Hỗ trợ doanh nghiệp

Nâng cao vị thế doanh nghiệp bằng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến

Tại chương trình giao lưu trực tuyến: “Nâng cao vị thế doanh nghiệp bằng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến” do Chất lượng Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia nhận định, doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều bất lợi trước ngưỡng cửa gia nhập “Cộng đồng kinh tế ASEAN" cũng như tham gia một số các hiệp định như: Hiệp định Việt Nam - EU FTA và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

Doanh nghiệp bất lợi trước ngưỡng hội nhập

 

Trả lời cho câu hỏi vị thế của doanh nghiệp Việt Nam khi chuẩn bị gia nhập “Cộng đồng kinh tế ASEAN" vào cuối năm nay và tiếp theo đó là tham gia một số các hiệp định như: Hiệp định Việt Nam - EU FTA và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), PGS -TS Trương Đoàn Thể - Phó Viện trưởng Viện Sau Đại học - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có vị thế tương đối bất lợi trừ một vài ngành như: các doanh nghiệp may mặc Việt Nam lại có nhiều lợi thế do những năm qua đã có sự chuẩn bị khác tích cực trong việc triển khai áp dụng các hệ thống, công cụ cải tiến chất lượng. Trước mắt hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước trong khu vực ASEAN mà trực tiếp nhất lại hàng hóa từ Thái Lan.
 
Với vị trí địa lý gần Việt Nam, chi phí vận chuyển cũng không lớn nên sự cạnh tranh giữa hàng Thái Lan và hàng Việt Nam sẽ rất gay gắt. Trong cuộc cạnh tranh này những doanh nghiệp yếu kém không có sự cải tiến kịp thời để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm có thể sẽ phá sản. Tuy nhiên, cũng qua cạnh tranh tôi tin rằng sau một thời gian những doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và áp dụng hệ thống quản lý hiện đại sẽ vượt qua và giữ được vị thế trên thị trường.
 
Đồng ý kiến, ông Phạm Minh Thắng - Chuyên gia tư vấn - GĐ Công ty Tư vấn Giải pháp quản lý Năng suất Chất lượng nhận định, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo ra những cơ hội lớn nhưng cũng mang đến sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt đến tận cổng các doanh nghiệp Việt Nam. Bức tranh hiện tại cho thấy năng suất chất lượng của cả nền kinh tế và năng suất lao động của chúng ta hiện nay đang thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực. Các doanh nghiệp của chúng ta đang ở vị thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh về năng suất chất lượng do một số nguyên nhân như hạn chế về quy mô, trình độ chất lượng và công nghệ thấp, thực hành quản trị và điều hành doanh nghiệp thiếu hiệu quả.
 
 
Toàn cảnh buổi giao lưu
 
Ngoài ra, ở môi trường kinh doanh vĩ mô, các doanh nghiệp Việt Nam gặp bất lợi về khả năng tiếp cận nguồn vốn và chi phí sử dụng vốn cao; thể chế và các thủ tục hành chính còn chưa thực tinh giản; chất lượng nguồn lao động còn hạn chế; sự cạnh cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại nước ngoài và của doanh nghiệp nước ngoài sản xuất ở Việt Nam; xu hướng tăng yếu tố nước ngoài về sở hữu và điều hành các hệ thống bán lẻ và phân phối. 
 
Lợi ích khi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng
 
Khẳng định doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi ích hơn khi áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ nâng cao năng suất, PGS -TS Trương Đoàn Thể diễn giải, khi áp dụng hệ thống quản lý, khả năng thâm nhập thị trường nước ngoài của doanh nghiệp sẽ rất lớn nhờ áp dụng các hệ thống quản lý mang tính quốc tế giúp doanh nghiệp vượt qua được những rào cản kỹ thuật, trong khi đó có thực lực để giảm chi phí nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa, giảm chi phí sản xuất.
 
Bên cạnh đó, những lợi thế về giảm rào cản thuế quan sẽ phát huy tối đa tác dụng với các doanh nghiệp này. Đơn cử, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn và cơ hội lớn hơn trong phát triển, vì trong thực tế các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất tích cực cho điều này. Hầu hết các doanh nghiệp may mặc đã áp dụng những hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong thời gian qua.
 
Ông Phạm Minh Thắng cũng cho rằng, việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng một cách hiệu quả giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở cải tiến hiệu suất hoạt động, phát triển năng lực đội ngũ nhân sự, hình thành và củng cố văn hóa doanh nghiệp về năng suất chất lượng. Qua các nhóm giải pháp này, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận đến mức độ năng lực cạnh tranh về mặt chất lượng, hiệu suất, nhân sự và văn hóa doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong khu vực. Tôi tin rằng với xu hướng tích cực này, trong một số năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể có nhiều mô hình điểm với các thực hành quản lý năng suất và chất lượng ở tầm thế giới.
Theo DĐDN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo