Hỗ trợ doanh nghiệp

Mía đường mong đổi vận

Triển vọng của ngành mía đường trong trung hạn vẫn tốt, song có nhiều rào cản khiến các doanh nghiệp phải tái cơ cấu.
Kinh doanh bết bát
 
Là doanh nghiệp duy nhất trong ngành mía đường thuộc nhóm VN-30 (30 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa và thanh khoản lớn nhất trên thị trường chứng khoán), nhưng Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT) bị sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận trong quý I/2013 ở mảng cốt lõi.
 
Doanh thu thuần của Công ty tính đến hết quý 1/2013 đạt 500 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm doanh thu thuần xảy ra trong bối cảnh giá vốn tăng cao khiến lãi gộp giảm sâu 51%, còn 69,32 tỷ đồng.
 
Tương tự, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS) cho biết, lợi nhuận sau thuế trong quý I/2013 chỉ đạt 11,9 tỷ đồng, giảm 19,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012. Sản lượng đường của Công ty trong quý này đã giảm 31% so với cùng kỳ 2012.
 
Trong tình trạng kém sáng sủa hơn, Công ty cổ phần Đường Kon Tum (KTS) chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 2,76 tỷ đồng trong quý I/2013, giảm hơn 13 tỷ đồng so với quý I/2012. Theo Ban giám đốc Công ty, do giá đường bán ra đã giảm mạnh (ở mức trung bình 13.638 đồng/kg, giảm 2.225 đồng/kg), nên lợi nhuận của Công ty sụt giảm tới hơn 80%. Lượng đường bán ra cũng thấp hơn so với cùng kỳ, khiến doanh thu quý I/2013 của Công ty cũng giảm theo.
 
Luôn chiếm doanh thu và thị phần lớn nhất trên thị trường, nhưng Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (BHS) lại chưa công bố kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty khẳng định, năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn vì ngành đường sẽ phải đương đầu với sự mất cân đối cung cầu. Sản lượng đường sản xuất dự kiến tăng 22% đạt 1,59 triệu tấn trong vụ 2012-2013, trong khi nhu cầu tiêu thụ đường được dự báo chỉ đạt 1,4-1,5 triệu tấn…
 
Tái cơ cấu để bứt phá
 
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán KimEng, dư thừa nguồn cung của ngành đường chỉ mang tính chu kỳ. Lợi nhuận cho cả người trồng mía và các công ty mía đường bắt đầu sụt giảm trong năm 2012, khi chu kỳ của ngành mía đường đã đạt đỉnh.
 
Dữ liệu lịch sử của ngành này cho thấy, sự sụt giảm diện tích mía nguyên liệu sau khi đạt đỉnh thường chỉ kéo dài từ 1-2 năm trước khi hồi phục trở lại. Vì vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng, tình hình kinh doanh bắt đầu hồi phục trở lại từ năm 2014. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ đường từ các công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống (chiếm 57% nhu cầu ngành đường) sẽ tăng trưởng trở lại theo sự hồi phục của nền kinh tế và xu hướng tăng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu mới nổi.
 
Như vậy, triển vọng của ngành mía đường trong trung hạn vẫn tốt, song có rất nhiều rào cản buộc các doanh nghiệp phải tái cơ cấu. Trước hết là vấn đề chi phí sản xuất cao chủ yếu do chất lượng mía nguyên liệu thấp.
 
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá thành sản xuất đường tại Việt Nam cao hơn 40-50% so với Thái Lan. Điều này chủ yếu do chất lượng mía nguyên liệu thấp và quy mô quá nhỏ của các nhà máy đường trong nước.
 
Hiện quy mô bình quân của các nhà máy đường Việt Nam chỉ ở mức 3.400 tấn mía/ngày, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 6.000-8.000 tấn mía/ngày để các nhà máy đường có thể hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, quy mô bình quân của các nhà máy đường Thái Lan là 19.000 tấn mía/ngày, lớn hơn gấp 5,6 lần nhà máy đường Việt Nam.
 
Theo các doanh nghiệp, có hai cách để cải thiện tình trạng manh mún trên là tăng diện tích mía nguyên liệu/hộ nông dân và sáp nhập các nhà máy đường để nâng cao quy mô của mỗi nhà máy. Tuy nhiên, việc tăng diện tích mía nguyên liệu/hộ nông dân sẽ rất khó thực hiện vì họ thường chuyển sang các loại cây trồng khác có lợi nhuận cao hơn như sắn, cao su.
 
Như vậy, giải pháp hợp nhất các nhà máy đường nhỏ và không hiệu quả sẽ khả thi hơn. Ước tính, ngành đường Việt Nam cần giảm số lượng nhà máy từ 40 hiện tại xuống còn 21 nhà máy để có thể đạt được hiệu quả theo quy mô.
 
Thực tế, Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (TTC) đã gia tăng sở hữu và ảnh hưởng tại hàng loạt công ty mía đường như SBT, BHS, Đường La Ngà và Đường Phan Rang tại khu vực Đông Nam Bộ và tại SEC, NHS và Đường 333 tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Động thái sở hữu chéo và rối rắm này khiến dư luận cho rằng, TTC đang lũng đoạn thị trường, với 40% thị phần.
 
Tuy nhiên, những gì TTC làm đã phát huy hiệu quả khi các công ty đó dần dần có sự hỗ trợ nhau về nguồn nguyên liệu đầu vào nhờ khoảng cách rất gần nhau của vùng trồng mía nguyên liệu và nhà máy. Đặc biệt, việc hợp nhất sẽ giúp giảm bớt sự cạnh tranh về nguồn mía nguyên liệu đầu vào giữa các nhà máy đường, cạnh tranh với đường nhập lậu, giúp gia tăng lợi nhuận của các công ty.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo