Năm 2016, nhiều nghệ sĩ Việt qua đời để lại nỗi tiếc thương
NSƯT Lương Minh
Phó ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam bất ngờ bị đột quỵ vào tối 28/2 và ra đi ở tuổi 49, để lại nhiều xót xa và tiếc nuối đối với gia đình, đồng nghiệp và người yêu mến ông.
NSƯT Lương Minh sinh năm 1967 tại Hà Nội. Anh thuộc thế hệ nhạc sĩ trẻ được đào tạo tại Khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội. Anh là thành viên sáng lập của Ban Nhạc nhẹ Hoa Sữa vào năm 1987 và bắt đầu công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 1997.
Lương Minh là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Hãy mãi là em nhé, Trao em trọn tình yêu, Câu ru chiều, Mùa thu, Chiếc lá, Lời ru năm 2000... Anh từng tổ chức thành công nhiều chương trình ca nhạc trên sóng truyền hình như: Bài hát Việt, The Remix...
Sáng 15/3, nhiều nghệ sĩ và khán giả không khỏi bàng hoàng khi nghe tin nhạc sĩ “Một mình” qua đời sau 12 ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, hưởng thọ 68 tuổi.
Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh năm 1948 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Năm 6 tuổi, ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên năm 1971, khi mới 23 tuổi. Trở về nước, Thanh Tùng đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II từ 1971 tới 1975.
Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Một mình, Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về...
Ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập
Thông tin Trần Lập đột ngột ra đi hôm 17/3 gây sốc nhất cho khán giả. Thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường qua đời ở tuổi 42 sau hơn bốn tháng chiến đấu với bệnh ung thư trực tràng.
Sinh thời, Trần Lập cùng ban nhạc Bức Tường là thần tượng của nhiều thế hệ sinh viên nhờ thứ âm nhạc mang tinh thần, khát vọng, đam mê của tuổi trẻ. Anh ra đi khiến bạn bè rơi lệ còn người hâm mộ cả nước tiếc thương.
Hàng nghìn người đã đến đưa tiễn nam ca sĩ trong nước mắt và những giai điệu quen thuộc của nhóm Bức Tường. Sự mạnh mẽ, lạc quan của Trần Lập trong thời gian mang bệnh cũng khiến nhiều người cảm động.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Người nghệ sĩ gạo cội Nguyễn Ánh 9 qua đời ngày 14/4, hưởng thọ 78 tuổi. Ông tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1939 tại Phan Rang.
Nhiều nhạc phẩm của ông rất được khán giả yêu mến: Tình yêu đến không giã từ, Mênh mông tình buồn, Cho người tình xa, Cô đơn, Buồn ơi chào mi, Không 1, Không 2, Ai đưa em về, Tình khúc chiều mưa…
NSƯT Hán Văn Tình
NSƯT Hán Văn Tình đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 4/9 tại nhà riêng ở Hà Nội sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 59 tuổi.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình sinh năm 1957 tại Văn Lang, Tam Nông, Phú Thọ, học Trường đào tạo Sân khấu ở Hà Nội từ năm 1973. Sau khi tốt nghiệp về Đoàn tuồng Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam), ông giữ cương vị đoàn trưởng đoàn 2.
Ông nổi danh với các vai Lý Đại Hỷ trong vở “Hoàng hôn đen”, ngự y trong vở “Tiếng thét giữa hoàng cung”, Hạng Võ trong trích đoạn “Hạng Võ Bại Ô Giang”, sứ nhà Nguyên trong vở “Trần Hưng Đạo”, Thổ Công trong “Bạch Tinh”… Năm 1999, ông được tặng thưởng huy chương “Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam” của Hội nghệ sĩ sân khấu.
Ca sĩ Minh Thuận
Ngày 18/9, ca sĩ Minh Thuận qua đời vì ung thư phổi ở tuổi 50. Nam ca sĩ Chiếc thuyền nan, Cô bé dỗi hờn, Thất tình được đồng nghiệp đánh giá là người hiền lành, từ tốn, yêu nghề với tất cả đam mê chứ không so đo, tính toán thiệt hơn.
Anh luôn nhìn nhận mọi chuyện dưới con mắt điềm tĩnh, an nhiên. Trước khi nhắm mắt, Minh Thuận vẫn cố động viên bạn bè vui sống. Có lần, Phương Thanh vào thăm, anh xin giấy viết nguệch ngoạc dòng chữ gửi cho bạn: "I love Phương Thanh. Cuộc đời thật vui vẻ nhé". Nhiều người hâm mộ đã rơi nước mắt vì khát khao sống của người nghệ sĩ.
NSND Thanh Tòng
NSND Thanh Tòng – “cây đại thụ” của nền cải lương Việt Nam đã qua đời vào sáng 22/9 tại nhà riêng ở TP. HCM, hưởng thọ 68 tuổi. Ông sinh năm 1948 tại Sài Gòn, NSND Thanh Tòng tên thật là Nguyễn Thanh Tòng.
Một số vở mang dấu ấn của ông: Thanh gươm và nữ tướng, Gió lộng bến Bình Than, Dưới cờ Tây Sơn, Bao Công vô lò gạch tra án Quách Hòe…
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn qua đời ngày 7/10, hưởng thọ 87 tuổi. Đại tá, NSƯT, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh 1929 tại Hà Nội. Ông được biết đến như một trong những nghệ sĩ hiếm hoi thành công trrên cả hai lĩnh vực âm nhạc và hội hoạ.
Ông có nhiều ca khúc để đời: Quê em miền Trung du, Hà Nội một trái tim hồng, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Chiều trên bến cảng, Tình em biển cả, Mời anh đến thăm quê tôi, Khâu áo gửi người chiến sĩ...
NSƯT Phạm Bằng
NSƯT Phạm Bằng qua đời vào ngày 31/10, hưởng thọ 85 tuổi. Ông sinh năm 1931 tại Hà Nội. Khán giả nhớ đến ông với vai diễn ấn tượng. Phạm Bằng đoạt hai Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc (vai Lý Trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và vai Thương trong “Mớ đời Thương”.
NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông vừa là nghệ sĩ sân khấu vừa diễn hài kịch. Ông nổi tiếng với các vai diễn hài mang lại tiếng cười cho nhiều tầng lớp khán giả.
NSƯT Út Bạch Lan
NSƯT Út Bạch Lan qua đời ngày 5/11, hưởng thọ 81 tuổi. Nghệ sĩ Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935, tại Long An.
Bà gây tiếng vang, ghi dấu ấn qua các vai diễn trong nhiều vở tuồng nổi tiếng như: Nửa đời hương phấn, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp thành Bát Đa...
NSƯT Quang Lý
NSƯT Quang Lý đột ngột qua đời sáng 1/12 tại nhà riêng ở TPHCM. Rất nhiều người thân, nghệ sĩ và người hâm mộ đã hết sức bàng hoàng trước sự ra đi của nam nghệ sĩ này.
Trong làng nhạc, nghệ sĩ Quang Lý là một trong những giọng ca được yêu thích nhất của dòng nhạc trữ tình Việt Nam từ sau 1975. Hơn 40 năm ca hát, NSƯT Quang Lý trung thành với phong cách trữ tình. Giọng hát trầm ấm của ông đã đưa nhiều nhạc phẩm như Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Sao em nỡ vội lấy chồng... thấm sâu vào lòng nhiều khán giả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo