Hỗ trợ doanh nghiệp

Ngẫm về phương châm "DN phát tài, Lào Cai phát triển"

Hạn chế về thủ tục hành chính và năng lực điều hành, nhưng nếu cải thiện tốt cả trong tư duy và hành động như tỉnh Lào Cai đã làm được, Tây Bắc sẽ có động lực để phát triển trong các năm tới. Chính phương châm "Doanh nghiệp phát tài thì Lào Cai phát triển”, cho thấy sự thay đổi trong cách nhìn, cách tư duy, chuyển doanh nghiệp từ đối tượng quản lý sang thành đối tác đồng hành.

 Những nguyên nhân khiến các tỉnh Tây Bắc khó thu hút đầu tư mà Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ nêu ra tại Hội nghị Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư vào Tây Bắc, tổ chức tại Phú Thọ ngày 14/12 hoàn toàn không mới.

 
Đó vẫn là những vấn đề tồn tại dai dẳng, đã từng được nêu ra tại rất nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trước đó, như: hạ tầng cơ sở vật chất - kỹ thuật, điều kiện kinh tế, giao thông và chất lượng nguồn nhân lực kém phát triển. Dù chính quyền các tỉnh Tây Bắc đã có nhiều nỗ lực cải thiện đi kèm với các chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi nhưng Tây Bắc gần như vẫn là điểm trũng trong thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
 
Với mong muốn thay đưa Tây Bắc thoát khỏi vùng trũng, ông Cừ cho biết, các tỉnh Tây Bắc đang trình Chính phủ xét duyệt cho Tây Bắc được áp dụng cơ chế đặc thù với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư dưới sàn để bù cho những điều kiện hạn chế khách quan của vùng.
 
Lào Cai đã cho thấy sự thay đổi trong cách nhìn, cách tư duy, chuyển doanh nghiệp từ đối tượng quản lý sang thành đối tác đồng hành
 
Nhìn nhận tổng thể các tồn tại của Tây Bắc, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền các địa phương trong vùng phải tập trung cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
 
“Bởi nhà đầu tư không thể tự làm tất cả mọi việc. Sẽ không có nhà đầu tư nào đổ tiền vào Tây Bắc nêu họ mất khoản đầu tư lớn cho dây chuyền sản xuất kinh doanh hiện đại mà nhân lực không có hoặc chất lượng không đảm bảo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Ông cũng cho rằng, tăng thêm các chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù để bù cho các hạn hạn chế khách quan cũng có thể tạo thêm sự khác biệt nhưng cũng luôn là con dao hai lưỡi nên Chính phủ sẽ phải cân nhắc. Điều quan trọng để thay đổi được cái nhìn của nhà đầu tư, bên cạnh những vấn đề đã nói ở trên, cốt yếu là Tây Bắc phải cải thiện được năng lực cạnh tranh, cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính cũng như thay đổi quan điểm điều hành của chính quyền đối doanh nghiệp.
 
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, kết quả nghiên cứu của VCCI về môi trường đầu tư kinh doanh với các địa phương trên cả nước cũng như các tỉnh Tây Bắc cũng cho thấy, sự hài lòng về chính sách điều hành và thủ tục hành chính mới là yếu tố chính tác động đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
 
Đáng buồn là, những vấn đề này thể hiện trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tây Bắc lại đang ở mức rất thấp. Kết quả phân tích chỉ số PCI năm 2012 cho thấy, cả nước chỉ có ba tỉnh thuộc nhóm có năng lực cạnh tranh “tương đối thấp” đều rơi vào Tây Bắc, là các tỉnh: Cao Bằng, Tuyên Quang và Điện Biên. Đa phần các tỉnh còn lại của vùng đều có điểm số và thứ hạng rất khiêm tốn, chỉ có hai điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung của cả vùng là Lào Cai và Thái Nguyên.
 
Điều khiến hai địa phương này tạo được sự khác biệt chính là bộ máy chính quyền đã tạo được sự thay đổi đáng kể trong tư duy chỉ đạo, điều hành đối với doanh nghiệp. Cụ thể như với Lào Cai, chính quyền địa phương đã đưa ra khẩu hiệu “Doanh nghiệp phát tài thì Lào Cai phát triển”, cho thấy sự thay đổi trong cách nhìn, cách tư duy, chuyển doanh nghiệp từ đối tượng quản lý sang thành đối tác đồng hành.
 
Từ đây, chính quyền địa phương có thể xác định rõ trách nhiệm và công việc cụ thể cho từng đơn vị khi đồng hành cùng doanh nghiệp. Ngoài ra, hai địa phương nói trên cũng đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ trong cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
 
Theo ông Lộc, các địa phương khác của Tây Bắc phải nhìn vào kết quả này để nỗ lực hơn nữa trong cải cách hành chính, không phải chỉ hô khẩu hiệu mà phải đưa ra những con số và thời gian cụ thể cho việc cắt giảm các thủ tục rườm rà.
 
Bên cạnh đó, phải có các cuộc điều tra về năng lực cạnh tranh tới tận huyện, thậm chí cấp xã để đo đạc cụ thể những đánh giá của doanh nghiệp về cải cách hành chính, qua đó mới có được cái nhìn trực diện nhất trong chỉ đạo điều hành. Dù hạn chế về thủ tục hành chính và năng lực cạnh tranh đang là hạn chế, nhưng nếu cải thiện được như Lào Cai và Thái Nguyên, sẽ tạo dư địa tốt cho phát triển Tây Bắc trong tương lai.
 
Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp cũng cho rằng, muốn thu hút đầu tư, chính quyền các tỉnh Tây Bắc cũng cần xây dựng hệ thống cơ sở thông tin thông suốt thông qua các cổng thông tin điện tử để doanh nghiệp có thể dễ dàng nắm bắt các chính sách cũng như dự án đầu tư. Thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp. Có như vậy, nhà đầu tư mới có cơ sở để tính toán, cân nhắc bài toán đầu tư vào địa phương.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo