Hỗ trợ doanh nghiệp

Mạng xã hội video Trung Quốc tìm đường phát triển ở Việt Nam

Bigo hay Tik Tok đang dần trở nên quen thuộc với một bộ phận giới trẻ Việt sau hai năm tích cực quảng bá.

Nửa cuối 2016 và năm 2017, nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam chứng kiến những đoạn video livestream được cắt và phát lại trên mạng xã hội này có đóng logo Bigo Live. Đến 2018, thay vào đó, xuất hiện làn sóng những video ngắn vài chục giây, với các nội dung hài hước hay hát nhép được chia sẻ lại trên Facebook. Lần này, nó được đóng logo là Tik Tok.

Bigo Live và Tik Tok là hai trong các mạng xã hội video nhắm đến giới trẻ và khá được chú ý tại Việt Nam trong chưa đầy hai năm qua. Những sản phẩm này phần nào thể hiện khả năng nhạy bén thị trường của những người đứng đằng sau chúng. Bởi, nhiều khảo sát đã cho thấy mức độ 'nghiện' xem video online của người Việt.

Một người dùng Trung Quốc đang xem video trên Tik Tok. Ảnh: Caixin.

Theo Nielsen, Việt Nam là một trong những nước đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến với 9/10 người được hỏi nói rằng họ xem video trực tuyến hàng tuần. Khảo sát của Kantar Media Việt Nam cho biết, 45% dân số trong độ tuổi 15-54 xem nội dung truyền hình và video theo yêu cầu (VOD).

Không ai khác, những mạng xã hội video đánh trúng sở thích giới trẻ đến từ Trung Quốc. Tik Tok là sản phẩm của startup Douyin (thuộc Bytedance), từng gây chấn động bởi kỳ tích vươn vào top ứng dụng mạng xã hội video ngắn (Short-Form Video) nhiều người dùng nhất Trung Quốc chỉ trong 500 ngày.

Báo báo 'Internet Trends 2018" phát hành vào tháng 3 của Kleiner Perkins cho biết, Tik Tok hiện có đến 95 triệu người dùng hàng ngày. Thời gian dùng trung bình của mỗi người là 52 phút mỗi ngày. Tỷ lệ người dùng hàng ngày trên người dùng hàng tháng (DAU/MOU) là 57%.

Mạng xã hội này kiếm tiền bằng cách bán quảng cáo, thu một phần hoa hồng từ những người dùng nhận quà tặng (vốn có thể tích lũy để quy đổi thành tiền) và ký hợp đồng với những cá nhân, tổ chức muốn trở thành 'ngôi sao' trên nền tảng, với các đặc quyền về hiển thị và tiếp cận người xem.

Tại Trung Quốc, mạng xã hội video ngắn (Short-Form Video) đang là xu hướng phát triển nhất so với mạng xã hội video dài (Long-Form Video) và mạng xã hội livestream (Live & Game Streaming). Theo Kleiner Perkins, doanh thu tiếp thị nội dung của các nền tảng video trực tuyến này đã nhỉnh hơn TV vào năm 2017, với hơn 6 tỷ USD.

 

Chi tiêu cho quảng cáo nội dung trên TV và Online Video tại Trung Quốc. Nguồn: Kleiner Perkins.

Ở thị trường Việt Nam, không chỉ mua quảng cáo trên Facebook, Instagram để nhanh chóng phát triển lượng người dùng, Tik Tok lan truyền trên mọi nền tảng nhờ chiêu thức rất khôn ngoan. Đó là những hiệu ứng video chậm chất riêng mà dù che logo, người xem vẫn nhận ra.

"Ngay cả khi watermark bị cắt, bạn vẫn sẽ nhận ra phong cách của Douyin", Fabian Bern - CEO của UpLab.Asia nhận xét.

Trước khi Tik Tok lan truyền mạnh ở cộng đồng người dùng trẻ Việt Nam thì Bigo Live là cái tên được nhắc đến thường xuyên. Đây có thể xem là một dịch vụ kiểu Periscope hay Meerkat của khu vực Đông Nam Á.

Đứng sau Bigo Live là hàng loạt nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Ảnh: Tech In Asia.

Về chính danh, Bigo Live đăng ký thành lập ở Singapore nhưng những ông chủ đứng sau cũng là các nhà kinh doanh công nghệ của Trung Quốc. Theo Tech In Asia, Bigo Live được hậu thuẫn bởi YY, một mạng xã hội video ở Trung Quốc của doanh nhân David Li.

Những nhà đầu tư khác bao gồm BAI (Bertelsmann Asia Investment Fund), Morningstar Capital và Gao Rong Capital. Tháng 3/2017, Bigo Live tiếp tục gọi được 400.000 USD cho vòng C từ Ping An Overseas Holdings (Trung Quốc).

 

Tương tự Tik Tok, Bigo Live cũng kiếm tiền từ quảng cáo, bán vật phẩm để khán giả tặng cho các nhân vật đang livestream. Sau một năm ra mắt, ứng dụng này thu hút được 70 triệu người dùng, chủ yếu 18-25 tuổi. Người dùng thường xuyên hàng tháng đạt 30 triệu. Thời gian trung bình mỗi người dùng bỏ ra cho nó là 40 phút mỗi ngày. Tương tự các mạng xã hội video mới nổi tại Đông Nam Á, Bigo Live không tiết lộ gì về doanh thu và các chi tiết tài chính khác.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo