Hỗ trợ doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước TP.HCM: Khai thác và sử dụng tối ưu nguồn lực phát triển Thành phố

Hai năm qua, tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng trưởng bình quân 19,41%/năm, tín dụng trung và dài hạn luôn duy trì ở mức trên 50% tổng dư nợ, tập trung vào 5 nhóm ngành nghề, lĩnh vực tiên, góp phần thúc đẩy kinh tế Thành phố phát triển.

Việc huy động và sử dụng nguồn lực để đầu tư phát triển TP.HCM của ngành ngân hàng trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 được thực hiện trên 3 phương diện chính.

Một là, huy động vốn từ tổ chức, cá nhân và sử dụng nguồn vốn này để cho vay doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh… nhằm mở rộng và phát triển sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế TP.HCM tăng trưởng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM.

Hai là, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM gắn liền với việc thực hiện các chương trình tín dụng như cho vay kích cầu đầu tư; cho vay chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cho vay khu chế xuất, khu công nghiệp; cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ; cho vay nhà ở xã hội…

Ba là, thực hiện 7 chương trình đột phá của Thành phố, trong đó, trực tiếp tham gia chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016-2020.

Huy động nguồn lực đầu tư

Trong 2 năm qua (2016-2017), quy mô nguồn vốn huy động trên địa bàn TP.HCM liên tục tăng, đến cuối năm 2017 đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 28% so với cuối năm 2015. Kết quả này tạo điều kiện thuận lợi cho ngành ngân hàng đẩy mạnh tín dụng để hỗ trợ kinh tế Thành phố tăng trưởng và phát triển. Tín dụng tăng trưởng bình quân 19,41%/năm.

Quy mô dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM ở mức cao, trên 1,7 triệu tỷ đồng (cao nhất cả nước và luôn chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 dư nợ tín dụng của cả nước), đã góp phần quan trọng trong đầu tư và phát triển kinh tế Thành phố, thông qua các hoạt động cho vay sản xuất - kinh doanh, hoạt động đầu tư.

 

Tín dụng trung và dài hạn, với cơ cấu luôn duy trì ở mức trên 50% tổng dư nợ, đã góp phần quan trọng trong quá trình đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như triển khai thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Thành phố.

Diện mạo đô thị TP.HCM ngày càng trở nên phong quang hơn.

Ngoài ra, thông qua hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương, ngành ngân hàng TP.HCM gián tiếp cho vay nền kinh tế nói chung và Thành phố nói riêng. Theo đó, tổng vốn đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương của các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2017 đạt 10.828,3 tỷ đồng, tăng 3,7 lần so với cuối năm 2016. Tính đến cuối tháng 2/2018, tổng vốn đầu tư vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 5.863,2 tỷ đồng.

Về tình hình thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, UBND TP.HCM và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trước hết là cho vay đối với các dự án kích cầu theo chương trình của UBND TP.HCM, đến cuối tháng 2/2018, dư nợ cho vay là 895,06 tỷ đồng với 22 dự án, trong đó cho vay để đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ là 26,4 tỷ đồng.

Chương trình cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ đến cuối năm 2017 đạt 76.243 tỷ đồng với 1,29 triệu khách hàng còn dư nợ, tăng 25% so với cuối năm 2016, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 61%, dư nợ trung và dài hạn chiếm tỷ trọng 39%.

Dư nợ cho vay trong khu công nghiệp, khu chế xuất đến cuối tháng 2/2018 là 124.919 tỷ đồng với 3.204 khách hàng vay vốn, trong đó, cho vay để đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ là 11.383 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ngắn hạn là 87.331 tỷ đồng với 2.066 khách hàng, chiếm tỷ trọng 70%. Dư nợ cho vay trung và dài hạn là 37.588 tỷ đồng với 1.138 khách hàng, chiếm tỷ trọng 30%.

 

Chương trình cho vay nhà ở xã hội, trong đó cho vay hỗ trợ nhà ở (gói 30.000 tỷ đồng) trên địa bàn TP.HCM đã được các ngân hàng thương mại triển khai đồng bộ và tích cực. Lũy kế đến cuối năm 2016, số lượng khách hàng được tiếp cận nguồn vốn vay là 10.841 khách hàng, doanh số giải ngân cho vay lũy kế toàn chương trình đạt 7.212 tỷ đồng. Đến cuối tháng 2/2018, dư nợ cho vay chương trình còn khoảng 5.081 tỷ đồng với 10.270 khách hàng. Đối với khách hàng là các doanh nghiệp, dư nợ còn 616 tỷ đồng tại 6 dự án. Đối với cá nhân, hộ gia đình, dư nợ còn 4.465 tỷ đồng với 10.264 khách hàng.

Các ngân hàng đã làm tốt nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế Thành phố.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Mặc dù dành nguồn vốn cho tất cả các lĩnh vực, nhưng ngành ngân hàng tập trung vào 5 lĩnh vực, nhóm ưu tiên. Cùng với các chương trình tín dụng khác như cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu, chương trình tín dụng này đã đạt được hiệu quả tích cực và hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng gồm doanh nghiệp, các hộ kinh doanh với cơ chế lãi suất ưu đãi: Áp dụng lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 6,5%/năm.

