Hỗ trợ doanh nghiệp

Một doanh nghiệp khoáng sản đưa 3,8 triệu cổ phiếu lên sàn HNX

(DNVN) - Ngày 18/1, CTCP Xây dựng Thương mại và Khoáng sản Hoàng Phúc đã chính thức đưa 3,8 triệu cổ phiếu HPM lên niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu.

Theo Sở GDCK Hà Nội, đây là cổ phiếu thứ 3 niêm yết tại HNX trong năm 2016, nâng tổng số công ty niêm yết hiện tại trên sàn Hà Nội lên 380 công ty.

Phát biểu tại lễ khai trương phiên giao dịch cổ phiếu HPM, bà Võ Thị Hà - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Thương mại và Khoáng sản Hoàng Phúc cho biết, việc niêm yết cổ phiếu trên HNX là một bước đi đã được vạch sẵn trong chiến lược phát triển của công ty, giúp HPM dễ dàng huy động vốn từ thị trường.

Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng Giám đốc HNX (bên trái) trao giấy chứng nhận đăng ký niêm yết cho lãnh đạo CTCP Xây dựng Thương mại và Khoáng sản Hoàng Phúc. Ảnh: HNX.

Được biết, HPM hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và khai thác khoáng sản tại tỉnh Lạng Sơn. Kể từ khi thành lập đến năm 2009, công ty chủ yếu sản xuất và phân phối quặng sắt tại Lạng Sơn và xuất khẩu sang một số tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, HPM còn sản xuất, phân phối các sản phẩm đá vôi, các sản phẩm này chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng doanh thu của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong năm 2014, toàn bộ doanh thu của công ty đều từ kinh doanh sản phẩm đá nghiền.

Công ty sở hữu hai mỏ khoáng sản sắt và đá vôi. Mỏ sắt có trữ lượng 18 triệu tấn, công suất khai thác 0,5 triệu tấn/năm và mỏ đá vôi có trữ lượng 35 triệu m3, công suất khai thác 1,2 triệu m3/năm. Cả hai mỏ khoáng sản này đều nằm cạnh Quốc lộ 4A đi Cao Bằng, cạnh các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Bình Nghi, Na Hình, Nà Nưa và cùng địa phận với 2 nhà máy sản xuất xi măng Lạng Sơn. Tổng diện tích khu mỏ trên 20 ha với nhiều điều kiện giao thông thuận lợi, phù hợp cho nhà đầu tư trong việc triển khai dự án với quy mô lớn.

Năm 2014, HPM đạt doanh thu thuần 4,9 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2013. Sau khi tăng vốn điều lệ trong năm 2015, doanh thu của công ty cũng tăng mạnh, đạt 6,2 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với số liệu năm 2014.

Trong năm vừa qua, HPM được cấp phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ Lũng Cùng, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn và được phép khai thác đá cung cấp ra toàn thị trường trong thời gian thực hiện 30 năm. Với diện tích mỏ 14ha và trữ lượng theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là 2,6 triệu m3 khai thác, mỏ đá có thể khai thác với công suất tương đương 85 nghìn m3/năm đá nguyên khối, tương đương với 125,3 nghìn m3/năm đá nguyên khai. Cùng với việc khai thác mỏ đá, HPM cũng tiến hành các hoạt động kinh doanh đá vôi, tận dụng dây chuyền công nghệ nghiền đá sẵn có.

 

Trong tương lai gần, nhu cầu tiêu thụ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường ở Việt Nam nói chung và Lạng Sơn nói riêng là rất lớn. Ngoài việc dùng làm vật liệu xây dựng và làm đường giao thông cung cấp cho địa phương, nhu cầu đá vôi của các tỉnh lân cận cũng tăng cao do nguồn tài nguyên ở các tỉnh lân cận Lạng Sơn khá hạn chế.

Theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 về quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, các tỉnh khu vực trung du và miền núi Phía Bắc (đây là thị trường chính của HPM) có nhu cầu đá xây dựng lớn thứ 3 cả nước với sản lượng tiêu thụ năm 2015 ước tính là 23 triệu m3 và có thể tăng lên 34 triệu m3 vào năm 2020. Lạng Sơn và Quảng Ninh là hai địa phương có nhu cầu tiêu thụ đá lớn nhất trong khu vực này.

Mặt khác, theo đề án của Bộ Giao thông Vận tải, cả nước sẽ hoàn thành thi công khoảng 2.500 km đường cao tốc cho tới năm 2020. Song song với đó, sự cải thiện khả quan của ngành bất động sản cũng đang hỗ trợ tích cực đối với các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Dự kiến đến năm 2017, thị trường văn phòng đón nhận 504.000 m2, tăng nguồn cung thêm 36% so với năm 2014. Đây đều là các nhân tố quan trọng sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các loại đá xây dựng tại các khu vực này trong thời gian tới.

Cũng trong năm 2015, HPM đã được Bộ Giao thông Vận tải cho phép tiến hành thử nghiệm sản phẩm nhựa đường đá cải tiến Button vào thị trường Việt Nam. Đây là loại nhựa đường có nguồn gốc từ Indonesia với nhiều tính năng ưu việt, đáp ứng tất cả khả năng bảo trì đường bộ trong mọi điều kiện thời tiết, đã được khai thác và sử dụng trong các công trình giao thông đường bộ ở nhiều nước trên thế giới.

Nên đọc
Văn Hải
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo