Nga tung "nước cờ hiểm" đối phó lá chắn tên lửa Mỹ
Tin tức trên báo TTXVN, phát biểu tại một cuộc họp với giới chức quân sự ngày 13/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai tại châu Âu là một mối đe dọa an ninh, đồng thời cảnh báo Moskva sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để duy trì sự cân bằng chiến lược.
Hãng thông tấn AP dẫn lời ông Putin nêu rõ Nga sẽ không để bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang, song sẽ điều chỉnh các kế hoạch hiện đại hóa quân đội để vô hiệu hóa những mối đe dọa đối với an ninh của Nga và "sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo đảm và duy trì sự cân bằng chiến lược."
Tổng thống Nga đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Mỹ chính thức kích hoạt "lá chắn tên lửa" đặt tại một căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam Romania. Hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực châu Âu.
Trên thực tế, nước Nga đã có sẵn những “nước cờ hiểm” trong tay để trả đũa Mỹ và NATO. Theo tờ Inside the Ring, đòn đáp trả hiệu quả nhất của Nga lúc này là hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 sắp được đưa vào trang bị. Báo An ninh thủ đô thông tin.
Những thông tin ít ỏi được tiết lộ cho biết, RS-26 dài khoảng 12m và chủ yếu trang bị trên bệ phóng di động. Nó có trọng lượng phóng khoảng 60 tấn và tầm bắn tối thiểu 2.000km, tối đa trên 10.000km.
RS-26 được trang bị công nghệ tiên tiến như kỹ thuật dẫn đường đa phương thức, chủ động giúp tăng mức độ tấn công chính xác mục tiêu và độ bảo mật tốt hơn. Khi tấn công mục tiêu, các đầu đạn của RS-26 được tách ra khỏi tầng cuối cùng của tên lửa. Quỹ đạo bay phức tạp cùng vận tốc cực nhanh của các đầu đạn này có thể đánh bại mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu.
Con bài thứ hai của Nga là vũ khí siêu thanh U-71 mà Nga đang thử nghiệm. Việc phát triển U-71 nằm trong dự án tuyệt mật có tên gọi “Dự án 4202” và là một phần kế hoạch của Nga nhằm hiện đại hóa lực lượng tên lửa chiến lược của nước này. U-71 đã trải qua hàng loạt các cuộc thử nghiệm trong 10 năm qua tại sân bay vũ trụ Baikonur và khu phức hợp tên lửa Dombarovsky.
Tờ Thời báo Washington của Mỹ nhận xét rằng, lợi thế của U-71 là tốc độ và khả năng di chuyển. U-71 có thể đạt tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh (trên 12.000 km/h). Đặc biệt, U-71 có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân và được thiết kế với quỹ đạo bay phức tạp để vượt qua hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Trong cuộc thử nghiệm gần đây nhất, U-71 được phóng lên bầu khí quyển Trái đất, cách mặt đất 100 km. Với các con bài trên, nước Nga đủ sức đối phó với Mỹ và NATO. Trong tương lai, dù Mỹ và NATO có triển khai tiếp một hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan tương tự như ở Romania, đồng thời bổ sung cho các hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải, thì “lá chắn tên lửa châu Âu” vẫn khó có thể vô hiệu hóa được đòn tấn công của Nga.
End of content
Không có tin nào tiếp theo