Tính đến cuối tháng 2/2018, dư nợ chương trình cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên là 162.174 tỷ đồng. Trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn 25.387 tỷ đồng, cho vay xuất khẩu 22.204 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 105.812 tỷ đồng, cho vay công nghiệp hỗ trợ 8.579 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 192 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cũng đạt hiệu quả cao. Đến cuối năm 2017, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM đã tổ chức triển khai chương trình kết nối với kết quả: Kết nối theo chuyên đề và tổ chức ký kết tại các quận, huyện đạt 79.347,6 tỷ đồng cho 1.761 khách hàng; kết nối giải ngân gói tín dụng của 16 ngân hàng thương mại số tiền là 244.280 tỷ đồng cho 15.648 khách hàng. Như vậy, tổng số tiền kết nối trên địa bàn đến cuối năm 2017 đạt 323.627,6 tỷ đồng cho 17.409 khách hàng.

 

Đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM đã triển khai kế hoạch thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó đăng ký gói tín dụng cho các ngân hàng thương mại năm 2018. Đến nay, đã có 15 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gói tín dụng với số tiền đăng ký giải ngân 258.154 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM còn triển khai thực hiện chương trình kết nối theo chuyên đề lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, với chương trình bình ổn giá năm 2017-2018, trên địa bàn TP.HCM có 9 tổ chức tín dụng tham gia cho vay, tổng hạn mức tín dụng đăng ký là 18.170 tỷ đồng, tăng 5.270 tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2017. Đến tháng 2/2018, dư nợ cho vay chương trình là 433,4 tỷ đồng với 21 doanh nghiệp vay vốn (tương ứng tổng hạn mức đạt 3.589 tỷ đồng).

Nâng cao năng lực cạnh tranh của tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM tiếp tục thực hiện chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016-2020 của ngành ngân hàng Thành phố, được triển khai thực hiện thông qua 2 hoạt động.

Thứ nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng cho chính các tổ chức tín dụng và hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế với vai trò là tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính - ngân hàng. Cụ thể, tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính gắn với việc đổi mới và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, phát triển dịch vụ ngân hàng, mở rộng và phát triển quy mô hoạt động… Quá trình này gắn liền với hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu.

 

Vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2013-2017. Hiện nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang từng bước áp dụng chuẩn mực quốc tế Basel I và II trong hoạt động ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng đáp ứng được các tiêu chuẩn và tỷ lệ về an toàn vốn, đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các chuẩn mực quốc tế, đảm bảo hoạt động ngân hàng tăng trưởng an toàn và bền vững. Tốc độ tăng vốn điều lệ bình quân giai đoạn này đạt 4,8%.

Mặt khác, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng cũng liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2013-2017, bình quân đạt 12,5%. Đến cuối năm 2017, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 13,35% so với cuối năm 2016 và gấp 1,8 lần so với cuối năm 2012.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở nâng cao năng lực quản trị điều hành, khai thác và sử dụng các nguồn lực hợp lý, hiệu quả; nâng cao chất lượng dịch vụ và đổi mới mô hình giao dịch, tiết giảm chi phí đầu vào để giảm chi phí đầu ra, giảm lãi suất và nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng trưởng lợi nhuận.

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kế hoạch đề ra trong kế hoạch tổng thể chung phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2016-2020, với 5 nhóm nhiệm vụ: Tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại trên địa bàn hoạt động có hiệu quả, bền vững, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ ngân hàng; triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo chung của ngành ngân hàng nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; hiện đại hóa hệ thống thanh toán, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng phổ biến và an toàn các loại thẻ thanh toán điện tử trong giao dịch; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu phát sinh; thực hiện tốt công tác quản lý thị trường vàng và thị trường ngoại hối.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ về mở rộng và phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn trong chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016-2020.

 

Nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn gắn với 2 nhiệm vụ chính: Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc thực hiện Chương trình hành động 1355 của Ngân hàng Nhà nước nhằm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ và Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh. 

Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM đã phối hợp, hỗ trợ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM triển khai, phổ biến và tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn Thành phố.  Theo đó, Vietcombank đã thống nhất sẽ cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM hợp tác, phối hợp toàn diện trong công tác hỗ trợ và cho vay đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với chi phí sử dụng vốn cạnh tranh, tiết giảm thủ tục cho vay vốn.

Vietcombank với sự hỗ trợ thẩm định chuyên sâu về phương án tài chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ giúp Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đánh giá chi tiết về tính khả thi của dự án bên cạnh các yếu tố thẩm định tổng quan khác về tác động kinh tế - xã hội.

Hiện nay, có 8 dự án đang được hỗ trợ vay vốn theo chương trình hợp tác này:

- Dự án đầu tư xây dựng đường trục Bắc Nam, quy mô vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng.

 

- Dự án đầu tư xây dựng đường Nguyễn Tất Thành, quy mô vốn đầu tư 4.669 tỷ đồng.

- Dự án đầu tư xây dựng đường song hành phía Nam cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2), quy mô vốn đầu tư 869 tỷ đồng.

- Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Quận 2, quy mô vốn đầu tư 226 tỷ đồng.

- Dự án đầu tư xây dựng Khu dịch vụ số 1 - Bệnh viện Nhi Đồng 1, quy mô vốn đầu tư 800 tỷ đồng.

- Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Tân Phú, quy mô vốn đầu tư 973 tỷ đồng.

 

- Dự án đầu tư, nâng cấp và vận hành các trạm y tế phường tại Quận 3, quy mô vốn đầu tư 100 tỷ đồng.

- Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm y tế dự phòng Quận 7, quy mô vốn đầu tư 99 tỷ đồng.

Nên đọc
Theo Đầu tư Chứng khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo