dự đoán thấp nhất.

 

Theo số liệu của ngành chức năng, trong cả hai lần duy tu sau 4 năm khai thác, tổng khối lượng nạo vét luồng cảng Hải Phòng mới gần 1,7 triệu m3, tức chưa bằng dự báo của Tư vấn Nhật Bản (3,8 triệu m3). Như vậy, sau 6 năm vận hành, độ sâu luồng vào các cảng khu vực Hải Phòng đã giảm gần 1m so với độ sâu thiết kế khi cải tạo (-7,2m).

 

Theo thông báo về thông số kỹ thuật luồng Hải Phòng mới nhất ngày 29/6/2012, độ sâu luồng chỉ đạt từ  - 6,3m đến -6,5m, có chỗ chỉ là -5,2m. Đây là kết quả có được sau 1 tháng rưỡi nạo vét khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ. Còn cách đây 1 năm, năm 2011, độ sâu luồng chỉ đạt bình quân khoảng -6,1m.

 

Thực tế, độ sâu này chỉ đủ phục vụ bình thường với các tàu trọng tải 10.000 tấn, bằng một nửa khả năng thiết kế. Luồng vào chính là "nút cổ chai" lớn nhất làm giảm khả năng khai thác của các cảng khu vực Hải Phòng.

 

Giải pháp cấp thiết

 

Cuối tháng 5/2012, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) được tổ chức tại Hà Nội, ông Peter Smitdt - Nielsen - TGĐ hãng tàu Maersk Vietnam, Trưởng tiểu nhóm Cảng - Vận tải biển của Diễn đàn đã diễn giải về thiệt hại khi độ sâu tuyến luồng hiện nay của cảng Hải Phòng chỉ đạt - 6,3 m, trong khi chuẩn tắc thiết kế là - 7,2 m.

 

Ông Peter Smitdt - Nielsen cho rằng, nhiều tàu của Maersk có công suất là 1.200 TEU có thể hành hải bình thường nếu luồng cảng Hải Phòng đạt - 7,2 m. Nhưng ở độ sâu 6,3 m, tàu của hãng cũng như mọi hãng khác phải "vào" cảng chỉ với 700 TEU, tương đương đạt 60% công suất.

 

Trong khi đó, mỗi lần vào cảng, bất kể với lượng chuyên chở thế nào, hãng tàu vẫn phải trả toàn bộ phí hoạt động của tàu. Tức là luồng cạn đã làm tăng chi phí của các hãng tàu, cuối cùng là tăng chi phí cho các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam.

 

 Ông Dương Anh Điền - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng ước tính, nếu luồng vào cảng được giữ ở độ sâu - 7 m, đủ cho tàu 20.000 tấn, thì lượng hàng hóa thông qua có thể tăng thêm khoảng 5 triệu tấn mỗi năm, tương đương khoảng 10.000 tỉ đồng doanh thu.

 

Theo thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công, tại lần duy tu đầu năm 2012 này, trên cơ sở đề xuất của Cục Hàng Hải Việt Na và Bộ Giao thông vận tải , khối lượng nạo vét luồng cảng Hải Phòng sẽ vào khoảng 940.000 m3. Thực tế, việc nạo vét đã bắt đầu tiến hành thi công từ ngày 7/5/2012, và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 7.

 

Sử dụng một phần nguồn vượt thu thuế, bù vào kinh phí duy tu, nạo vét luồng vào cảng là giải pháp cần được xem xét.

Tuy các cơ quan chức năng cam đoan khối lượng nạo vét năm 2012 này sẽ đảm bảo đưa độ sâu luồng về đúng chuẩn tắc thiết kế là - 7,2 m, nhưng các nhà khai thác và giới doanh nghiệp không khỏi băn khoăn khi biết, lượng bồi lấp hàng năm, dù ở dự báo thấp nhất, vẫn lớn hơn nhiều khối lượng nạo vét này. Và luồng cảng Hải Phòng cũng chỉ được nạo vét 2 năm một lần. Như vậy, luồng vào cảng Hải Phòng sẽ khó đạt chuẩn tắc thiết kế sau khi nạo vét!

 

Nhiều năm nay, luồng tàu biển khu vực Hải Phòng chỉ nạo vét, duy tu bằng tiền ngân sách với nguồn kinh phí rất hạn hẹp. Theo ước tính của cơ quan bảo đảm hàng hải, sau khi nạo vét đạt độ sâu - 7,2 m vào năm 2006, thì mỗi năm luồng cảng Hải Phòng cần khoảng 70 - 80 tỉ đồng kinh phí để nạo vét định kỳ.

 

Nhưng thực tế luồng đã không được nạo vét định kỳ, và khối lượng nạo vét thực tế cũng không đủ với yêu cầu. Ngay tại lần duy tu năm 2012 này, cơ quan bảo đảm hàng hải cũng đề nghị được bố trí 400 tỉ đồng phục vụ việc nạo vét khẩn cấp, nhưng chỉ được chấp thuận 200 tỉ đồng.

 

Từ hàng chục năm qua, khi mà sản lượng hàng thông qua tăng ở mức trên 20% mỗi năm, đều đặn thành phố Hải Phòng luôn nhấn mạnh tính cấp thiết của yêu cầu nạo vét trả lại độ sâu chuẩn tắc thiết kế của luồng tàu Hải Phòng.

 

Tháng 9/2011, trong buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải , ông Dương Anh Điền đã đề nghị nên xây dựng cơ chế để hình thành nguồn tài chính cho duy tu, nạo vét luồng Hải Phòng. Theo đó, nhà nước cần trích sử dụng một  phần nguồn vượt thu thuế của hải quan dành lại cho địa phương. Từ đó bù thêm vào kinh phí duy tu, nạo vét luồng vào cảng.

 

Như thế mỗi năm sẽ có thêm hơn 100 tỉ đồng  dành cho hoạt động nạo vét, duy tu luồng.

 

Đây có thể là một trong những giải pháp tạo thêm kinh phí duy tu, nạo vét luồng vào Cảng Hải Phòng, tránh thiệt hại cho nền kinh tế, rất cần được các ngành chức năng xem xét.

 

 

Theo DĐDN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo