Năm 2015, vốn điều lệ VDB đạt 1 tỷ USD
Vào năm 2015, vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ đạt 20 ngàn tỷ đồng (gấp đôi so với hiện nay), tương đương 1 tỷ USD; đến năm 2020, định chế tài chính của Nhà nước này sẽ được nâng vốn điều lệ lên 30 ngàn tỷ đồng.
(Đầu Tư) Theo Quyết định 1245/QĐ-TTg về việc bổ sung vốn điều lệ cho VDB trong giai đoạn 2013-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc bổ sung vốn điều lệ cho VDB nhằm mục tiêu đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính theo đúng Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động của VDB theo hướng tăng tỷ trọng vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn hoạt động, nhằm cải thiện tính thanh khoản và giảm cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước.
Mức vốn điều lệ tăng thêm của VDB được xác định theo nguyên tắc, cơ cấu vốn chủ sở hữu bằng 10% dư nợ tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước (hệ số CAR là 10).
Để bảo đảm đủ vốn điều lệ 20 ngàn tỷ đồng vào năm 2015 và 30 ngàn tỷ đồng vào năm 2020, ngoài sử dụng nguồn tích lũy hàng năm của VDB để bổ sung tăng vốn, Bộ Tài chính sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để bổ sung vốn (như đối với các doanh nghiệp nhà nước khác), trong chi đầu tư phát triển hàng năm, ngân sách nhà nước sẽ bố trí nguồn cho định chế tài chính đặc biệt này tăng vốn điều lệ.
Theo Quyết định 369/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 2/2013, thì tốc độ tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2013 - 2020 của VDB đạt khoảng 10%/năm; sau năm 2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng được xác định phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Với tốc độ tăng trưởng như vậy, vào năm 2020, quy mô tài sản của định chế tài chính này đạt khoảng 500 ngàn tỷ đồng.
Cùng với việc nâng vốn điều lệ, nâng quy mô, mở rộng hoạt động, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu VDB nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt là công tác thẩm định, giải ngân, quản lý thu hồi nợ; xây dựng cơ chế phân loại nợ xấu phù hợp với tính chất hoạt động; xây dựng cơ chế trích lập dự phòng rủi ro và các biện pháp xử lý nợ xấu; tích cực thu hồi nợ và xử lý rủi ro nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 7% vào năm 2015, từ 4% - 5% vào năm 2020; tỷ lệ nợ xấu trong giai đoạn 2020 - 2030 ở mức dưới 3%.
VDB phải tập trung vốn tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp nông thôn; xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và công nghệ xanh; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Hoạt động tín dụng xuất khẩu được tập trung vào những ngành hàng quan trọng đem lại giá trị xuất khẩu cao, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước đồng thời đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm cấp bù từ ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao VDB phối hợp với các bộ ngành hữu quan hoàn thiện nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn của các tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện để VDB nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô bảo lãnh và tăng cường quản trị rủi ro.
Nghiên cứu thực hiện nghiệp vụ cho vay thoả thuận tự bù đắp chi phí đối với các đối tượng đang có quan hệ vay vốn tại VDB nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tạo điều kiện cho VDB từng bước đảm bảo cân đối tự chủ tài chính, hạn chế cấp bù ngân sách nhà nước.
Việc cho vay thoả thuận phải đảm bảo nguyên tắc cân đối được nguồn vốn huy động để cho vay và không ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước được giao hàng năm và đảm bảo có hiệu quả, thu hồi được vốn.
Liên quan đến việc bổ sung nguồn vốn cho VDB trong nâm 2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh cho biết, nguồn lực của Ngân sách Trung ương trong năm 2012 còn lại chỉ có trên 4.713 tỷ đồng. Trong đó, phải bù giảm thu 1.500 tỷ đồng; thưởng vượt thu cho ngân sách địa phương và hỗ trợ đầu tư trở lại cho các tỉnh có cửa khẩu quốc tế đường bộ 283 tỷ đồng; bù giảm thu cân đối năm 2012 của ngân sách địa phương 1.937 tỷ đồng.
Sau khi chi các khoản kể trên, nguồn lực còn lại của Ngân sách Trung ương từ năm 2012 chuyển sang năm 2013 chỉ có 993 tỷ đồng, nên chỉ có thể bố trí 800 tỷ đồng để bổ sung cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho VDB và 193 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.
“Nhu cầu kinh phí cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của VDB đến hết năm 2012 khoảng 7.968 tỷ đồng, trong khi nguồn thanh toán đã bố trí chỉ có gần 2.772 tỷ đồng, còn thiếu nguồn khoảng 5.196 tỷ đồng cần phải tiếp tục tìm nguồn xử lý trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước năm 2013 và các năm tiếp theo”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
Mạnh Bôn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo