Nghỉ lễ dài ngày, doanh nghiệp “méo mặt”
Mấy năm gần đây, các kỳ nghỉ lễ, nghỉ Tết luôn được sắp xếp, làm bù để kỳ nghỉ kéo dài hơn. Thế nhưng, người lao động vui mừng bao nhiêu thì doanh nghiệp (DN) lại “méo mặt” bấy nhiêu.
Tăng chi lương, thưởng
Cầm trên tay tờ dự chi tháng 4 trình lãnh đạo, chị Quỳnh Lưu, kế toán trưởng Công ty TNHH Meotis cho hay, do phát sinh kỳ nghỉ dài 6 ngày (gộp ngày nghỉ Giỗ tổ, ngày 30/4 và 1/5) nên Công ty phát sinh chi phí tiền lương trong tháng này. “Nhân sự đi làm vào những ngày nghỉ đã được Chính phủ cho phép, thì DN phải trả lương tăng thêm theo chế độ đi làm ngoài giờ, ngày nghỉ. Dù được hưởng lương tăng thêm, nhưng nhiều nhân sự vẫn muốn nghỉ, nên những dịp thế này, Công ty phải bố trí nhân sự khó khăn hơn”, chị Lưu nói.
Ngoài ra, theo chị Lưu, ngay cả khi DN vẫn duy trì hoạt động trong kỳ nghỉ lễ, thì hoạt động của DN cũng không suôn sẻ khi các cơ quan hành chính, thuế, giao vận, hải quan... đang nghỉ lễ. Điều này gây khó khăn cho các DN.
Với chủ trương hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần vào các dịp nghỉ lễ, năm 2015, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tại Việt Nam đã có các dịp nghỉ dài: Dịp nghỉ Tết Dương lịch (4 ngày), dịp nghỉ Tết Nguyên đán (9 ngày), Ngày Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày Chiến thắng 30/4, Ngày Quốc tế lao động 1/5 (6 ngày)
Anh Hoàng Anh Lâm, Giám đốc công ty chuyên về thiết kế, thi công xây dựng có văn phòng tại Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho biết, do gấp rút hoàn thành dự án bàn giao vào cuối tháng 5/2015 do đó, chỉ có bộ phận hành chính, kế toán được nghỉ trong dịp lễ, kỹ sư, công nhân đều phải làm việc thậm chí với cường độ công việc cao hơn.
“Trước khi quyết định phương án nghỉ lễ, chúng tôi đã thông qua với nhân viên công ty và đều được mọi người thông cảm. Mặc dù thời điểm này, công ty vẫn chưa vượt qua khó khăn, nhưng vẫn cố gắng chi trả thêm lương, thưởng cho anh em đi làm vào ngày nghỉ, đồng thời lên kế hoạch để nhân viên được nghỉ bù vào dịp khác. Nhưng một năm mà có quá nhiều kỳ nghỉ dài ngày, thì chả biết bố trí nghỉ bù cho anh em thế nào”, anh Lâm nói.
Đại diện một DN nước ngoài tại Việt Nam có nhà máy tại Đông Anh (Hà Nội) cho biết, để đảm bảo kế hoạch sản xuất, kinh doanh, DN không thể cho người lao động nghỉ lễ kéo dài 6 ngày liên tiếp. “Mỗi đợt nghỉ lễ dài ngày, doanh nghiệp thêm lo vì phải cân đối nhân sự, trả thêm lương, phụ cấp theo đúng quy định của Luật cho người lao động. Dù vậy, năng suất lao động trong những ngày nghỉ vẫn không bằng ngày bình thường”, đại diện DN cho biết.
Đại diện một tập đoàn chuyên về lĩnh vực bất động sản có trụ sở tại Từ Liêm (Hà Nội) cũng cho biết, nhân viên công ty vẫn làm việc bình thường trong ngày nghỉ lễ để đảm bảo tiến độ công việc. Bù lại, ngày công của người lao động trong ngày nghỉ lễ sẽ được tăng 300% chưa kể các khoản thưởng theo quy định.
GDP sụt giảm
“Đại diện các DN nước ngoài làm việc tại Việt Nam thường xuyên phàn nàn về vấn đề kỳ nghỉ tại Việt Nam quá dài và kéo theo hiệu ứng làm việc sau kỳ nghỉ không cao”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Theo ông Hiếu, mặc dù các DN đã có sự thu xếp ca kíp để làm việc trong những ngày nghỉ lễ, Tết nhằm đảm bảo không ảnh hưởng quá lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, việc DN phải chi trả lương phụ trội trong ngày nghỉ sẽ làm tăng chi phí lao động, chi phí lương thưởng của DN. Trong khi đó, DN đã lên kế hoạch sản xuất kinh doanh của tháng, năm và có những đơn hàng đảm bảo tiến độ lại không thể có “đặc cách” nào cho công nhân, người lao động.
“Về khía cạnh kinh tế, nghỉ lễ dài ngày kéo theo nhiều tác động tiêu cực như làm giảm năng lực làm việc vốn đã thấp của lao động Việt Nam, tác động lên các hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo theo thiệt hại về GDP. Việt Nam nên giảm số ngày nghỉ lễ, Tết, nhất là trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay”, ông Hiếu đề xuất.
“Việt Nam còn nghèo mà ham chơi”, chuyên gia Kinh tế Bùi Trinh đã nhìn nhận như vậy về các kỳ nghỉ lễ dài ngày tại Việt Nam. Theo ông Trinh, các nước trên thế giới có nhiều kỳ nghỉ, nhưng những ngày nghỉ thực sự chỉ kéo dài 3-4 ngày. Còn những nước có kỳ nghỉ dài kéo theo tâm lý “tháng ăn chơi” sau Tết như ở Việt Nam, Trung Quốc, nghỉ lễ dài ngày rơi vào tháng nào, GDP tháng đó cũng bị kéo giảm.
Nhìn vào số liệu thống kê GDP theo quý của Việt Nam trong vòng 10 năm, GDP trung bình của quý I (quý có Tết) chỉ chiếm khoảng 18% GDP của cả năm. So sánh với GDP quý IV ngay trước đó, trung bình trong 10 năm qua, GDP quý I giảm hơn 30%. Sự sụt giảm rất lớn này có thể còn do những yếu tố khác, nhưng chắc chắn do nghỉ Tết là nguyên nhân chính. Tại Trung Quốc, nước có truyền thống ăn Tết Âm lịch dài, GDP quý I/2015 của Trung Quốc cũng giảm trung bình 24% so với quý IV, trong khi ở các nước khác cùng khu vực không kéo dài kỳ nghỉ Tết như Thái Lan, Indonesia, GDP quý I vẫn tăng nhẹ.
“Kỳ nghỉ dài sẽ có những tác động tiêu cực tới tăng trưởng nền kinh tế, làm DN trì trệ, không tạo được giá trị gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất lao động cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế đối với các nước xung quanh. Trước và sau khi nghỉ công việc cũng có phần chậm trễ, thiếu tập trung, trong những ngày nghỉ công việc bị gián đoạn. Việc nghỉ lễ như đang tiến hành có thể mang lại sự phấn khởi cho người lao động nhưng khó tránh khỏi sự lo lắng cho nhiều chủ DN”, ông Trinh nói.
Theo Giao thông
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo